'Rủi ro bên ngoài có thể kéo sụt đà tăng trưởng'

Về tổng thể, ông Hùng khẳng định triển vọng của kinh tế Việt Nam trong năm 2024 là vừa lạc quan, vừa thận trọng nhờ có sự phục hồi tương đối toàn diện ở các ngành, chính sách tiền tệ và tài khóa hỗ trợ.

- Với những số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, ông đánh giá thế nào về kinh tế Việt Nam trong quý I/2024?

Nhìn vào báo cáo của Tổng cục Thống kê có thể thấy, các chỉ tiêu kinh tế của Việt Nam đều tăng trưởng tích cực. Chẳng hạn như xuất khẩu tiếp tục cho thấy đà phục hồi từ nửa cuối năm 2023 tới nay.

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công so với kế hoạch tương đối ổn định. Đơn hàng mới đã dần trở lại và nhu cầu tiêu dùng được cải thiện đã vực dậy sự tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Lãi suất thấp hơn, các biện pháp tài khóa được duy trì và khung pháp lý liên quan tới đất đai có nhiều thay đổi gần đây sẽ hỗ trợ ngành xây dựng.

Với những diễn biến như vậy, hoàn toàn có thể trông đợi vào thành tích tốt hơn trong năm 2024. Tuy vậy, vẫn phải nói rằng, sự tồn tại của một số rủi ro sụt giảm bên ngoài có thể cản trở đà tăng trưởng của Việt Nam.

- Cụ thể, theo ông, đó là những rủi ro nào?

Một trong những rủi ro đó là nhu cầu toàn cầu suy yếu do tốc độ phục hồi kinh tế chậm ở các nước là đối tác thương mại lớn của Việt Nam và căng thẳng địa chính trị quốc tế vẫn đang tiếp diễn. Cả 2 yếu tố này sẽ làm chậm quá trình phục hồi xuất khẩu của Việt Nam. Rủi ro tiếp theo là việc trì hoãn bình thường hóa lãi suất tại thị trường Mỹ và các thị trường phát triển khác. Điều này sẽ tiếp tục gây áp lực lên ỷ giá hối đoái.

Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng chậm lại trong năm vừa qua đã bộc lộ những nguy cơ dễ đổ vỡ của cấu trúc nền kinh tế Việt Nam, chẳng hạn như sự phụ thuộc vào chế biến xuất khẩu do các doanh nghiệp FDI làm đầu tàu, thị trường vốn còn non trẻ hay sự phụ thuộc quá mức vào tín dụng ngân hàng… Nếu những rủi ro này được giải quyết kịp thời, Việt Nam có thể đạt được mức tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Trong quý đầu năm, số doanh nghiệp phá sản vẫn đang nhiều hơn số doanh nghiệp mới thành lập. Điều này gợi cho ông suy nghĩ gì?

Tôi cho rằng Việt Nam là một nền kinh tế năng động. Vì vậy, số lượng doanh nghiệp thành lập mới, doanh nghiệp phá sản có xu hướng tăng từng năm là điều dễ hiểu.

Có thể thấy, trong năm 2023 và trong quý I/2024, số lượng doanh nghiệp phá sản, rút lui ra khỏi thị trường có xu hướng tăng, điều này thể hiện bản chất của nền kinh tế Việt Nam vẫn còn tồn tại một số khó khăn nhất định. Tuy nhiên, tôi cho rằng, xu hướng này là bình thường và không đáng quan ngại.

Ảnh minh họa

- Đầu tư công là trọng điểm của nền kinh tế

Chính sách tài khóa được đánh giá là yếu tố then chốt giúp nền kinh tế Việt Nam hồi phục. Ông nhìn nhận thế nào về chính sách tài khóa của Chính phủ trong thời gian qua?

2023 là năm cuối của chương trình phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19. Trong năm 2023, các chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp, như giảm thuế VAT, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế nhập khẩu, thuế môi trường... và nhiều chính sách tài khóa khác đã giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng tích cực (GDP tăng 5,05%). Sang năm 2024, một số các chính sách tài khóa vẫn còn có hiệu lực và tiếp tục mang lại nhiều tín hiệu tích cực đối với nền kinh tế. Đơn cử như chính sách giảm 2% thuế VAT trong nửa đầu năm 2024, giúp kích thích tiêu dùng nội địa.

Có một số ý kiến cho rằng, để tạo đà mạnh hơn cho kinh tế tăng trưởng, bên cạnh các chính sách tài khóa, phải chăng nên có thêm các chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, tôi cho rằng, hiện nay, để nền kinh tế phục hồi mạnh hơn, các chính sách hỗ trợ nên nhẹ về tiền tệ, nặng về tài khóa. Thực tế cho thấy, lãi suất trong nước đang ở mức thấp, vì vậy không còn nhiều không gian để tiếp tục hạ thêm lãi suất nữa.

Dù vậy, cần phải lưu ý rằng, mới đây, Bộ Tài chính đã lên tiếng về việc triển khai các chính sách tài khóa là phải cân đối lợi ích giữa kích thích tiêu dùng nội địa với cân đối tài chính công. Bởi, nếu có thêm các chính sách tài khóa, đồng nghĩa với việc Chính phủ sẽ phải cắt giảm chi tiêu ngân sách, nếu không sẽ dẫn đến thâm hụt ngân sách.

Với ý kiến của Bộ Tài chính, tôi cho rằng, đầu tư công nên là trọng điểm và quan trọng hơn, bởi nó có tính lan tỏa. Đầu tư công không chỉ tăng cầu nội địa để thực hiện các dự án đầu tư công mà còn giúp nền kinh tế - xã hội ở khu vực phát triển đầu tư công hoạt động sôi động và hiệu quả hơn. Hiện tôi thấy Chính phủ cũng đang có nhiều giải pháp mang tính dài hơn, ví dụ như chương trình phát triển 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội. Chương trình này cũng được kỳ vọng sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.

Một số ý kiến đề xuất tiếp tục gia hạn việc giảm 2% thuế VAT đến hết năm 2024. Quan điểm của ông như thế nào?

Chính phủ là cơ quan có nhiệm vụ đề xuất việc giảm 2% thuế VAT. Tuy nhiên, nên hay không nên tiếp tục gia hạn còn phụ thuộc vào thẩm quyền của Quốc hội. Trên thực tế, Chính phủ vẫn đang xem xét cân nhắc các chính sách tài khóa có còn cần thiết trong giai đoạn nửa cuối năm 2024 hay không để đưa ra các đề xuất mới, trình Quốc hội trong kỳ họp tới đây.

Trong bối cảnh tiêu dùng trong nước đang yếu, đầu tư đang yếu, có thể Chính phủ sẽ tiếp tục gia hạn chính sách này cho tới hết năm 2024. Bởi, trong các chính sách tài khóa đã và đang được triển khai, việc giảm 2% thuế VAT có tác động trực tiếp tới tiêu dùng nội địa, kích cầu tiêu dùng trong nước. Ngược lại, nếu Chính phủ đánh giá diễn biến trong nước ổn định, không cần kích thích tiêu dùng nội địa nữa, có thể sẽ không gia hạn việc giảm thuế. Nói tóm lại, việc giảm hay không giảm phụ thuộc vào đánh giá của Chính phủ và cả Quốc hội.

Ảnh minh họa

Kỳ Thư