Sớm giải tỏa hàng hóa tại cảng Cát Lái

Khu vực bốc dỡ công-ten-nơ hàng hóa tại cảng Cát Lái.

Theo báo cáo của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, sau ba tuần thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg lượng công-ten-nơ xuất, nhập tàu, giao nhận bãi; số lượt xe ra, vào cảng giao nhận liên tục giảm… kéo theo dung lượng tồn bãi cảng Cát Lái tăng cao. Tổng hàng tồn ở cảng Cát Lái đến thời điểm đầu tháng 8 là hơn 100 nghìn công-ten-nơ, chiếm 86% dung lượng bãi, chủ yếu là hàng nhập khẩu. Dự báo hai tuần tới, tổng hàng tồn tại bãi sẽ tăng khoảng 5%, lên mức 115 nghìn công-ten-nơ, chiếm khoảng 91% dung lượng thiết kế. Sản lượng nhập tồn bãi sẽ tăng khoảng 5% lên mức gần 54 nghìn công-ten-nơ (chiếm 100% dung lượng thiết kế hàng nhập). Nguyên nhân tồn hàng nhập là do nhiều DN không sản xuất được và đã tạm dừng hoạt động do không thể thực hiện được phương án "ba tại chỗ".

Sau khi nhận được báo cáo của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (đơn vị khai thác cảng Cát Lái ) và Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh, Tổng cục Hải quan có công văn hỏa tốc hướng dẫn thủ tục hải quan tạm thời cho các đơn vị liên quan trong giai đoạn dịch Covid-19. Theo đó, Tổng cục Hải quan thống nhất phương án đưa hàng hóa nhập khẩu đang lưu giữ tại cảng Cát Lái đến cảng biển khác trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và các cảng cạn (ICD) để giảm áp lực dồn hàng hóa tại cảng Cát Lái. Cụ thể, hàng hóa nhập khẩu của các DN tại tỉnh Đồng Nai được vận chuyển về ICD Tân Cảng Long Bình, hoặc ICD Tân Cảng Nhơn Trạch; hàng hóa của tỉnh Bình Dương được đưa về ICD Tân Cảng Sóng Thần; hàng hóa các tỉnh miền Tây Nam Bộ được vận chuyển về cảng Tân Cảng Hiệp Phước. Việc thực hiện trên áp dụng từ ngày 2/8…

Để giải phóng bớt hàng hóa tại cảng Cát Lái, Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan thành phố cho phép Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn vận chuyển hàng hóa tồn đọng đã hoàn thành việc kiểm kê, phân loại, định giá hàng hóa tồn đọng từ cảng Cát Lái về lưu giữ tại cảng Tân Cảng Hiệp Phước. Thời gian áp dụng phương án giải quyết lưu giữ, giám sát hàng hóa tồn đọng thực hiện đến hết ngày 31/12. Cùng với đó, Hải quan TP Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai các giải pháp tạo điều kiện thông thoáng cho DN khi làm thủ tục trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Ông Lê Nguyên Linh, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, Hải quan tại cảng Cát Lái tổ chức hoạt động bảo đảm duy trì được công việc và có những phương án dự phòng khi có sự cố xảy ra. Tinh thần chung là hỗ trợ đến mức cao nhất cho DN khi giải quyết các thủ tục thông quan xuất, nhập khẩu hàng hóa…

Một số DN cung ứng dịch vụ logistics cho biết, vẫn duy trì hoạt động vận chuyển hàng hóa công-ten-nơ ra, vào cảng Cát Lái để giảm áp lực tồn hàng tại cảng. Theo ông Trần Vĩnh Hải, đại diện Công ty TNHH Vận tải - Thương mại - Dịch vụ MPC Logistics, hiện nay, việc vận chuyển ra, vào cảng Cát Lái vẫn được vận hành bình thường, thậm chí nhanh hơn nhờ các xe vận chuyển hàng hóa được cấp mã QR và giấy chứng nhận đi vào “luồng xanh”. Giao thông giờ thoáng hơn trước, không còn tình trạng ùn tắc khi di chuyển từ khu vực khu công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương) về cảng Cát Lái. Việc làm thủ tục hải quan cũng được giải quyết nhanh gọn, chủ yếu tiến hành qua mạng, cho nên giảm được nhiều thời gian của các DN. Trung bình mỗi tuần, công ty duy trì vận chuyển khoảng từ 50 đến 70 công-ten-nơ ra khỏi cảng Cát Lái.

Tương tự, ông Hoàng Cao Nam, Trưởng phòng dự án Công ty TNHH Yusen Logistics Việt Nam cho biết, việc vận chuyển hàng hóa vẫn được duy trì bình thường. Hàng hóa đã nhập khẩu được cấp phép vẫn được vận chuyển bình thường ra cảng Cát Lái.

Cùng với đó, một số DN vẫn nỗ lực duy trì sản xuất, kinh doanh, giúp hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa qua cảng Cát Lái vẫn duy trì. Ông Phạm Văn Xuân, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Thái Xuân Phát (phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức) cho biết: “Tuần vừa qua, công ty vẫn nhập khẩu năm công-ten-nơ hàng nguyên liệu là vỏ sò để làm nút áo mỹ nghệ cao cấp cho ngành thời trang. Nhờ các đơn hàng xuất khẩu đi châu Âu vẫn ổn định cho nên chúng tôi vẫn tiếp tục nhập thêm nguyên liệu để sản xuất…”.

Bài và ảnh: ANH TUẤN