Phối hợp đồng bộ các chính sách, tạo đà thúc đẩy tăng trưởng

PV:Ông đánh giá như thế nào về kết quả tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt được trong năm 2023?

PGS.TS Đinh Văn Hải

PGS.TS Đinh Văn Hải: Kinh tế Việt Nam năm 2023 chịu ảnh hưởng rất lớn từ những biến động của khu vực và thế giới, do vậy tăng trưởng không đạt mục tiêu như mong muốn 6,5%. Nhưng với kết quả đạt được, theo tôi là rất ấn tượng: kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát, nợ công được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm. Tăng trưởng kinh tế cả năm 2023 đạt 5,05%, đây là mức cao hơn cả dự báo của Ngân hàng Thế giời (WB) và ỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), thuộc nhóm tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới, nâng quy mô nền kinh tế lên khoảng 430 tỷ USD, đưa quy mô nền kinh tế nước ta lên tầm lớn thứ 34 thế giới.

Trong đó, khu vực nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế, năm 2023 tăng 3,83%, cao nhất trong 10 năm qua. Khu vực dịch vụ tăng 6,82%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,6%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm đạt 683 tỷ USD; xuất siêu khoảng 28 tỷ USD, nhiều nhất từ trước đến nay.

Thúc giải ngân đầu tư công ngay từ đầu năm

PGS.TS Đinh Văn Hải nhấn mạnh, cần có giải pháp đẩy mạnh giải ngân đầu tư công ngay từ những tháng đầu, quý đầu; kích cầu đầu tư và tiêu dùng nội địa; hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động chịu tác động tiêu cực từ suy giảm xuất khẩu, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa để duy trì đà phục hồi, tăng trưởng.

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm tăng 3,25%, thấp hơn mục tiêu đề ra khoảng 4,5%. Thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm khoảng 2% so với cuối năm 2022; an ninh năng lượng, an ninh lương thực được đảm bảo cơ bản...

Tôi cho rằng, nguyên nhân đạt được những kết quả nổi trội như trên, trước hết là chính sách linh hoạt của Đảng, Chính phủ trong điều hành đất nước, đặc biệt sự phối hợp hiệu quả chính sách tài khóa và tiền tệ cùng với các chính sách vĩ mô khác để thúc đẩy tăng trưởng trong thời gian qua. Cùng với đó, còn là sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và người lao động.

PV: Mới đây, Ủy ban Thường vụ ốc hội ban hành nghị quyết giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2024. Đồng thời, Chính phủ đồng ý đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng 2% trong 6 tháng đầu năm 2024. Theo ông, những chính sách này sẽ hỗ trợ hiệu quả tăng trưởng kinh tế ra sao?

PGS.TS Đinh Văn Hải: Theo tôi, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành nghị quyết giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2024, cùng với việc tiếp tục giảm thuế GTGT 2% trong 6 tháng đầu năm là hết sức cần thiết vì sẽ giúp tăng tổng cầu tiêu dùng trong nước, người tiêu dùng sẽ tăng chi tiêu khi giá thành hàng hóa được giảm, đặc biệt đang bước vào mùa tiêu dùng Tết Nguyên đán và trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế đang tiếp đà phục hồi những quý gần đây.

Trong năm qua, giải pháp giảm 2% thuế thuế suất GTGT, cùng với các giải pháp giảm phí, lệ phí khác đang tạo điều kiện rất lớn, giúp cộng đồng doanh nghiệp giảm được chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, tăng khả năng kích cầu, thúc đẩy sản xuất phát triển và tăng khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm, qua đó thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế và đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát đã đề ra.

PV: Để phấn đấu đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6-6,5% trong năm 2024, cần chú trọng những động lực nào, thưa ông?

PGS.TS Đinh Văn Hải: Ngày 9/1, ân hàng Thế giới (WB) đã công bố báo cáo Triển vọng Kinh tế toàn cầu. Trong đó, kinh tế thế giới được dự báo sẽ tăng trưởng 2,4% trong năm 2024. Theo WB, năm 2024 có thể sẽ khép lại chuỗi 5 năm kinh tế toàn cầu tăng trưởng với tốc độ thấp nhất trong vòng 30 năm trở lại đây, triển vọng trung hạn trở nên u ám đối với nhiều nền kinh tế đang phát triển. Tăng trưởng ở hầu hết các nền kinh tế lớn chậm lại, thương mại toàn cầu đình trệ và các điều kiện tài chính bị thắt chặt nhất trong nhiều thập kỷ…

Tuy nhiên, với những kỳ tích của Việt Nam trong những năm qua, WB dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng lần lượt 5,5% và 6% trong các năm 2024 và 2025. Do vậy, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2024 Quốc hội Việt Nam đưa ra là 6- 6,5% là chỉ tiêu khá cao, thể hiện tinh thần nỗ lực, cố gắng lớn của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.

Để đạt được chỉ tiêu này, theo tôi, cần phải áp dụng đồng bộ các giải pháp, bên cạnh các chính sách miễn giảm thuế, phí; cần quan tâm tới một số giải pháp cơ bản sau: Hoàn thiện thể chế nhằm thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài, khuyến khích các doanh nghiệp và người lao động trong nước tận lực phát triển kinh tế; phát triển mạnh mẽ hạ tầng kinh tế như giao thông, điện, viễn thông, dịch vụ tài chính…

Tích cực đẩy mạnh công tác nghiên cứu và triển khai khoa học công nghệ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu cả về số lượng và chất lượng cho sự phát triển kinh tế. Đồng thời, tiếp tục tái cơ cấu kinh tế một cách hiệu quả, ổn định, phát triển các ngành có lợi thế, truyền thống, phát triển mạnh kinh tế số, logistics.

Cùng với đó, đẩy mạnh xuất khẩu, bên cạnh phát triển làm chủ thị trường trong nước, cần làm tốt công tác môi trường; công tác giáo dục chính trị tư tưởng, an sinh xã hội, quan tâm thỏa đáng lợi ích của người lao động. Mặt khác, Nhà nước cần tiếp tục hỗ trợ người sản xuất, doanh nghiệp trên mọi lĩnh vực đặc biệt là xúc tiến thương mại, giải quyết các tranh chấp…

PV: Xin cảm ơn ông!

Chính sách giảm thuế, phí hỗ trợ hiệu quả người dân, doanh nghiệp

PGS.TS Đinh Văn Hải cho hay, trong năm 2023, Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, chính sách này sẽ hỗ trợ người dân và doanh nghiệp khoảng 38 nghìn tỷ đồng. Tiếp đến, Chính phủ ban hành Nghị định số 12/2023/NĐ-CP về gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và tiền thuê đất trong năm 2023, với số tiền gia hạn khoảng 110 nghìn tỷ đồng; giảm thuế GTGT 2% 6 tháng cuối năm 2023 với hầu hết tất cả mặt hàng…

Có thể nói, với chủ trương và việc làm này của Chính phủ và Quốc hội, thực chất đây chính là chính sách “khoan sức dân”, tạo điều kiện cho người lao động và doanh nghiệp có thêm nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế, nhất là trong điều kiện khó khăn của suy giảm kinh tế thế giới, đặc biệt các nền kinh tế lớn đã tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế Việt Nam từ cuối năm 2022 đến nay, khiến tổng cầu trong nước và thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.

Các chính sách tài khóa vừa qua đã được ban hành kịp thời, trong đó chính sách giảm thuế, phí được đánh giá rất hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất kinh doanh để đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Đây cũng là chính sách mà nhiều nước tiên tiến đã áp dụng khi doanh nghiệp, người lao động gặp khó khăn, cũng như đưa nền kinh tế vượt qua thách thức.

Đức Việt