Sự kiện nổi bật ngày 13.7

TRONG NƯỚC

Ngày 13.7, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm, kiểm tra công tác sẵn sàng chiến đấu tại Quân khu 2 và làm việc với Quân khu về kết quả thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Cùng đi có Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Quốc phòng; lãnh đạo Bộ Quốc phòng và một số bộ, ngành, địa phương. Trước buổi làm việc, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã kiểm tra công tác sẵn sàng chiến đấu tại một số lữ đoàn của Quân khu 2 và tặng quà các chiến sĩ; dâng hương tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; tham quan và nghe giới thiệu về truyền thống Quân khu tại Bảo tàng Quân khu 2. Trong ảnh: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng kiểm tra công tác sẵn sàng chiến đấu tại Lữ đoàn thông tin 604, Quân khu 2. Ảnh: Thống Nhất –TTXVN

Ngày 13.7, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải (Ban Chỉ đạo) chủ trì họp Phiên thứ 6 của Ban Chỉ đạo. Phiên họp được thực hiện theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa đầu cầu trụ sở Chính phủ với 33 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang có các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải (các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã họp ngày 8.7). Dự phiên họp có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Phó trưởng Ban Chỉ đạo; các thành viên Ban Chỉ đạo là bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố; đại diện các tập đoàn kinh tế nhà nước, nhà đầu tư, đơn vị tư vấn, nhà thầu... Trong ảnh: Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Tiếp tục chương trình thăm và làm việc tại Trung Quốc, Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, làm Trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ngày 13.7, tại thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng và đoàn đã hội kiến với đồng chí Hoàng Khôn Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông. Trước đó, đoàn thăm và làm việc tại thành phố Thâm Quyến, khảo sát khu mới Tiền Hải. Trong khuôn khổ chuyến thăm, đoàn cũng đã có cuộc làm việc với đồng chí Tạ Xuân Đào, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Hiệu trưởng Thường trực Trường Đảng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong ảnh: Ông Hoàng Khôn Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông đón đồng chí Nguyễn Xuân Thắng. Ảnh: Tiến Trung - TTXVN

Ngày 13.7, tại Nhà hát thành phố, UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức Lễ công bố và phát động cuộc vận động sáng tác và dàn dựng, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 – 30.4.2025) với chủ đề “TP Hồ Chí Minh - 50 năm tự hào bản anh hùng ca”. Cuộc vận động mở rộng lĩnh vực tham dự với đa dạng thể loại, hình thức. Trong đó, mảng âm nhạc gồm ca khúc, giao hưởng, nhạc kịch. Điện ảnh gồm: phim tài liệu, phim truyện điện ảnh, kịch bản phim điện ảnh. Đối tượng tham gia là cá nhân, tập thể; tác giả, nhóm tác giả, chủ sở hữu tác phẩm là công dân Việt Nam, người có quốc tịch nước ngoài đang sinh sống, học tập, làm việc tại Việt Nam. Mỗi tác giả có thể tham gia nhiều thể loại, lĩnh vực khác nhau. Trong ảnh: Các đại biểu thực hiện nghi thức phát động. Ảnh: Thu Hương – TTXVN

Tối 12.7, Đội Cảnh sát hình sự, Công an huyện Phú Riềng đã bắt giữ đối tượng Nguyễn Hữu Sơn (53 tuổi, ngụ thôn 1, xã Long Hà, huyện Phú Riềng). Bị can đang bị Công an thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang phát lệnh truy nã đặc biệt về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" và "Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức". Theo hồ sơ, năm 2020, Nguyễn Hữu Sơn đến thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang nhờ người thuê một chiếc xe ô tô hiệu Fortuner, làm giấy tờ giả rồi mang về Bình Phước nhờ người cầm cố với số tiền 400 triệu đồng, sau đó chia nhau tiêu xài hết. Công an thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang phát lệnh truy nã đặc biệt đối tượng Nguyễn Hữu Sơn từ tháng 8.2021 đến nay. Trong ảnh: Đối tượng Sơn tại cơ quan công an. Ảnh: TTXVN

QUỐC TẾ

Ngày 13.7, tại Jakarta (Indonesia), tiếp tục chương trình làm việc trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 56 (AMM-56), Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã dự các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+1 với các đối tác New Zealand, Ấn Độ, Nga, Australia và Trung Quốc. Phát biểu tại các hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá cao những tiến triển sâu rộng trong hợp tác giữa ASEAN với các đối tác, đề nghị các đối tác ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trên thực tế, tiếp tục hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng, cùng đóng góp xây dựng vào hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực. Bộ trưởng đã đề xuất các định hướng thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN với các đối tác, nhất là trong triển khai các hiệp định thương mại tự do, tăng cường đầu tư, du lịch, phát triển nguồn nhân lực, kết nối hạ tầng, hợp tác tiểu vùng, cũng như mở rộng ưu tiên hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, tăng trưởng xanh… Trong ảnh: Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Ảnh: TTXVN

Ngày 12.7, Liên hợp quốc công bố báo cáo “Tình trạng an ninh lương thực và dinh dưỡng”, cho biết số người đói ăn trên thế giới đã ngừng tăng lên trong năm 2022 sau khi liên tiếp tăng trong 7 năm trước đó. Tuy nhiên, con số hiện nay vẫn cao hơn so với mức trước khi bùng phát đại dịch COVID-19 và thế giới còn rất xa mục tiêu xóa đói vào năm 2030. Trong ảnh: Người dân xếp hàng chờ được phát thực phẩm cứu trợ tại thị trấn Rutshuru, Bắc Kivu, CHDC Congo. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 13.7, Quốc hội Thái Lan đã triệu tập phiên họp toàn thể để bầu thủ tướng mới lãnh đạo đất nước trong 4 năm tới. Chủ tịch Quốc hội Thái Lan Wan Muhamad Noor Matha cho biết 3 khối gồm Thượng viện, liên minh do đảng Tiến bước (MFP) dẫn đầu và các đảng nằm ngoài liên minh đã nhất trí dành 6 giờ cho các cuộc tranh luận, trước khi các nghị sĩ lưỡng viện Thái Lan tiến hành bỏ phiếu, dự kiến vào 17 giờ cùng ngày. Hiến pháp Thái Lan quy định để trở thành thủ tướng, ứng cử viên cần nhận được ít nhất 376 phiếu ủng hộ, trong tổng số 750 nghị sĩ lưỡng viện Quốc hội. Trong ảnh: Lãnh đạo đảng Tiến bước (MFP) đồng thời là ứng cử viên Thủ tướng Thái Lan Pita Limjaroenrat tại trụ sở Quốc hội ở Bangkok. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 12.7, Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) công bố cơ chế khung quốc tế, mở đường cho việc bảo đảm an ninh dài hạn để tăng cường năng lực quốc phòng cho Ukraine. Trong tuyên bố chung mới đưa ra, các nước gồm Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Canada, Italy và Anh cùng với Liên minh châu Âu (EU) cho biết cơ chế khung này sẽ hỗ trợ trên nhiều khía cạnh, trong đó có các thiết bị quân sự tiên tiến hiện đại, công tác huấn luyện, chia sẻ thông tin tình báo và phòng thủ trên không gian mạng. Trong ảnh: Lãnh đạo các nước thành viên Nhóm G7 cùng lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) tại cuộc họp công bố cơ chế đa phương hỗ trợ an ninh cho Ukraine. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 12.7, Cơ quan Hàng không dân dụng Nepal (CAAN) đã cấm các máy bay trực thăng thực hiện các chuyến bay "không cần thiết", bao gồm cả những chuyến bay ngắm cảnh trong 2 tháng, sau khi xảy ra vụ tai nạn ở khu vực núi Everest khiến 6 người thiệt mạng. Trong thông báo đăng trên trang Twitter, CAAN nêu rõ các chuyến bay không cần thiết như các chuyến bay qua núi, rải hoa bằng trực thăng sẽ bị hạn chế cho đến tháng 9. Trong ảnh: Trực thăng bay trên núi thuộc khu vực Everest, Nepal. Ảnh: AFP/TTXVN