Niềm tin kinh doanh đang trở lại

Doanh nghiệp dự kiến mở rộng quy mô tăng gấp 2 lần

Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) vừa trình Thủ tướng báo cáo chuyên đề khảo sát tình hình doanh nghiệp cuối năm 2023 và nhận định bối cảnh kinh doanh năm 2024.

Tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế vĩ mô 12 tháng tới gấp gần 3 lần so với khảo sát tháng 4.2023, cho thấy niềm tin đã dần quay trở lại. Ảnh minh họa: vnbusiness.vn

Khảo sát được thực hiện theo hình thức trực tuyến vào đầu tháng 12.2023, với 2.734 doanh nghiệp tham gia.

Kết quả cho thấy, so với các con số của khảo sát tháng 4.2023, tình hình của doanh nghiệp đã lạc quan hơn, thể hiện niềm tin đã quay trở lại.

Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá tích cực/rất tích cực tình hình kinh tế vĩ mô hiện nay gấp 2,7 lần; tỷ lệ đánh giá tích cực/rất tích cực về kinh tế ngành hiện tại gấp 2,5 lần; tỷ lệ đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế vĩ mô 12 tháng tới gấp gần 3 lần; tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến mở rộng quy mô mạnh tăng gấp 2 lần; tỷ lệ mở rộng quy mô vừa phải tăng gấp 2,5 lần.

Các chỉ số, chỉ báo khác về triển vọng tiếp cận vốn, triển vọng thị trường, đánh giá hiệu quả hỗ trợ của chính quyền địa phương đều có tỷ lệ, điểm đánh giá cao hơn khảo sát tháng 4.

Dù vậy, tình hình và triển vọng kinh tế qua góc nhìn của doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Trong tổng số 2.734 doanh nghiệp tham gia khảo sát, vẫn có 82,4% doanh nghiệp đánh giá tiêu cực/rất tiêu cực về tình hình kinh tế 6 tháng cuối năm 2023; 69,1% đánh giá tiêu cực/rất tiêu cực về triển vọng kinh tế năm 2024.

Có 72,8% doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh trong năm 2024. Trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến ngừng kinh doanh, chờ giải thể là 11,8%; dự kiến tạm ngừng kinh doanh là 12,2%; dự kiến giảm mạnh quy mô là 28,2% và dự kiến giảm nhẹ quy mô là 20,6%.

Trong số các doanh nghiệp dự kiến còn hoạt động năm 2024, 58,9% cho biết có thể giảm quy mô lao động trên 5%, trong đó có 16,6% giảm trên 50%. Có 60,2% doanh nghiệp dự kiến giảm doanh thu, trong đó tỷ lệ giảm trên 50% doanh thu là 17,3%.

Xây dựng chính sách hỗ trợ một cách thực chất

Theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, hoạt động điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong 1.000 ngày đầu tiên của nhiệm kỳ cũng như trong 6 tháng cuối năm 2023 là hết sức quyết liệt, kịp thời, bám sát những khó khăn của doanh nghiệp và của nền kinh tế. Nhờ đó, nền kinh tế đã bước đầu vượt qua khó khăn, đạt mức tăng trưởng cao hơn so với các quốc gia khác và gặt hái nhiều thành tựu quan trọng, đặc biệt ở các khía cạnh ngoại giao kinh tế, mở ra nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp.

Trong năm 2024, các doanh nghiệp cho rằng có 5 khó khăn chính, gồm: Khó khăn về đơn hàng; khó khăn về dòng tiền; khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục hành chính và đáp ứng các quy định của pháp luật; nguy cơ hình sự hóa các giao dịch kinh tế; khó khăn về tiếp cận vốn vay. Đây là những khó khăn không mới, đã được nêu ra từ cuộc khảo sát vào tháng 4.2023.

Các doanh nghiệp đề nghị, sự quyết liệt, kịp thời cần liên tục được duy trì, lan tỏa từ Thủ tướng, Chính phủ đến các Bộ ngành, cấp cơ sở nhằm tiếp tục đồng hành hiệu quả, trợ lực, vun đắp niềm tin để người dân và doanh nghiệp vượt khó.

Bối cảnh thế giới nhiều biến số nhưng vai trò của Việt Nam không ngừng được củng cố trên trường quốc tế, các doanh nghiệp cho rằng đây là “thời điểm vàng” của cải cách, giải quyết triệt để những vấn đề nội tại của nền kinh tế cũng như của mô hình phát triển để tạo ra các động lực phát triển mới.

Do đó, doanh nghiệp đề xuất Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công để nâng cao chất lượng các cơ sở hạ tầng quan trọng của quốc gia và cơ sở hạ tầng kết nối nhằm tạo ra năng lực cạnh tranh dài hạn; trọng tâm phát triển nhân lực công nghệ cao, đặc biệt nhân lực cho hệ sinh thái bán dẫn và các xu hướng công nghệ xanh, số hiện đại để tận dụng cơ hội do sự dịch chuyển chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị của thế giới đem lại.

Cùng với đó, xây dựng nền hành chính, quản trị công kỷ cương, phục vụ, hiệu quả, trong đó nhấn mạnh đến các cơ chế chọn lựa và sử dụng nhân tài. Cần xây dựng các chính sách hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân một cách thực chất; hình thành và thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp dân tộc dẫn dắt vì đây là động lực quan trọng để Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và đạt được mục tiêu trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045.

Song song với đó, cần chuyển đổi nền kinh tế theo hướng xanh và tuần hoàn để hòa nhịp xu hướng phát triển bền vững của thế giới.

Thiên An