Phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính ngân sách năm 2024

Nghị quyết số 27 nêu rõ, năm 2024 là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính ban hành Nghị quyết về lãnh đạo, chỉ đạo thắng lợi nhiệm vụ tài chính ngân sách năm 2024.

Để thực hiện các nghị quyết của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ; đồng thời triển khai thực hiện tinh thần chủ đề điều hành 2024 của Chính phủ: "Kỷ cương, trách nhiệm; chủ động kịp thời; tăng tốc sáng tạo; hiệu quả bền vững", phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ tài chính ngân sách năm 2024, Ban Cán sự đảng Bộ Tài chính yêu cầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị trong toàn ngành Tài chính tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu:

Một là, tiếp tục giữ vững nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững các lĩnh vực kinh tế, xã hội.

Hai là, tiếp tục hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tài chính - ngân sách, chính sách pháp luật về thu ngân sách nhà nước, tăng cường quản lý thu, phấn đấu hoàn thành dự toán thu được giao ở mức cao nhất đảm bảo nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.

Ba là, quản lý chi NSNN chặt chẽ, tăng cường tiết kiệm chi, nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ, sử dụng NSNN, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính; tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại chi NSNN gắn với các mục tiêu về tái cơ cẩu nền kinh tế, phát triển bền vững.

Tăng cường nguồn lực dự trữ quốc gia nhằm chủ động đáp ứng yêu cầu xuất cấp trong các tình huống đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh; phục vụ quốc phòng, an ninh và các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao.

Bốn là, kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN, nợ công, các nghĩa vụ nợ dự phòng.

Năm là, đảm bảo sự vận hành ổn định, an toàn của thị trường tài chính và dịch vụ tài chính; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.

Sáu là, nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị gắn với tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập.

Bảy là, thực hiện quyết liệt, thực chất, có hiệu quả cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước gắn với đổi mới quản trị doanh nghiệp.

Tám là, đẩy mạnh chuyển đổi số; tiếp tục cải thiện thực chất môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tăng tính công khai, minh bạch.

Chín là, tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính, ngân sách trong thực thi công vụ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai minh bạch trong quản lý thu, chi NSNN, tài sản công, đất đai, tài nguyên.

Mười là, tích cực, chủ động hội nhập tài chính quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.

Mười một là, thực hiện tốt công tác quản lý nội ngành, phát huy vai trò của tổ chức đảng, đoàn thể nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý./.

Đức Minh