Tạo lập cơ sở để thị trường chứng khoán có quỹ đạo phát triển bền vững

2024 là năm cơ quan quản lý sẽ thực thi các giải pháp gỡ vướng để thu hút đầu tư gián tiếp nước ngoài, nâng hạng thị trường chứng khoán. Ảnh minh họa: Lê Vũ

Đây là thông điệp được đại diện các cơ quan quản lý nêu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2024 diễn ra sáng 28-2, tại Hà Nội.

Củng cố các yếu tố nền tảng trên TTCK

Bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, TTCK Việt Nam năm 2023 tiếp tục khẳng định vai trò kênh dẫn vốn hiệu quả cho nền kinh tế dù chịu ảnh hưởng khó khăn từ bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước. Hoạt động huy động vốn qua TTCK trong năm 2023 có sự khởi sắc khi đạt 418.271 tỉ đồng, tăng 33,5% so với năm 2022.

Diễn biến TTCK cũng phản ánh kỳ vọng tích cực của thị trường về triển vọng kinh tế và hoạt động của các doanh nghiệp. Cụ thể, cùng với tình hình phục hồi của nền kinh tế, các chỉ số TTCK Việt Nam tăng 12,2% so với năm trước, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp huy động vốn qua TTCK.

Kết quả sản xuất kinh doanh của các công ty niêm yết, công ty đại chúng quy mô lớn còn khó khăn, nhưng có dấu hiệu phục hồi vào những tháng cuối năm.

Các tổ chức kinh doanh chứng khoán cũng có sự cải thiện về chất lượng hoạt động, duy trì với 81/82 công ty chứng khoán đang hoạt động có tỉ lệ an toàn tài chính trên 180%. Đồng thời có 43 công ty quản lý quỹ đang hoạt động với tổng giá trị tài sản quản lý đạt khoảng 639.000 đồng tính tới ngày 31-12-2023, tăng gần 16% so với thời điểm cuối năm 2022. Ngoài ra, có 107 quỹ đầu tư chứng khoán, tăng 10 quỹ so với năm 2022.

Với năm 2024, lãnh đạo UBCKNN xác định đây là giai đoạn tạo dựng các cơ sở cho sự phát triển của thị trường trong trung và dài hạn, góp phần vào việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế năm 2024.

“Tiếp tục đẩy mạnh giám sát, thực thi pháp luật để đảm bảo hoạt động lành mạnh của thị trường. Ngoài ra, ứng dụng công nghệ thông tin, làm sạch dữ liệu nhà đầu tư, nghiên cứu xây dựng trung tâm dữ liệu tập trung hỗ trợ công tác quản lý giám sát. Đồng thời cơ quan quản lý sẽ có các giải pháp hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp thông qua triển khai công bố thông tin một đầu mối, cải cách thủ tục hành chính”, bà Phương nói và cho biết .

Cũng theo bà Phương, UBCKNN sẽ tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm hàng hóa trên thị trường, khuyến khích chào bán, phát hành ra công chúng và gắn chào bán ra công chúng lần đầu với niêm yết, đăng ký giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán. Bên cạnh đó, nâng cao năng lực và an toàn tài chính của hệ thống tổ chức kinh doanh chứng khoán thông qua tiếp tục tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ; đẩy mạnh quản lý, giám sát, chấn chỉnh hoạt động của các tổ chức này.

Về phía ngành ngân hàng, ông ạm Thanh Hà, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) khẳng định NHNN và Bộ Tài chính thường xuyên trao đổi các thông tin về TTCK, trái phiếu… để thống nhất các thông điệp truyền thông, tạo lòng tin cho nhà đầu tư trong và ngoài nước, duy trì ổn định các thị trường; hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan đến TTCK nói chung, thị trường trái phiếu nói riêng.

“Các kết quả điều hành chính sách tiền tệ đã góp phần ổn định được kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát bình quân năm 2023, giữ ổn định được thị trường tiền tệ, ngoại hối, củng cố dự trữ ngoại hối nhà nước. Đây là những yếu tố góp phần để Fitch Ratings – Tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế nâng cao xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng ‘Ổn định’. Yếu tố này có ý nghĩa quan trọng trong nỗ lực nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế”, ông Hà cho biết.

Hiện TTCK Việt Nam được hai tổ chức xếp hạng thị trường là MSCI và FTSE Russell xếp vào Nhóm 3 – thị trường cận biên. Trong đó, FTSE Russell đang đưa Việt Nam vào danh sách nhóm chờ nâng hạng lên Nhóm 2 – thị trường mới nổi. Đây là giai đoạn cơ sở để Việt Nam thu hút hàng tỉ đô la Mỹ vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài từ các quỹ đầu tư, thông qua thị trường chứng khoán.

Còn với bối cảnh hiện tại, nhu cầu vốn trung – dài hạn của nền kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào hệ thống ngân hàng. Điều này khiến tín dụng trung – dài hạn chiếm tỷ trọng khá lớn đã và đang tạo sức ép và rủi ro cho hệ thống các tổ chức tính dụng (TCTD) khi nguồn vốn chủ yếu là ngắn hạn.

Do đó, để phát triển đồng bộ, minh bạch và bền vững thị trường tài chính, ông Hà cho biết sẽ kiến nghị Bộ Tài chính, UBCKNN tiếp tục nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện khung pháp lý về TTCK nói chung, thị trường trái phiếu nói riêng. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD phát hành cổ phiếu, trái phiếu trên thị trường. Đồng thời, phối hợp với các bộ ngành có liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp cho TTCK phát triển.

Bên cạnh giải pháp trên, vị này cũng đồng thuận với quan điểm Việt Nam cần tiếp tục đa dạng hóa các nhà đầu tư tham gia thị trường, khuyến khích các quỹ, công ty bảo hiểm, nhà đầu tư nước ngoài… tham gia sâu và rộng hơn vào thị trường.

Nới sở hữu của khối ngoại và khuyến khích trái phiếu xanh

Với mong muốn tạo tiền đề cho sự phát triển dài hạn của TTCK Việt Nam, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) cho rằng, cơ sở đầu tiên là hoàn thành nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.“Gần đây, khi tiếp xúc với các tập đoàn, quỹ đầu tư quốc tế, họ đều bày tỏ nếu TTCK Việt Nam được nâng hạng thì dòng vốn vào Việt Nam tăng lên rất nhiều”, bà Ngọc nhấn mạnh.

Cũng theo bà Ngọc, ộ Tài chính và UBCKNN nên cân nhắc kế hoạch hành động để triển khai chiến lược phát triển TTCK năm 2030 đã được Thủ tướng ban hành ngày 29-12. Trong đó, nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến đổi mới, cải cách thể chế và ban hành các quy phạm để làm cơ sở phát triển TTCK ổn định, lành mạnh, dần đáp ứng các chuẩn mực, tiêu chuẩn quốc tế được đặc biệt chú trọng.

“Kế hoạch trên được xây dựng sớm, ban hành sớm sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng để tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả, không bị chồng chéo”, bà Ngọc lưu ý.

Ngoài ra nhiều cho rằng cần nâng tao hơn nữa tính chuyên nghiệp với các hoạt động của TTCK. Hiện thành phần tham gia TTCK chủ yếu là các nhà đầu tư cá nhân và một số quỹ, thiếu vắng các công ty đầu tư chuyên nghiệp, dù Luật Chứng khoán đã được ban hành.

Do đó, cần phải đánh giá, rà soát vì sao các công ty, các nhà đầu tư không mặn mà trong việc thành lập nhà đầu tư, công ty đầu tư chuyên nghiệp.

Với chất lượng sản phẩm – hàng hóa trên thị trường, lãnh đạo Bộ KHĐT đánh giá việc tăng hàng hóa có chất lượng để huy động thêm nguồn lực tạo sản phẩm mới cho TTCK đóng vai trò rất quan trọng. Trong đó, cần chú trọng đến tài chính xanh và phát triển bền vững. Hiện các tổ chức quốc tế, nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt quan tâm tới việc phát triển thị trường trái phiếu xanh, đưa ra sàn giao dịch tín chỉ carbon triển khai tại các sàn chứng khoán ở Việt Nam.

Bên cạnh phần việc trên, cơ quan quản lý cũng cần đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước gắn với niêm yết trên TTCK. Trước đó, số lượng doanh nghiệp, tổng công ty được cổ phần hóa gắn với việc niêm yết trên TTCK rất ít trong năm 2023.

Ngoài các phần việc trên, một việc được bà Ngọc quan tâm là khẩn trương cho phép các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đáp ứng đủ điều kiện – theo quy định của pháp luật về chứng khoán – được niêm yết trên sàn chứng khoán. Đồng thời, xem xét để phân biệt điều kiện về tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp niêm yết để có thể có một số điều kiện mở hơn so với các doanh nghiệp không niêm yết.

Theo đó, cần rà soát kiến nghị cho mở cửa sớm một số ngành, lĩnh vực của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán.

Với trái phiếu xanh – một sản phẩm được nhiều nhà đầu tư quan tâm, ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc BIDV, đề xuất các cơ quan quản lý hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý liên quan đến trái phiếu xanh. Cụ thể như quy định phân loại và xác nhận dự án xanh quốc gia để áp dụng các chính sách khuyến khích cần xem xét sự tương đồng giữa các tiêu chí xanh của Việt Nam và các tiêu chuẩn quốc tế. Điều này giúp thuận tiện cho doanh nghiệp trong việc triển khai dự án, thu hút đầu tư trong và ngoài nước theo cùng hệ quy chuẩn.

Ngoài ra, xem xét quy định các tiêu chí xanh, với các cấp độ tương ứng các mức độ ưu đãi về chính sách khác nhau. Điều này giúp doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh có thể tiếp cận dần với các chính sách ưu đãi, cũng như tạo lập được các mục tiêu/động lực để đạt tới sự tăng trưởng bền vững. Đồng thời, ban hành các hướng dẫn cho hoạt động báo cáo sau phát hành trái phiếu xanh, trong đó xem xét đến các quy định đặc thù giữa hoạt động của TCTD và tổ chức kinh tế.

Bên cạnh đó, có giải pháp hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi xanh, phát hành trái phiếu xanh. Cụ thể như hỗ trợ chi phí phát hành, ưu đãi thuế, đẩy mạnh việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực về môi trường.

Vân Phong