Quyết tâm chấm dứt bệnh lao

Ảnh: minh họa

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam là quốc gia thứ 11 trong số 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao, lao kháng thuốc cao trên thế giới. Những năm qua, Việt Nam đã không ngừng nâng cao nhận thức của cộng đồng về những ảnh hưởng nghiêm trọng của bệnh lao tới sức khỏe con người, kinh tế và xã hội; đồng thời kêu gọi sự tham gia hưởng ứng tích cực, sự ủng hộ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để tập trung nguồn lực, đảm bảo nguồn tài chính bền vững để tất cả bệnh nhân lao được khám, phát hiện và điều trị.

Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc nâng cao chất lượng chẩn đoán, tăng cường sàng lọc, mở rộng quy mô dự phòng bệnh lao, giới thiệu các phác đồ điều trị mới được khuyến nghị, chuyển dịch mô hình tài tính và tăng cường hợp tác đa lĩnh vực, đảm bảo chất lượng quản lý điều trị, mở rộng hệ thống xét nghiệm nhanh, chính xác để kịp thời phát hiện sớm bệnh nhân mắc lao và ngăn chặn nguồn lây trong cộng đồng.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng là một trong những nước có tình trạng lao nặng lên cao nhất thế giới sau đại dịch Covid-19. Sau đại dịch, Việt Nam ước tính có thêm 170.000 người mắc lao trong cộng đồng, trong đó có khoảng 13.000 người tử vong do lao, cao hơn số người tử vong vì tai nạn giao thông. Lao đa kháng thuốc ước tính khoảng 9.200 ca, chiếm 4,5% trong nhóm bệnh nhân lao mới và 15% trong nhóm đã từng điều trị. Người mắc lao đồng nhiễm ước tính khoảng 4.300 ca, chiếm 2,5% trong số bệnh nhân lao phát hiện. Đây là những con số rất đáng lo ngại.

Trong năm 2023, Chương trình Chống lao Quốc gia đã triển khai đồng bộ các can thiệp phòng chống lao nhằm tăng tối đa số bệnh nhân lao được phát hiện, chẩn đoán. Qua đó, 106.086 bệnh nhân lao các thể được phát hiện và thu nhận vào điều trị để cắt đứt nguồn lây trong cộng đồng, giúp phục hồi hoạt động phát hiện bệnh lao sau ảnh hưởng của đại dịch.

Mặc dù vậy, WHO đánh giá, số bệnh nhân lao được phát hiện hằng năm tại Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 60% số bệnh nhân lao trong thực tế. Như vậy, sẽ có trên 40% bệnh nhân lao nằm trong cộng đồng chưa được phát hiện và điều trị. Đây là vấn đề đặt ra với chương trình chống lao quốc gia và nhiệm vụ ngành y tế còn đang rất lớn.

Song, các chuyên gia y tế tin tưởng Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh lao nhờ chương trình chống lao quốc gia được triển khai sâu rộng trong toàn quốc với hệ thống kiểm soát lao tại các bệnh viện ở 63 tỉnh, thành phố là những hạt nhân trung tâm để triển khai kiểm soát lao cho từng địa phương. Cùng với đó, Việt Nam có một lực lượng cán bộ kiểm soát lao chuyên môn tốt, nhiệt tình với công việc và sự hỗ trợ, chung tay của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân.

Các chuyên gia kỳ vọng chương trình chống lao quốc gia năm nay sẽ có sự đột phá quan trọng khi ngành y tế triển khai quyết liệt phương pháp kiểm soát lao gắn với y tế cơ sở. Điều này có nghĩa là tất cả người dân, người bệnh khi đến khám bệnh phải qua các cơ sở khám, chữa bệnh thì chính các cơ sở khám, chữa bệnh là nơi sàng lọc phát hiện bệnh nhân lao. Bằng việc đẩy mạnh công tác phát hiện bệnh lao kết hợp nhiều hình thức, lồng ghép các chiến dịch sàng lọc bệnh lao với các bệnh lý khác..., tất cả người dân sẽ được khám và phát hiện bệnh lao.

Thiết nghĩ, với nhiều các phương pháp mới, thuốc mới, phác đồ điều trị mới và với tinh thần quyết tâm cao, chương trình chống lao quốc gia cùng với hệ thống y tế cả nước sẽ nhanh chóng kiểm soát được bệnh lao và Việt Nam hoàn toàn có thể kết thúc bệnh lao trước thời hạn năm 2035.

Thanh Thảo