Tài chính xanh kiến tạo không gian phát triển bền vững

Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Văn Chung

Kênh dẫn vốn quan trọng

Tài chính xanh là kênh dẫn vốn quan trọng giúp doanh nghiệp hướng tới phát triển bền vững. Trong các mục tiêu phát triển bền vững, nhiều quốc gia bắt đầu thực hiện các chiến lược phát triển mới tập trung vào tăng trưởng xanh. Một nghiên cứu chỉ ra rằng, tăng 1% tiêu thụ năng lượng xanh đóng góp vào tăng trưởng kinh tế gần 1,26%. Đây là một con số ấn tượng và đáng kể đối với các quốc gia đang chịu hậu quả kinh tế tiêu cực của đại dịch Covid-19.

Theo Chương trình môi trường Liên Hợp quốc (UNEP), nếu thế giới muốn đạt được các mục tiêu về biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học và thoái hóa đất, sẽ cần khoản tài chính 4,1 nghìn tỷ USD vào năm 2050.

Để thúc đẩy tài chính xanh phát triển, Việt Nam từng bước hoàn thiện khung pháp lý về tài chính xanh từ sớm, từ xa. Cách đây 10 năm (vào năm 2014), Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020. Đến năm 2021, Chính phủ ban hành phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, với mục tiêu tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Các văn bản quy phạm pháp luật của ngành về tài chính xanh từng bước được hoàn thiện, quy định về nhiều loại công cụ như trái phiếu xanh, cổ phiếu xanh, tín dụng xanh..., tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động nguồn vốn xanh trong nước và quốc tế.

Nhìn nhận về cơ hội của Việt Nam trong tiếp cận tài chính xanh, bà Đỗ Ngọc Diệp - Quản lý Dự án công trình xanh và biến đổi khí hậu của Tổ chức Tài chính quốc tế - IFC cho biết, các cơ hội tài chính xanh quốc tế đang tiếp cận với thị trường Việt Nam. Chương trình tăng cường thị trường xây dựng xanh do Chính phủ Anh hợp tác với IFC triển khai, sẽ cung cấp tài chính ưu đãi qua các ngân hàng trung gian để thúc đẩy hoạt động xây dựng xanh tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Tuy nhiên, ở góc nhìn chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược về tăng trưởng xanh. Nhưng đến nay, các ngân hàng cho vay trong lĩnh vực bảo vệ môi trường còn hạn chế, trái phiếu xanh tại Việt Nam chưa có nhiều. Thực trạng này cho thấy vấn đề tài chính xanh, trái phiếu xanh vẫn còn mới mẻ ở Việt Nam.

Nhà nước chia sẻ vì một mục tiêu xã hội tốt đẹp hơn

Về phía Nhà nước, trong điều kiện ngân sách nhà nước (NSNN) còn nhiều khó khăn, chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường hàng năm được bố trí đảm bảo năm sau cao hơn năm trước và đạt khoảng 1,2% tổng chi NSNN; từ đó, tạo nguồn lực cho bảo vệ môi trường, phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường quốc gia... Bình quân 5 năm trở lại đây, chi NSNN bố trí cho sự nghiệp môi trường đạt trên 21 nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Đối với chi đầu tư, ngân sách cho tăng trưởng xanh đã được lồng ghép trong các ưu tiên đầu tư ngành, lĩnh vực, địa phương và các chương trình mục tiêu. Dự toán chi đầu tư cho sự nghiệp môi trường giai đoạn 2021-2025 được bố trí ở mức khoảng 23,5 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh nguồn lực công, Việt Nam huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân và các tổ chức quốc tế thông qua việc hình thành và phát triển thị trường tài chính xanh, trái phiếu xanh.

Các tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam đạt được quy mô thị trường vốn phục vụ phát triển bền vững tăng nhanh so với khu vực. Tổng giá trị mảng xanh, xã hội và bền vững của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD trong năm 2021, gấp gần 5 lần so với năm 2020 và duy trì tăng trưởng ổn định 3 năm liền. Việt Nam là thị trường phát hành nợ xanh lớn thứ hai trong ASEAN, đạt 1 tỷ USD, chỉ sau Singapore.

Thống kê cho thấy, phần lớn các trái phiếu xanh được phát hành bởi Chính phủ và chính quyền địa phương. Cụ thể, đến năm 2018, TP. Hồ Chí Minh đã phát hành khoảng 3.000 tỷ đồng trái phiếu xanh cho 34 dự án xanh. Hay từ năm 2019, Công ty cổ phần (CTCP) Điện mặt trời Trung Nam và CTCP Trung Nam phát hành trái phiếu xanh, huy động thành công 3.045 tỷ đồng và sử dụng cho dự án điện mặt trời tại Ninh Thuận. Tháng 7/2022, CTCP Tài chính Điện lực đã phát hành 1.725 tỷ đồng trái phiếu xanh.

Theo ước tính của ân hàng Thế giới, Việt Nam cần đầu tư thêm khoảng 368 tỷ USD cho đến năm 2040, tương đương 6,8% GDP mỗi năm khi theo đuổi lộ trình phát triển kết hợp khả năng chống chịu và phát thải ròng bằng “0”.

Thời gian tới, ộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan xây dựng quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục phân loại xanh, theo nhiệm vụ được giao tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, làm căn cứ để các chủ thể phát hành lựa chọn dự án xanh để sử dụng vốn từ trái phiếu xanh.

Nếu như tín dụng xanh cung cấp vốn cho các dự án được chứng nhận bằng các tín chỉ carbon, thì tín chỉ carbon như “tấm thẻ bài” đưa hàng sang các nước. Tuy nhiên, hiện nay, thị trường tín chỉ carbon ở Việt Nam mới khởi động những bước đi đầu tiên. Việc phát triển thị trường này đã có lộ trình. Đến hết năm 2027, Bộ Tài chính tập trung xây dựng hệ thống chính sách tạo nền tảng cho thị trường vận hành cũng như thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon, hướng đến chính thức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon vào năm 2028.

Hiện thực hóa thu hút vốn đầu tư vào thị trường trái phiếu xanh

Theo nghiên cứu của WB, nếu Việt Nam không có các biện pháp thích ứng và giảm thiểu phù hợp, ước tính biến đổi khí hậu sẽ khiến Việt Nam mất khoảng 12 - 14,5% GDP/năm vào năm 2050. Tuy nhiên, với sự kết hợp nhịp nhàng các chính sách và chiến lược, Việt Nam có thể tận dụng các nỗ lực khử carbon để thúc đẩy các mục tiêu phát triển nhằm đạt được mục tiêu phát thải carbon ròng bằng “0” mà không làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP.

Trong năm qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc liên tục tham dự các hội nghị, diễn đàn liên quan đến tăng trưởng xanh, tài chính xanh. Còn nhớ, tại Hội nghị bàn tròn kết nối thị trường vốn với chủ đề “Kết nối Việt Nam - Luxembourg xây dựng thị trường vốn xanh”, người đứng đầu ngành Tài chính khẳng định, Việt Nam hội tụ đầy đủ các yếu tố về thể chế, hạ tầng, vị trí địa lý, ổn định chính trị, xã hội.

“Với tinh thần quyết tâm sẵn sàng đóng góp tích cực, trách nhiệm vào những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế, Việt Nam coi thúc đẩy tăng trưởng xanh là một nhiệm vụ then chốt của quốc gia để kiến tạo một không gian phát triển bền vững” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.

Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp huy động vốn xanh trong nước và quốc tế được thuận lợi, hệ thống văn bản, chính sách pháp luật của Việt Nam đã từng bước được hoàn thiện, quy định về các sản phẩm tài chính xanh như: trái phiếu xanh, cổ phiếu xanh, tín dụng xanh, cũng như các chính sách ưu đãi đối với tài chính xanh. Đặc biệt, trong đó có chính sách ưu đãi đối với các chủ thể phát hành và nhà đầu tư trái phiếu xanh như được hưởng ưu đãi giảm về giá dịch vụ chứng khoán.

Theo các chuyên gia kinh tế, để phát triển tài chính xanh, thời gian tới, Nhà nước cần đóng vai trò dẫn dắt thực hiện phát triển tài chính xanh; đẩy nhanh việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu xanh, cổ phiếu xanh, tín dụng xanh và các sản phẩm tài chính xanh.

Minh Anh