Tăng kỳ vọng với 'điểm sáng' tăng trưởng của doanh nghiệp công nghệ

Kết quả kinh doanh 8 tháng đầu năm 2023 được Công ty cổ phần FPT công bố cuối tuần qua cho thấy sức tăng trưởng cực kỳ ấn tượng với doanh thu và lợi nhuận trước thuế đạt lần lượt 32.827 tỷ đồng và 5.902 tỷ đồng, tương ứng tăng 21% và 19% so với cùng kỳ năm trước.

Mức tăng trưởng “như mơ”, nhiều cơ hội tiếp tục mở ra

Trong đó, mảng dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) thị trường nước ngoài của công ty này tiếp tục đà tăng trưởng mạnh, đạt mức doanh thu 15.292 tỷ đồng, tương đương với mức tăng 30%, dẫn đầu bởi sức tăng đến từ thị trường Nhật Bản tăng 41% và thị trường khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (APAC) tăng 37%.

Rất nhiều cơ hội đang tiếp tục mở ra cho các DN công nghệ ở Việt Nam, nhưng một thách thức lớn là việc thiếu hụt nguồn nhân lực.

Theo giới quan sát, các DN trong mảng CNTT đang cho thấy họ là điểm sáng về phục hồi kinh tế với hoạt động kinh doanh rất khả quan. Đặc biệt là những DN hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu, gia công phần mềm, viễn thông. Mức tăng trưởng tốt được duy trì tại Nhật Bản và APAC sẽ bù đắp cho thị trường Mỹ có phần chậm lại.

Với FPT, xu thế tăng trưởng xuất khẩu phần mềm tại Nhật Bản và APAC vẫn sẽ được duy trì nhờ vào giải pháp CNTT tiết kiệm chi phí cho khách hàng đặc biệt trong bảo trì hệ thống (chi phí FPT bảo trì ít hơn 50% so với DN tự bảo trì) và xu thế chuyển đổi số mạnh tại khu vực APAC với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) được dự báo đạt 13,52%/năm đến năm 2027.

Đáng chú ý, thông tin đưa ra vào trung tuần tháng 9/2023 từ FPT là DN này đang lên kế hoạch đến cuối năm 2023 đầu tư 100 triệu USD và gần 1.000 nhân lực tại thị trường Mỹ. Với những khoản đầu tư liên tục, công ty công nghệ hàng đầu của Việt Nam kỳ vọng sẽ tạo ra hơn 3.000 việc làm vào năm 2028 và đạt doanh thu 1 tỷ USD từ thị trường Mỹ vào năm 2030.

Ngoài ra, theo đánh giá từ Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán BSC, xu hướng chuyển đổi số và đầu tư công vào giao thông thông minh (ITS) được kỳ vọng được đẩy mạnh đến năm 2025 sẽ có tác động tích cực đối với DN công nghệ trong thời gian tới.

Nhất là nhu cầu chuyển đổi số tại Việt Nam vẫn tích cực trong bối cảnh Chính phủ đẩy mạnh số hóa chính phủ và hỗ trợ các sản phẩm “Make in Viet Nam” sẽ giúp các DN công nghệ được hưởng lợi.

Song song đó, Luật Viễn thông sửa đổi (dự kiến trình Quốc hội phê chuẩn vào tháng 10/2023) sẽ có tác động lớn đối với các DN công nghệ ở mảng viễn thông. Luật Viễn thông sửa đổi dự kiến có nhiều nội dung mới: 5G, Điện toán đám mây, Nền tảng xuyên biên giới,…Trong đó, một số nội dung sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của các DN công nghệ với nhiều cơ hội mới được mở ra.

Giải “bài toán” thiếu hụt nhân lực

Không chỉ vậy, mối quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Mỹ sau chuyến viếng thăm của Tổng thống Joe Biden cũng đặt ra nhiều cơ hội cho các DN của Việt Nam ở mảng công nghệ. Nhất là việc ghi nhận tiềm năng to lớn của Việt Nam trở thành một trong những quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn.

Việt Nam và Mỹ ủng hộ sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam và hai bên sẽ tích cực phối hợp nhằm nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung bán dẫn toàn cầu.

Theo dữ liệu từ TopDev (một nền tảng chuyên về thị trường và nhân lực trong ngành công nghệ), ngày càng có nhiều DN Việt Nam có khả năng tham gia vào ngành công nghiệp hỗ trợ sản xuất chip với lực lượng hiện tại khoảng 50 DN trong nước và hơn 5.000 kỹ sư Việt Nam tham gia thiết kế chip.

Qua đó, việc xây dựng hệ sinh thái DN hỗ trợ và đội ngũ kỹ sư thiết kế chip, kỹ sư điện tử sẽ giúp Việt Nam từng bước nâng cấp và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị vi mạch toàn cầu.

Mặt khác, trong “Báo cáo thị trường IT Việt Nam 2023 - Vietnam Tech Talents Report” vừa được xuất bản bởi TopDev đã cho thấy mảng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) là một trong những lĩnh vực kinh doanh phát triển nhanh nhất tại Việt Nam hiện nay.

Theo đó, ngành CNTT Việt Nam nói chung và ngành dịch vụ CNTT có sự tăng trưởng tích cực trong 5 năm qua. Doanh thu lĩnh vực ICT của Việt Nam trong 5 năm qua liên tục tăng trưởng cao, từ gần 103 tỷ USD năm 2018 lên hơn 124,67 tỷ USD năm 2020 và 136,15 tỷ USD vào năm 2021.

Đến năm 2022, kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử ước đạt 136 tỷ USD, tăng 11,6% so với năm 2021; xuất siêu hơn 26 tỷ USD. Năm 2022 cũng đã ghi nhận có hơn 1.400 DN công nghệ số Việt Nam có doanh thu từ thị trường nước ngoài, tăng gần 20% so với năm 2021.

Có thể thấy, hàng tỷ USD mà các DN công nghệ thu được là điều ước ao của các DN Việt trong bối cảnh khó khăn, trầy trật để phục hồi sau Covid-19. Tuy nhiên, song song với những mặt khả quan như trên thì một thách thức lớn cho các DN công nghệ của Việt Nam chính là vấn đề về nguồn nhân lực.

Như lưu ý của TopDev, sự thiếu hụt nhân sự CNTT luôn là vấn đề khó khăn nhất đối với thị trường IT. Dự đoán từ năm 2023 - 2025, Việt Nam vẫn sẽ thiếu hụt từ 150.000 - 200.000 lập trình viên/kỹ sư hàng năm.

Dựa trên Báo cáo về thị trường IT Việt Nam 2023, đến năm 2025, Việt Nam sẽ còn cần đến 700.000 nhân lực trong ngành CNTT. Trong khi đó, số lượng lập trình viên hiện tại của Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 530.000 người.

Mới đây, FPT cũng đã đề xuất Chính phủ đầu tư đào tạo từ 30.000- 50.000 chuyên gia bán dẫn để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của ngành này. Về phía Mỹ, sau chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden, đã khẳng định cam kết tăng cường hỗ trợ Việt Nam đào tạo và phát triển lực lượng lao động công nghệ cao.

Nhìn chung, trước nhiều cơ hội đã, đang và sẽ mở ra thênh thang cho các DN công nghệ của Việt Nam thì điều mong mỏi trong lúc này là cần phải giải cho được “bài toán” thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao.

Hơn thế nữa, rất cần Chính phủ cùng các DN Việt trong lĩnh vực này vạch ra một chiến lược trung và dài hạn để xây dựng được một nền công nghiệp ICT đầy tính cạnh tranh. Và Việt Nam cũng cần nỗ lực đạt được những thỏa thuận hợp tác hỗ trợ chuyển giao công nghệ với các quốc gia tiên tiến nhằm tiến tới tự chủ hoàn toàn tất cả các công đoạn quan trọng trong quy trình sản xuất và xuất khẩu ở lĩnh vực ICT.

Thế Vinh