Trắc trở thuyền rồng sông Hương

Theo Nghị định 111/2014/NĐ-CP (quy định niên hạn sử dụng phương tiện thủy nội địa và phương tiện thủy nội địa được phép nhập khẩu), năm 2022, 10 thuyền rồng hoạt động du lịch trên sông Hương đã dừng hoạt động. Thống kê cho thấy đến cuối năm 2023 sẽ thêm 37 chiếc và đến năm 2025, khoảng 80% trong số 134 thuyền rồng hoàn thành "sứ mệnh" sau 30 năm.

Biết làm gì để mưu sinh?

Từ lâu, hình ảnh chiếc thuyền rồng trên sông Hương đã quá quen thuộc với du khách trong nước và quốc tế. Nhiều du khách khi đến cố đô từng một vài lần lên thuyền rồng du ngoạn dòng Hương giang và nghe ca Huế.

Ông Võ Văn Rơi - ngụ đường Chi Lăng, TP Huế - sở hữu 2 chiếc thuyền đơn và 1 chiếc thuyền đôi hoạt động chở khách du lịch trên sông Hương. Ông buồn bã cho biết đến cuối năm nay, 2 chiếc thuyền đơn của ông không thể hoạt động dù vẫn bảo đảm chất lượng, an toàn. Vài năm nữa, chiếc thuyền đôi của ông cũng hết niên hạn sử dụng.

Vợ chồng ông Võ Văn Rơi lo lắng về tương lai những chiếc thuyền rồng của mình

"Đó là gia sản mà vợ chồng tôi vay mượn, chắt chiu từng đồng để đóng. Nếu thuyền bị hạ bản thì chúng tôi chẳng biết làm gì để mưu sinh" - ông Rơi trầm ngâm.

Ông Rơi kể 2 chiếc thuyền rồng chở khách trên sông Hương được Công ty CP Du lịch Hương Giang cho ra mắt cách đây khoảng 30 năm. Thông thường, thuyền đơn rộng 3,2 - 3,5 m, thuyền đôi 6,5 - 7,3 m và dài 16 - 18 m. Thuyền được đóng bằng gỗ, dưới đáy bọc loại nhôm vỏ máy bay từ thời chiến tranh được người dân lùng mua lại.

Theo quy định, một chiếc thuyền đơn chở tối đa 15 khách, thuyền đôi không quá 35 khách. Đến giờ, thuyền rồng tạo ấn tượng khá tốt trong mắt du khách và là thương hiệu đặc trưng của du lịch Huế.

"Thuyền của tôi sử dụng tấm nhôm đóng từ đời ông nội, chỉ hoạt động trên sông Hương nên đến giờ vẫn rất bền. Hiện nay, mỗi chiếc thuyền đơn đóng mới cần đến 60 - 80 m2 nhôm, tính ra tiền cũng 200 - 300 triệu đồng nhưng chưa chắc có loại nhôm này. Mong cơ quan chức năng đánh giá lại tất cả các thuyền rồng, chiếc nào bảo đảm an toàn nên cho gia cố thêm, đáp ứng yêu cầu thì được hoạt động" - ông Rơi bày tỏ.

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Thường - bà Võ Thị Lành cũng đang đứng ngồi không yên khi cuối năm nay, chiếc thuyền rồng của họ phải ngừng hoạt động. Bà Lành cho biết các chủ thuyền rồng trước đây hầu hết là dân vạn đò, sống lênh đênh trên sông nên đa số không biết chữ.

"Nếu như thuyền hết niên hạn mà không được tiếp tục hoạt động, buộc đóng chiếc mới với mẫu mã, giá thành cao hơn thì chúng tôi chẳng đủ tiền. Làm nghề gì quen nghiệp đó, không biết chữ thì lên bờ biết làm gì đây?" - bà Lành băn khoăn.

Không cho phép cải hoán

Theo thống kê, hiện nay có 10 đơn vị khai thác dịch vụ thuyền rồng chở khách du lịch trên sông Hương với 128 chiếc, gồm 9 doanh nghiệp và một hợp tác xã (HTX). Ông Nguyễn Duy Vĩnh, Giám đốc HTX Vận tải Đường sông TP Huế, cho biết đơn vị của ông có trên 70 thuyền rồng, trong đó 50 chiếc là thuyền đơn. Cuối năm 2023, 19 chiếc phải dừng hoạt động, đến năm 2024 thêm 10 chiếc.

Du khách lên thuyền rồng ở bến Tòa Khâm để thưởng ngoạn phong cảnh, nghe ca Huế

Theo ông Vĩnh, các thuyền này lúc trước chủ yếu chở du khách nước ngoài nên thu nhập khá ổn định. Hơn 2 năm qua, do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên thuyền phải nằm bờ. Thời gian gần đây, thuyền rồng có khách trở lại nhưng vẫn chưa phục hồi hoàn toàn.

"Thuyền rồng trên sông Hương đã tạo được dấu ấn đậm nét với du khách, trở thành thương hiệu đặc trưng của du lịch cố đô. Du khách luôn đánh giá tích cực mẫu mã các thuyền rồng này. Nhiều chiếc đến nay vẫn bảo đảm an toàn nên chủ thuyền đã nhiều lần kiến nghị xin được cải hoán, sửa chữa lại, chứ đóng mới thì họ không đủ tiền" - ông Vĩnh cho biết.

Ông Lê Xuân Sơn, Phó Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 4 - Cục Đăng kiểm Việt Nam, nhấn mạnh từ năm 2019, đơn vị đã phổ biến những quy định của Nghị định 111 cho các chủ thuyền. Phương tiện nào đã đăng kiểm, phương tiện nào sắp hết hạn cũng được ghi rõ trong giấy chứng nhận để chủ thuyền nắm bắt và chủ động tính toán.

Ông Sơn khẳng định Nghị định 111 không cho phép cải hoán nên các thuyền rồng hết niên hạn phải hạ bản. Để đóng một phương tiện thủy nội địa, cần có bản thiết kế kỹ thuật đã được Cục Đăng kiểm Việt Nam thẩm định. Phương tiện phải được đóng tại cơ sở đủ điều kiện và với sự giám sát của cơ quan kiểm định. Hiện nay, tại Thừa Thiên - Huế chưa có cơ sở đóng, sửa tàu thuyền đáp ứng yêu cầu. Người dân muốn đóng thuyền mới thì phải đến các cơ sở ở địa phương khác.

Trước đó, năm 2014, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế ban hành quyết định về việc phê duyệt mẫu thuyền phục vụ ca Huế và du thuyền trên sông Hương do một công ty thiết kế với kiểu dáng duy nhất là thuyền đầu rồng. Tuy nhiên, đại diện Chi cục Đăng kiểm số 4 cho rằng đây chỉ là mẫu về kiểu dáng với mục đích lưu giữ nét văn hóa đặc trưng của Huế, không phải bản thiết kế kỹ thuật cần có để thẩm định cho việc đóng mới.

Bài và ảnh: QUANG NHẬT