So găng vào chuỗi của 'đại bàng', vì sao Việt Nam vẫn xếp sau nhiều quốc gia ASEAN?

Thời gian vừa qua, nhiều hãng điện tử lớn trên thế giới đã đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất sản phẩm điện tử công nghệ cao ở Việt Nam như Samsung, LG, Foxconn, Fukang Technology. Cùng với đó, các ông lớn trong ngành bán dẫn, hàng không vũ trụ như Intel, Amkor, Airbus, Boeing… cho biết đã và đang tính tới mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

Những con số biết nói về nội địa hóa

Tuy vậy, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI) nêu thực tế, doanh nghiệp (DN) công nghiệp trong nước và ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) trong nước chưa đáp ứng yêu cầu để thu hút các ngành công nghệ tiên tiến và thúc đẩy liên kết có hiệu quả.

Phát triển tốt công nghiệp hỗ trợ sẽ giúp Việt Nam tận dụng được lợi thế từ dòng vốn FDI.

Việt Nam hiện xếp hạng 105/137 về số lượng nhà cung ứng nội địa và 116/137 về chất lượng nhà cung ứng nội địa, kém hơn so với các nước trong khu vực như: Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Philippines. Theo Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), chỉ số về số lượng và chất lượng nhà cung cấp nội địa của các nước trong khu vực năm 2017 - 2018: Malaysia (15/137, 23/137), Indonesia (42/137, 54/137), Thái Lan (59/137, 74/137), Philippines (49/137, 73/137).

Ông Tuấn cũng dẫn số liệu cho thấy, quy mô và năng lực của các DN công nghiệp trong nước còn nhiều hạn chế, theo số liệu của Bộ Công Thương, trên toàn quốc trong số khoảng 5.000 DN nội địa sản xuất phụ tùng, linh kiện, trong đó chỉ có khoảng hơn 1.000 DN trong nước tham gia vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia. Số lượng các DN thành lập mới trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa nhiều.

Bên cạnh đó, công nghiệp hỗ trợ mới đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu trong nước về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ với các sản phẩm chủ yếu là linh kiện và chi tiết đơn giản, có giá trị thấp trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Theo khảo sát của JETRO, tỷ lệ nội địa hóa của các DN Nhật Bản tại Việt Nam năm 2017 là 33,2%, năm 2018 là 36,3% (tại Trung Quốc là 68%, Thái Lan là 57%). Ngoại trừ ngành sản xuất xe máy, tỷ lệ cung ứng cho các ngành công nghiệp quan trọng khác như ô tô; điện tử; công nghiệp công nghệ cao còn khá hạn chế.

Về phía các tập đoàn đa quốc gia, bà Hoàng Tri Mai, Tổng giám đốc Tập đoàn Airbus tại Việt Nam, cho biết: “Sự phát triển đáng chú ý của Việt Nam là tín hiệu đầy hứa hẹn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Airbus đang làm việc chặt chẽ với các công ty trong nước cho các đơn hàng mới liên quan đến sản xuất linh kiện phụ tùng máy bay, mở rộng hơn nữa chuỗi cung ứng đáp ứng các tiêu chuẩn cao nhất về chất lượng, an toàn và phát triển bền vững”.

Tổng Giám đốc Airbus tại Việt Nam nhấn mạnh kỳ vọng của Airbus đối với các DN cung ứng, nhằm đảm bảo tốc độ gia tăng sản lượng máy bay cũng như các yêu cầu hậu mãi. Tuy nhiên, bà Mai lưu ý, các nhà cung ứng cần phải đáp ứng được yêu cầu cam kết về bền vững trong các hoạt động sản xuất, tương thích với các giá trị của Airbus, trong đó có các biện pháp cụ thể để giảm thiểu tác động của hoạt động sản xuất đến môi trường.

Được biết, tập đoàn Airbus đang có nhiều sự hợp tác với các DN tại Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất linh kiện máy bay, như Artus (Meggitt) Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh cung cấp thiết bị cơ điện cho dòng máy bay A320, A330 và A350, Nikkiso Việt Nam tại Hà Nội - một doanh nghiệp đóng góp quan trọng trong sản xuất cấu trúc composite cho máy bay A320 Sharklet và các linh kiện cho máy bay A330neo và A350. Đây đều là DN FDI.

Cần có chính sách đặc biệt

Nhìn thẳng vào điểm yếu của ngành cơ khí hiện nay, ông Nguyễn Chỉ Sáng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Cơ khí Việt Nam, cho biết so với hàng Trung Quốc, Ấn Độ, giá sản phẩm cơ khí của Việt Nam kém cạnh tranh hơn.

Ông Sáng kể, vừa qua có dẫn một khách hàng Mỹ có nhu cầu muốn mua thiết bị để lắp ráp ô tô: “Tôi đã bảo mấy DN lớn của Việt Nam chào giá nhưng sau khi nhận được báo giá, họ chê quá cao. Họ nói giá của Ấn Độ rẻ hơn gần một nửa so với Việt Nam. Nếu chúng ta chấp nhận mức giá đó thì mới tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu”.

Theo Tổng thư ký Hiệp hội Cơ khí Việt Nam, lý do khiến sản phẩm của Việt Nam kém cạnh tranh về giá là phụ thuộc nguyên phụ liệu nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc. Do vậy, muốn giá cạnh tranh so với đối thủ chỉ có cách cắt giảm chi phí nhân công.

Trong khi đó, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) nhận định, hiện có nhiều hãng điện tử lớn đang chuyển dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam tìm kiếm nhà cung cấp. Đây là cơ hội của DN Việt Nam, nhưng chắc chắn con đường còn dài để DN Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của Apple - vốn được đánh giá là tân tiến, hiện đại trên thế giới.

Nguyên nhân được bà Hương chỉ ra là do các tập đoàn đó đã kéo theo một loạt chuỗi cung ứng đi theo, cũng như để trở thành mắt xích trong chuỗi thì DN Việt Nam phải vượt qua các quy trình đánh giá năng lực khắt khe về chất lượng sản phẩm và hoạt động nhà máy.

Theo nhiều chuyên gia, Việt Nam có thể học từ kinh nghiệm phát triển công nghiệp của Nhật Bản, Hàn Quốc. Cụ thể, với Nhật Bản, cuối thập niên 1950, sản lượng ô tô của Nhật chỉ bằng 1/20 Mỹ và 1/7 Tây Đức, và Pháp, Anh, Ý cũng bỏ xa Nhật nhưng đến năm 1979, Nhật đã trở thành nước sản xuất ô tô nhiều nhất thế giới. Chỉ trong vòng 7 năm, từ 1956 – 1963, sản lượng ô tô đã tăng 10 lần (từ 100.000 tăng lên 1 triệu chiếc). Thành công này có được là nhờ Nhật Bản đã thực hiện hiệu quả chính sách công nghiệp hóa.

Được biết, trong 10 năm kể từ thập niên 1950, Nhật đã khẩn trương lập chính sách nuôi dưỡng, củng cố sức cạnh tranh bằng Luật lâm thời chấn hưng ngành cơ khí để đẩy mạnh sản xuất công nghiệp hỗ trợ cho ngành ô tô, trong đó chỉ định 17 ngành linh kiện ô tô cấp I được ưu tiên nuôi dưỡng bằng vốn ưu đãi đặc biệt từ ngân hàng phát triển của Nhà nước…

Nhìn nhận ngành sản xuất công nghiệp yêu cầu vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi dài nên DN Việt Nam đã thua ngay từ xuất phát điểm, chưa nói đến việc các DN FDI sang Việt Nam đều đưa theo các công ty vệ tinh và những DN đã từng làm trước đây để cùng xây dựng hệ thống của họ, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, để tham gia vào chuỗi cung ứng của các các tập đoàn lớn, chính sách về phát triển công nghiệp trong nước cần phải hỗ trợ nhiều hơn cho DN nội.

Bà Trương Chí Bình

Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ

Sản xuất theo hình thức OEM, những công ty chuyên sản xuất ra các sản phẩm theo thiết kế và các thông số kỹ thuật từ đơn đặt hàng của đối tác đang có xu hướng phát triển mạnh ở các thị trường, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử. Mỗi nhãn hàng toàn cầu có thể có tới vài chục nhà máy OEM. Tại Việt Nam gần đây cũng xuất hiện luồng đầu tư vào các DN OEM. Tuy nhiên, DN Việt Nam vào được lĩnh vực này cũng rất ít, số lượng DN Việt trong ngành chế tạo còn quá ít và năng lực của DN Việt sẽ là yếu tố quyết định liên kết thành công.

Ông Darren Seah

Giám đốc khối đầu tư và chuyển đổi công nghiệp của Công ty Constellar

Việt Nam đang hội tụ nhiều yếu tố, khi có nhiều tập đoàn công nghệ lớn đầu tư và hình thành được mạng lưới DN CNHT ngành điện tử tham gia ngày càng sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, để trở thành trung tâm sản xuất điện tử của châu Á, điều quan trọng nhất với DN Việt Nam là cần kiểm soát về chất lượng sản phẩm, tăng cường kết nối và hỗ trợ từ các đối tác khác như Malaysia, hay Thái Lan nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Ông Nguyễn Quốc Cường

Giám đốc Công ty CP Hanel xốp nhựa (Hanel Plastics)

Trong thời gian tới sẽ có dòng vốn đầu tư nước ngoài lớn dịch chuyển vào Việt Nam. Điều này sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các DN nội địa, kết nối vào chuỗi của các tập đoàn lớn như Boeing, Airbus... Tuy nhiên, DN phải nâng cao trình độ công nghệ để có thể sản xuất những sản phẩm có giá trị gia tăng cao và giữ vị trí ổn định trong chuỗi cung ứng.

Nhật Linh