Những cuộc bầu cử định hình thế giới trong năm 2024

Đương kim Tổng thống Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump được cho là sẽ có cuộc tái đấu kịch tính vào tháng 11-2024

Tác động tới địa chính trị tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Mỗi một cuộc bầu cử tại một quốc gia hay vùng lãnh thổ không chỉ quyết định chính sách đối nội, đối ngoại của quốc gia, vùng lãnh thổ này trong 4-5 năm tới, thậm chí còn xa hơn. Đồng thời, điều này còn tác động tới cả tình hình, cục diện của khu vực, thậm chí cả thế giới, tùy thuộc vai trò, vị thế, tầm ảnh hưởng của quốc gia, vùng lãnh thổ đó.

Một trong những cuộc bầu cử sớm nhất, mở đầu cho “năm bầu cử” 2024 là cuộc bầu cử người đứng đầu chính quyền Đài Loan (Trung Quốc) kế hoạch diễn ra vào ngày 13-1. Cuộc bầu cử để tìm nhà lãnh đạo mới của Đài Loan (Trung Quốc) ngay trong tháng đầu tiên của năm mới 2024 là một trong những điểm nổi bật đầu tiên liên quan chặt chẽ tới tình hình eo biển Đài Loan vốn tác động không chỉ hòa bình, ổn định và an ninh khu vực mà còn có thể cả mối quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới là Trung Quốc và Mỹ.

Trong cuộc bầu cử tại Indonesia kế hoạch tổ chức vào ngày 14-2, có 3 ứng cử viên hàng đầu thay thế Tổng thống đương nhiệm Joko Widodo sắp mãn nhiệm là các ông Prabowo Subianto, Ganjar Pranowo và Anies Baswedan. Trong đó, ông Prabowo Subianto là Trung tướng quân đội đã nghỉ hưu, là con rể của cố Tổng thống Suharto. Ông Ganjar Pranowo đã qua 2 nhiệm kỳ làm Thống đốc Trung Java, tỉnh đông dân thứ ba của Indonesia, ghi điểm cao nhờ việc cải thiện cơ sở hạ tầng của tỉnh. Ông Anies Baswedan là Thống đốc Jakarta.

Một trong những cuộc bầu cử quốc gia quan trọng nhất của châu Á và thế giới trong năm 2024 sẽ diễn ra ở quốc gia đông dân nhất thế giới là Ấn Độ vào mùa hè. Đương kim Thủ tướng Modi cùng đảng BJP cầm quyền theo chủ nghĩa dân tộc của ông đang tìm kiếm nhiệm kỳ thứ ba. Ông Narendra Modi nhận được ủng hộ của phần lớn người dân Ấn Độ, với tỷ lệ ở mức cao gần nhất trong lịch sử là 78%, nhờ các thành tích lớn trong phát triển kinh tế, xã hội, cũng như triển khai chính sách chống tham nhũng hiệu quả.

Quốc gia láng giềng, đồng thời là “đối thủ” của Ấn Độ trong nhiều vấn đề song phương cũng như khu vực là Pakistan cũng dự kiến tổ chức cuộc tổng tuyển cử vào tháng 2-2024. Các cuộc bầu cử quan trọng tại Ấn Độ và Pakistan, tùy thuộc người chiến thắng, có khả năng định hình lại quan hệ quốc tế và thay đổi bối cảnh địa chính trị tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Thế giới sẽ khó lường hay ổn định hơn?

Sau khi Hội đồng Liên bang (Thượng viện) ấn định ngày tổ chức bầu cử Tổng thống tiếp theo của đất nước vào tháng 3-2024, Tổng thống Vladimir Putin đã tuyên bố ra tranh cử mà nếu giành chiến thắng sẽ giúp ông cầm quyền tới năm 2030. Dù đã có 16 ứng viên tuyên bố ra tranh cử, song đương kim Tổng thống Vladimir Putin được xem là ứng cử viên sáng giá nhất, vượt trội với các ứng cử viên còn lại và hầu như không có ứng viên nào có thể cạnh tranh được với ông. Theo các cuộc thăm dò dư luận trên toàn quốc, tỷ lệ ủng hộ dành cho ông Vladimir Putin hiện lên tới mức kỷ lục, dao động từ 80-85%. Đây cũng sẽ là lần đầu tiên cư dân của các vùng Donetsk, Luhansk, Zaporizhia và Kherson mà Nga tuyên bố sáp nhập sau Chiến dịch quân sự đặc biệt hồi tháng 2-2022 tham gia bỏ phiếu.

Chiến dịch quân sự tại Ukraine cũng như các thách thức khác như cuộc nổi dậy bất thành vào tháng 6-2023 của ông Yevgeny Prigozhin, thủ lĩnh nhóm Wagner, không những không ảnh hưởng tới hình ảnh của ông Vladimir Putin trong con mắt người dân Nga mà còn nâng cao ủy tín của ông trên chính trường. Nếu ông Vladimirr Putin tái đắc cử, cuộc xung đột với Ukraine sẽ tiếp diễn theo chiều hướng như hiện nay và nước Nga sẽ tiếp tục là một “cực” đối trọng với phương Tây do Mỹ đứng đầu trong cuộc đấu tranh địa chính trị kéo dài và quyết liệt. Tại quốc gia đang xung đột quân sự với Nga là Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky được cho cũng đang cân nhắc các yếu tố trước quyết định liệu có tổ chức bầu cử Tổng thống trong năm 2024 hay không theo nhiệm kỳ bình thường hay không. Tuy nhiên, do ban bố tình trạng thiết quân luật, trong đó có cấm tổ chức bầu cử, kể từ xảy ra xung đột quân sự với Nga, hiện chưa biết ông Volodymyr Zelensky có quyết định tổ chức cuộc bầu cử trong năm 2024 hay không.

Không phải là cuộc bầu cử tìm kiếm một nhà lãnh đạo mới của quốc gia nhưng cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào mùa hè năm 2024 có thể ảnh hưởng tới các mối quan hệ quan trọng không chỉ ở cựu lục địa, với Nga mà cả thế giới nói chung. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen có thể được bổ nhiệm lại, thế nhưng Hội đồng châu Âu - cơ quan chịu trách nhiệm xác định các ưu tiên chính trị chung của - sẽ có một nhà lãnh đạo mới khi vấn đề “an ninh kinh tế và quyền tự chủ chiến lược là mục tiêu chính trị hàng đầu”.

Cuộc bầu cử “muộn màng” nhất và cũng thu hút sự quan tâm sâu sắc bậc nhất của toàn thế giới trong năm 2024 là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11. Còn khá sớm để khẳng định ứng cử viên nào của đảng Dân chủ và Cộng hòa sẽ bước vào vòng nốc ao cuối cùng, trực tiếp “so găng” với nhau, song giới quan sát cho rằng, nhiều khả năng đó sẽ là cuộc tái đấu kịch tính, quyết liệt giữa đương kim Tổng thống Biden và người tiền nhiệm Donald Trump. Cựu Tổng thống Donald Trump hiện là ứng cử viên dẫn đầu một cách khác vững chắc cho đề cử của đảng Cộng hòa dù đang phải đối mặt với nhiều cáo buộc hình sự. Chiến thắng của ông Donald Trump hay đương kim Tổng thống Joe Biden sẽ tác động sâu sắc tới chính sách đối nội và đối ngoại của nước Mỹ bởi sự khác biệt lớn giữa hai ông.

Trong trường hợp ông Donald Trump giành chiến thắng, theo giới quan sát, có khả năng sẽ tạo ra sự bất ổn lớn trên toàn cầu vì cựu Tổng thống có thể đẩy lùi các chính sách quan trọng hàng đầu của ông Joe Biden, bao gồm cả Đạo luật Giảm lạm phát. Việc đảo lộn hay hủy bỏ các chính sách của ông Joe Biden trong 4 năm qua sẽ “làm suy yếu” sự thống nhất của phương Tây và khiến chính sách của Mỹ trở nên khó dự đoán hơn đáng kể về các vấn đề như Trung Đông và xung đột quân sự Nga - Ukraina. Tổng thống Joe Biden trong thời gian cầm quyền luôn thực thi chính sách “Nước Mỹ đã trở lại” trên trường quốc tế, trong đó hỗ trợ tối đa cho Ukraina trong cuộc xung đột với Nga và việc thúc đẩy các mối quan hệ đồng minh ở châu Á nhằm duy trì vai trò ảnh hưởng, lãnh đạo toàn cầu của Mỹ. Tuy nhiên, trong trường hợp ông Donlad Trump trở lại có thể đảo ngược xu hướng và làm mới chiến dịch “Nước Mỹ đang rời đi” mà ông theo đuổi, thể hiện từ nhiệm kỳ đầu tiên 2016-2020 tới nay. Thế giới sẽ tiếp tục phức tạp, khó lường hay dần ổn định hơn sẽ phụ thuộc một phần vào kết quả các cuộc bầu cử quan trọng trong năm 2024 này.