Số ca mắc COVID cao, bệnh nhân chuyển nặng có tăng không?

Thanh Hóa: Bệnh nhân COVID nặng gia tăng

Những ngày gần đây, số ca mắc COVID-19 của tỉnh Thanh Hóa tăng cao, trung bình 700-800 ca mắc mỗi ngày.

ThS. BS Nguyễn Văn Dũng – Phó Giám đốc Bệnh viện Điều trị COVID-19 số 1 tỉnh Thanh Hóa cho biết: Sau Tết, bên cạnh sự gia tăng số lượng ca mắc COVID-19 nhẹ không triệu chứng, các ca COVID-19 nặng phải nhập viện cũng tăng cao.

Thầy thuốc BV Điều trị COVID-19 số 1 tỉnh Thanh Hóa đang phẫu thuật cho một bệnh nhân COVID-19 mắc bệnh lý nền nguy hiểm sáng ngày 15/2. Ảnh: BVCC

Hôm qua, 14/2, Bệnh viện có 254 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị trong đó có 34 bệnh nhân nặng và nguy kịch (gồm 30 bệnh nhân thở oxy mask, gọng kính; 03 bệnh nhân thở ô xy nồng độ cao HFNC và thở máy xâm lấn); có 77 bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng nhẹ.

Tuy nhiên, đến ngày hôm nay, 15/2, số bệnh nhân nhập viện điều trị tăng lên 300 ca, trong đó bệnh nhân nặng và nguy kịch là 49 trường hợp (gồm 45 trường hợp thở oxy mask, gọng kính; 01 trường hợp thở HFNC; 03 trường hợp thở máy xâm lấn), bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng mức độ trung bình tăng từ 77 ca lên 103 ca bệnh.

Hiện, Bệnh viện Điều trị COVID-19 số 1 Thanh Hóa đang điều trị cho 16 bệnh nhân COVID-19 là phụ nữ mang thai, 67 trường hợp người cao tuổi trên 65 tuổi và 120 bệnh nhân có bệnh nền hoặc nguy cơ khác.

Phần lớn các ca bệnh nặng là những trường hợp mang thai, người cao tuổi có bệnh nền. Do vậy, bác sĩ Dũng khuyến cáo người dân không nên chần chừ việc tiêm vaccine COVID-19.

Các bác sĩ đang tất bật với một ca lọc thận tại BV Điều trị COVID-19 số 1 tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: BVCC

Tính từ đầu đợt dịch lần 4 đến nay, Thanh Hóa ghi nhận 30.783 bệnh nhân COVID-19; trong đó có 26.579 người điều trị khỏi được ra viện; 39 bệnh nhân tử vong.

Về công tác tiêm phòng vaccine COVID-19 địa phương này đã tiếp nhận 5.589.148 liều vaccine phòng COVID-19, đã và đang triển khai 22 đợt tiêm chủng với 2.384.531 người từ 18 tuổi trở lên tiêm mũi 1, đạt tỷ lệ 99,6%, tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19 đạt tỷ lệ 98,2%; tỷ lệ trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi tiêm mũi 1 đạt 99,3%; tiêm đủ mũi đạt 98,2%; đã có 330.284 người tiêm mũi bổ sung và 123.757 người tiêm mũi nhắc lại.

Để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, bên cạnh việc khuyến cáo người dân thực hiện tốt 5k, không tập trung đông người, tỉnh Thanh Hóa đang đẩy nhanh tiêm mũi 3 vaccine COVID-19, đồng thờitổ chức các tổ tiêm lưu động khẩn trương tiêm vét vaccine tại nhà cho những người chưa được tiêm đủ vaccine vì lý do sức khỏe không thể đến nơi tiêm tập trung; đảm bảo không bỏ sót người đủ điều kiện mà không được tiêm vaccine.

Bên cạnh đó triển khai và mở rộng việc điều trị COVID-19 tại nhà cho những bệnh nhân không triệu chứng tại tất cả các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh.

Nghệ An: Quá tải bệnh nhân COVID-19 nặng

Hiện nay, tình hình dịch bệnh tại Nghệ An đang diễn biến hết sức phức tạp, số lượng bệnh nhân không ngừng tăng, đặc biệt là bệnh nhân nặng đã gây nên tình trạng quá tải cho các cơ sở điều trị. Ngành y tế Nghệ An đã tăng cường các giải pháp để khắc phục tình trạng này.

Cách đây hơn 10 ngày, Trung tâm bệnh nhiệt đới, thuộc Bệnh viện HNĐK Nghệ An - Đơn vị tuyến cuối tiếp nhận, thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch của tỉnh Nghệ An còn nhiều giường trống.

Tuy nhiên, sau Tết nguyên đán, số lượng bệnh nhân nặng tăng đột biến. Một tuần trở lại đây, mỗi ngày trung tâm tiếp nhận 30 đến 40 bệnh nhân nặng từ tuyến huyện và 2 bệnh viện dã chiến chuyển đến điều trị, từ đó đã dẫn đến tình trạng quá tải.

Mặc dù, trung tâm đã bố trí cả phòng nghỉ tạm, phòng làm việc của nhân viên y tế để làm phòng điều trị cho bệnh nhân nhưng cũng không đáp ứng đủ giường bệnh cho bệnh nhân.

Thầy thuốcTrung tâm bệnh nhiệt đới, thuộc Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An đang thăm khám cho bệnh nhân COVID-19.

BS Bùi Tiến Hoàn - Phó khoa Virus Ký sinh trùng, Bệnh viện HNĐK Nghệ An cho biết: Trung tâm được giao chỉ tiêu 100 giường bệnh, tuy nhiên đến thời điểm này, số giường bệnh thực kê là 150 giường, nhưng do bệnh nhân nặng sau Tết tăng cao nên hiện nay không còn giường trống".

Theo báo cáo của Trung tâm bệnh nhiệt đới Nghệ An đến 8h sáng 15/2, trung tâm đang điều cho 198 bệnh nhân COVID-19 (02 F1), trong đó có 18 bệnh nhân nguy kịch (Thở máy xâm nhập: 02; Thở máy không xâm nhập: 02; Thở oxy dòng cao HFNC: 02). Ngoài ra, còn có 95 bệnh nhân nặng theo dõi; 85 bệnh nhân trung bình; 34 bệnh nhân có thai và hậu sản, 21 trẻ em; Ung thư: 05; Chạy thận chu kỳ: 10.

Trong số bệnh nhân điều trị ở đây có 12 bệnh nhân trên 90 tuổi; 15 bệnh nhân 80 - 89 tuổi; 15 bệnh nhân 70 - 79 tuổi; 14 bệnh nhâ 60 - 69 tuổi. Nhiều bệnh nhân già yếu và không có khả năng tự sinh hoạt.

Số lượng bệnh nhân nặng tăng lên đồng nghĩa với áp lực công việc của nhân viên y tế cũng tăng theo, mỗi nhân viên y tế phải làm bằng 3 bằng 4 lẫn bình thường.

Bệnh nhân COVID-19 nặng đang được điều trị tại Trung tâm bệnh nhiệt đới, thuộc Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An. Ảnh: BVCC

"Vì lượng bệnh nhân trong toàn tỉnh tăng cao, theo đó số bệnh nhân nặng cũng tăng nên dẫn đến tình trạng quá tải. Trong khu vực điều trị bệnh nhân nặng nhân viên y tế phải chăm sóc toàn diện cho người bệnh từ thay quần áo, ăn uống, đi vệ sinh… bình thường 1 nhân viên y tế chỉ chăm 1 người bệnh, nhưng hiện nay 1 nhân viên y tế phải chăm 4-5 bệnh nhân, làm việc luôn tay, luôn chân không có thời gian nghỉ, áp lực là rất lớn". TS Quế Anh Trâm, Giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới (BV HNĐK Nghệ An) chia sẻ.

Theo báo cáo của ngành y tế Nghệ An tính từ đầu mùa dịch đến nay, trên địa bàn tỉnh này đã ghi nhận 35.566 ca mắc COVID-19, phần lớn trong số này được phát hiện trong vòng 1 tháng qua; Lũy kế số bệnh nhân (BN) điều trị đã khỏi bệnh, ra viện là 16.699 BN. Lũy kế số BN tử vong là 62 BN. Số BN hiện đang điều trị là 18.805 BN.

Hiện nay, mỗi ngày trung bình Nghệ An ghi nhận số F0 đã vượt 2.000 ca. Đơn cử trong 24h qua (từ 06 h ngày 14/2 đến 06h ngày 15/2), Nghệ An ghi nhận 2.287 ca dương tính với COVID-19, trong đó có 581 ca cộng đồng…các chuyên gia nhận định, số người nhiễm COVID-19 trong cộng đồng vẫn còn rất lớn. Do không làm xét nghiệm diện rộng và phần lớn ca bệnh lại không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ nên không phát hiện ra.

Bệnh nhân nhập viện tăng cao gây quá tải cho các cơ sở điều trị COVID-19 tại Nghệ An. Ảnh: BVCC

Trước bối cảnh dịch bệnh phức tạp, ngành y tế Nghệ An đã đề nghị các địa phương tăng cường rà soát, phát hiện các đối tượng nguy cơ cao trong cộng đồng, đặc biệt là các trường hợp có triệu chứng để phân loại người mắc. Vận động người trở về từ các địa phương có dịch trên cả nước khai báo y tế.

Khánh Hòa: Người mắc COVID-19 chuyển nặng... thấp!

Tỉnh Khánh Hòa, trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 đến nay số ca mắc COVID-19 rất cao. Tuy nhiên số bệnh nhân chuyển biến nặng lại ít, chủ yếu triệu chứng nhẹ, không triệu chứng. Địa phương này cũng triển khai điều trị F0 tại nhà từ rất sớm, các túi thuốc được cấp phát kịp thời nên bệnh nhân nhanh chóng trở về âm tính.

Theo lãnh đạo Sở Y tế Khánh Hòa, các phác đồ điều trị bệnh nhân COVID-19 theo đúng quy định của Bộ Y tế. Bên cạnh đó kết hợp động viên tâm lý, trang bị các kiến thức về dịch bệnh cho bệnh nhân.

Song song với đó, mức độ bao phủ vaccine COVID-19 ở địa phương diễn ra nhanh chóng. Tiêm chủng an toàn cho mọi đối tượng nên người dân cũng tự tin, thích ứng an toàn với COVID-19.

Số ca bệnh chuyển nặng ở Khánh Hòa không tăng

Thống kê đến hết ngày 13/2, tổng số liều vaccine COVID-19 đã được tiêm ở Khánh Hòa là 2.671.274 liều. Trong đó mũi 1 là 1.089.386 người, mũi 2 là 1.078.306 người, mũi 3 là 700.903 người.

Tính theo độ tuổi thì tỷ lệ tiêm chủng ở độ tuổi từ 18 tuổi trở lên mũi 1 đạt tỷ lệ 102,29%; mũi 2 đạt tỷ lệ 101,69%; mũi đạt tỷ lệ 73,55%. Trẻ em độ tuổi từ 12 đến 17 tuổi đã tiêm mũi 1 là 114.641 em, đạt tỷ lệ 100,32%; mũi 2 là 109.220 người đạt tỷ lệ 95,58%.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Khánh Hòa cũng thông tin, trong đợt dịch từ ngày 23/6/2021 đến hết ngày 14/2, số ca mắc COVID-19 mới ghi nhận trên địa bàn tỉnh là 64.253 ca. Hiện chỉ có 01/09 huyện, thị xã, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới đó là Trường Sa.

Trong số các bệnh nhân mắc COVID-19 thì đã có 62.870 ca được điều trị khỏi, ra viện. Đến hết ngày 14/2, chỉ còn 1.420 đang điều trị trong các cơ sở y tế. Trong đó chủ yếu là nhẹ và không có triệu chứng. Ngoài bệnh nhân ở cơ sở y tế, số bệnh nhân đang điều trị tại nhà ở Khánh Hòa là 1.229.

Nhân viên y tế Khánh Hòa tập huấn công tác điều trị bệnh nhân nặng, sẵn sàng cho các tình huống.

Dù bệnh nhân mắc COVID-19 hiện nay ở Khánh Hòa đều nhẹ, không có triệu chứng nhưng ngành y tế địa phương vẫn luôn chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật lực để điều trị, cấp cứu khi có bệnh nhân chuyển nặng hoặc tình huống bất thường xảy ra.

Ngọc Anh - Từ Thành - Hà Đạo