Sát hạch lái xe: Tâm thế của người quản lý là quan trọng

Về lý thuyết, khi cả một chính phủ có thể chuyển đổi số và kết nối 63 tỉnh thành, khi họp quốc hội với những trọng trách của cả một đất nước vẫn có thể trực tuyến, họp quốc tế cũng đã online, thì chẳng có lý do gì, những lĩnh vực khác không thể nào kết nối từ xa.

Nhưng thực tiễn luôn có những lý do riêng của nó để bảo vệ cho sự dịch chuyển chậm hơn so với thay đổi ở tầng trên.

Ảnh minh họa. Nguồn: PLO

COVID-19, với sự trở đi trở lại của 4 làn sóng điêu đứng, tưởng đã xô đổ những quan niệm cũ, những e dè cũ về việc ứng dụng công nghệ nhằm thay đổi căn bản cách học hành, cách làm việc của số đông. Nhưng khi COVID tạm lắng, những kỳ vọng trước đó về việc duy trì một phần hình thức online song song với trực tiếp, cũng nhanh chóng rơi vào quên lãng.

Những mong chờ về hoàn thiện hạ tầng để khắc phục sự tắc bụp, chập chờn trong kết nối, rườm rà trong cách thức tổ chức của những cuộc làm việc online, cũng ít được đoái hoài. Người ta phấn khởi nghĩ rằng, cứ trực tiếp đi đã, khi nào Covid trở lại… hẵng hay.

Mọi sự cứ thế trôi tuột đi kể từ khi cuộc sống được cho là “bình thường trở lại”. Ngoại trừ một số cơ quan đơn vị đặt hiệu quả lên hàng đầu và thực sự muốn tìm mọi cách để tối ưu hóa, còn lại, số đông vẫn coi online là cái gì đó tạm bợ, bất quá mới phải dùng, và không định cải thiện để nó phục vụ đắc lực hơn, như nó hoàn toàn có thể.

Nếu như khối cơ quan công sở và các trường phổ thông mà còn quan niệm và ứng xử về làm việc từ xa theo cách đó, thì chuyện online với dạy lái xe, chắc chắn xa vời.

Sự ràng buộc của quy định là một phần. Thông tư 38/2019 vẫn đang quy định cụ thể số giờ học lý thuyết cố định trong chương trình đào tạo, và yêu cầu học viên phải xác nhận trực tiếp bằng chấm vân tay.

Sự cần thiết của việc tương tác khi học lý thuyết lái xe, cũng là một lý do. Bởi lý thuyết lái xe không phải là thứ học thuộc lòng, mà học viên chỉ có thể nhớ được, nắm vững được và áp dụng tự giác, trên cơ sở hiểu lý do của các quy định.

Nhưng cái khó hơn nữa là điều kiện, khả năng của các trung tâm, cũng như của người dạy và người học.

Chưa bàn đến chuyện đầu tư trang thiết bị, phần mềm để phục vụ dạy và học online, trong điều kiện các trung tâm vốn đang khó khăn đủ đường vì phải trang bị cabin học lái, hoặc hớt hải lo làm thủ tục đổi tên.

Vấn đề nằm ở sự sẵn sàng của con người. Việc sử dụng các công cụ online để giảng dạy còn khó với các giáo viên ở các trường phổ thông, thì với giáo viên trường nghề, nhất là nghề đặc thù gắn chặt với thực tế như lái xe, lại càng khó. Chưa có các bài giảng trực tuyến được thiết kế với sự hỗ trợ của công nghệ mô phỏng trực quan, việc bê nguyên giáo án truyền thống lên mạng chỉ là một cách lãng phí thời gian.

Đặc thù của người học lái xe cũng khác. Vừa học vừa làm, khả năng dành sự tập trung hoặc tiếp thu kiến thức qua phương thức trực tuyến với học viên rất khó. Nhìn vào cách mà rất nhiều cán bộ nhân viên văn phòng tham gia cuộc họp hay tiết học trực tuyến, sẽ thấy điều này.

Vì thế dù triển vọng là hoàn toàn có thể, nhưng đề cập chuyện tổ chức dạy học online lý thuyết lái xe vào thời điểm này, trong điều kiện này, e rằng còn quá xa xôi, và hơi ngược logic.

Covid đã tạo ra các tình huống bắt buộc để chúng ta phải thay đổi mau hơn và mạnh hơn so với tốc độ tiến hóa tự nhiên trong cách làm việc, học hành. Nhưng tiếc rằng những cơ hội đó chưa được tận dụng triệt để. Mải phục hồi, mải bù đắp cho những mất mát do dịch, nhiều nơi lại quên việc chuẩn bị cho những tình huống và thử thách có thể còn khắc nghiệt hơn.

Đương nhiên, muốn tạo nên một cuộc cách mạng trong phương thức làm việc theo hướng ứng dụng công nghệ kết nối từ xa, bao giờ cũng phải bắt đầu từ những “đầu tàu” năng động. Khi “đầu tàu” còn ì ạch hoặc đủng đỉnh, thì “các toa” hối để làm gì!./.

Kiều Tuyết/VOV Giao thông