Sau 15 năm mở rộng, du lịch Hà Nội không chỉ có Hồ Gươm, phố cổ

Theo bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, năm 2019, Thủ đô Hà Nội đón 21,92 triệu lượt khách nội địa (gấp 1,9 lần năm 2011), 7,02 triệu lượt khách quốc tế (gấp 3,7 lần năm 2011), chiếm trên 37% lượng khách quốc tế của cả nước, xứng đáng vai trò trung tâm điều phối du lịch lớn nhất khu vực phía Bắc.

Sau đó, Hà Nội đã được xếp hạng trong nhóm 10 thành phố có tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới, đứng thứ 15 trong danh sách 25 điểm đến du lịch phổ biến nhất trên thế giới.

Đến năm 2020 và 2021, ngành du lịch Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid - 19, do đó khách du lịch suy giảm mạnh.

Tuy nhiên, ngay khi đại dịch dần được kiểm soát, Thành phố đã chỉ đạo thực hiện kích cầu và cơ cấu lại các sản phẩm du lịch, trong đó tập trung phục vụ khách nội địa.

Theo đó, Thành phố đã công nhận thêm 10 điểm du lịch, xây dựng thêm nhiều sản phẩm mang đến "làn sóng mới" cho du lịch; ký kết hợp tác, kết nối với các tỉnh, thành phố thiết lập "hành lang xanh" du lịch; tổ chức nhiều chương trình kích cầu, tuyên truyền, quảng bá "Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn"…

Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn nhằm tăng cường, nâng cao năng lực quản lý du lịch, chuyển đổi số trong hoạt động du lịch; các lớp văn hóa du lịch cộng đồng tại các trọng điểm du lịch.

Dự kiến hết năm 2023, Hà Nội sẽ thu hút trên 22 triệu lượt khách du lịch cả trong nước và quốc tế.

So với 15 năm trước, Hà Nội hiện đã mở rộng thêm 5 tuyến phố đi bộ và đang xem xét chấp thuận thêm 2 phố đi bộ (Phố đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; phố đi bộ khu vực phố Trịnh Công Sơn, quận Tây Hồ; Phố đi bộ khu vực Hồ Thuyền Quang, Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng; Phố đi bộ quanh hào Thành cổ, Thị xã Sơn Tây; Phố đi bộ Đảo Ngọc, Ngũ Xã, quận Ba Đình. Đang làm thủ tục chấp thuận chủ trương phố đi bộ, phố đêm Ocean Park, Huyện Gia Lâm; khu phố kinh doanh dịch vụ, đi bộ khu vực hồ Ngọc Khánh, quận Ba Đình).

Đến năm 2022, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 18,7 triệu lượt khách, đạt tương đương năm 2015, bằng 62,3% mục tiêu năm 2025 (30 triệu lượt khách), trong đó khách quốc tế 1,5 triệu lượt, bằng 21,4% mục tiêu năm 2025.

Theo thống kê, sau 6 tháng đầu năm 2023, tổng số lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 12,33 triệu lượt, so với cùng kỳ năm 2022 tăng 42%. Trong đó, khách quốc tế 2,03 triệu lượt, tăng 7 lần; khách nội địa 10,3 triệu lượt, tăng 22,6%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 44,88 nghìn tỷ đồng, tăng 74,3%; công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn đạt 61,1%, tăng 31,1 điểm %.

Trải qua 15 năm, bên cạnh việc phát triển các sản phẩm du lịch, sự phát triển của ngành du lịch đã đóng góp đẩy mạnh tái cơ cấu nội ngành kinh tế. Cùng với các ngành dịch vụ dịch vụ được chú trọng phát triển, tập trung mạnh vào số hóa, đẩy mạnh thương mại điện tử và phục hồi phát triển ngành du lịch sau đại dịch Covid - 19.

Ở giai đoạn 2011 - 2022, dịch vụ tăng bình quân 6,77%/năm - cao hơn bình quân chung là 6,67%. Năm 2022, dịch vụ phục hồi tăng mạnh (đạt 10,06%); 6 tháng đầu năm 2023 tiếp tục khẳng định đà phục hồi, mức tăng đạt 7,54% - gấp 1,26 lần mức tăng chung của GRDP (5,97%). Dự kiến năm 2023, Hà Nội thu hút trên 22 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế trên 3 triệu lượt.

Theo bà Đặng Hương Giang, để thực hiện mục tiêu này, ngành du lịch đang tập trung quảng bá hình ảnh thương hiệu điểm đến, xây dựng sản phẩm du lịch mới độc đáo, hấp dẫn, triển khai chương trình chuyển đổi số hiệu quả trong lĩnh vực du lịch, quản lý du lịch, khai thác giá trị văn hóa lịch sử cả ở trung tâm và các huyện, thị xã ngoại thành Hà Nội.

Nguyễn Linh