Quảng Ninh sẵn sàng điều kiện đón vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài

Khởi sắc ngay từ đầu năm

Tỉnh ảng Ninh đã có một năm 2023 bứt phá mạnh mẽ trong thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách, với tổng vốn thu hút đạt gần 5 tỷ USD. Riêng thu hút FDI đạt trên 3,1 tỷ USD (tăng 42,3% so với cùng kỳ năm 2022) và trở thành địa phương dẫn đầu cả nước. Thống kê trên địa bàn hiện có gần 200 doanh nghiệp FDI đến từ 20 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư gần 14 tỷ USD. Đáng chú ý, các dự án FDI đầu tư đều tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao, thân thiện với môi trường, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Từ những lợi thế của địa phương như tỉnh đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030; 6 năm liên tiếp (từ 2017 - 2022) giữ vị trí Quán quân PCI và 10 năm liền (từ năm 2013 - 2022) nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước; sở hữu hạ tầng giao thông đồng bộ, đa dạng nhất miền Bắc… Quảng Ninh đã thực hiện những giải pháp cầu thị, đúng thời điểm, tạo được niềm tin đối với nhà đầu tư, đón được làn sóng mới, cơ hội mới. Ngay trong gần 2 tháng đầu của năm 2024, tỉnh đã đón 8 dự án có vốn FDI đầu tư vào các KCN, KKT trên địa bàn với tổng số vốn gần 478 triệu USD.

Lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh trao giấy chứng nhận đầu tư cho đại diện Công ty Gokin Solar. Ảnh: Minh Toàn

Mới đây nhất, ngày 21.2, Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho hai dự án FDI với tổng mức đầu tư trên 330 triệu USD. Cả hai dự án được trao chứng nhận đầu tư dịp đầu xuân mới Giáp Thìn 2024 đều thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo, công nghệ cao góp phần đưa lĩnh vực này có những bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Cụ thể, dự án tấm silic đơn tinh thể và thanh silic đơn tinh thể quang điện Gokin Solar Hải Hà Việt Nam tại Khu công nghiệp Texhong Hải Hà (huyện Hải Hà) của chủ đầu tư là Công ty Gokin Solar tới từ Kong (Trung Quốc) với tổng mức đầu tư 274,8 triệu USD, công suất thiết kế gần 1,4 tỷ sản phẩm/năm. Dự án thứ hai là dự án sản xuất vòng bi, thiết bị chuyển động tuyến tính tại Khu công nghiệp Sông Khoai (thị xã Quảng Yên) của Công ty TNHH IKO Thompson Việt Nam, công suất thiết kế 930 tấn sản phẩm/năm, tổng mức đầu tư 57 triệu USD.

Từ những giải pháp cầu thị, sự chuẩn bị chu đáo, bài bản, chiến lược, phù hợp bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế từ những ngày đầu, tháng đầu của năm, niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài đối với Quảng Ninh đang tiếp tục tăng mạnh. Riêng trong quý I này, tỉnh đặt mục tiêu thu hút 1 tỷ USD vốn FDI. Với dự kiến sẽ tiếp tục đón thêm 7 nhà đầu tư đến từ Hoa Kỳ, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) trong hơn một tháng nữa thì kế hoạch tỉnh đặt ra trong quý đầu của năm là hoàn toàn khả thi.

Mục tiêu trở thành "thủ phủ" mới của dòng vốn ngoại

Với quan điểm sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngoài ngân sách cho phát triển, FDI là động lực quan trọng, thúc đẩy ngành công nghiệp tăng tốc trong giai đoạn mới và nhận định về biến động của môi trường đầu tư quốc tế, nhất là sự chuyển dịch mạnh mẽ dòng vốn đầu tư nước ngoài thời điểm hiện nay, Nghị quyết số 20-NQ/TU (ngày 27.11.2023) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh "Về phương hướng nhiệm vụ năm 2024” đã xác định thu hút đầu tư nói chung, FDI nói riêng là động lực chính để bảo đảm tăng trưởng; trong năm nay, tỉnh đặt mục tiêu tiếp tục bứt phá và lọt top đầu thu hút FDI cả nước.

Chia sẻ về mục tiêu trở thành một “thủ phủ” mới của dòng vốn đầu tư nước ngoài trong những ngày đầu năm vừa qua, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tường Huy cho biết, quan điểm của tỉnh là ưu tiên tập trung thu hút đầu tư nước ngoài có trọng tâm, trọng điểm, thu hút các tập đoàn đa quốc gia, đa ngành, có vai trò dẫn dắt vào những ngành, nghề, lĩnh vực mà địa phương có lợi thế cạnh tranh vượt trội, tiềm năng khác biệt; thúc đẩy hợp tác phát triển phù hợp với bối cảnh thế giới và khu vực; tái định vị dòng vốn đầu tư, ưu tiên việc kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; thu hút đầu tư xanh, công nghệ cao, công nghệ phụ trợ... Để thực hiện được định hướng đó, tỉnh tiếp tục tập trung chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất về chính sách, hạ tầng cứng, hạ tầng mềm, nguồn nhân lực... để đón dòng vốn FDI “chảy” vào Quảng Ninh.

Theo Trưởng Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Phạm Xuân Đài, trên cơ sở các nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, kế hoạch của UBND tỉnh, Ban Quản lý đã bám sát chỉ đạo triển khai cụ thể các nội dung. Từ đó, ban hành kế hoạch, chương trình theo chuyên đề liên quan; thành lập tổ công tác đặc biệt hỗ trợ các doanh nghiệp; tổ chức làm việc cụ thể với từng chủ đầu tư hạ tầng KCN để rà soát, đánh giá khả năng đáp ứng; xác định, phân bổ chỉ tiêu thu hút đầu tư trong từng tháng, quý; đẩy mạnh công tác phối hợp với các sở, ngành và các địa phương để chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết, nhất là mặt bằng, hạ tầng, nguồn nhân lực. Cùng với đó là đổi mới, đa dạng hóa các hình thức xúc tiến đầu tư; thực hiện phương châm đồng hành cùng doanh nghiệp; tập trung công tác cải cách hành chính… nhằm nắm bắt thời cơ, đón đầu làn sóng dịch chuyển vốn FDI.

Phong Nam