Thành phố Hồ Chí Minh: Đổi mới trong sản xuất kinh tế nông nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới

Đổi mới trong sản xuất kinh tế nông nghiệp xây dựng nông thôn mới.

Hiện nay, các huyện ngoại thành Thành phố Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Trong đó, việc phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập của người dân từ hoạt động nông nghiệp đang được chú trọng.

Tăng năng suất nghề làm muối truyền thống lên 3-4 lần

Tại huyện Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh), thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đã có nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp hiệu quả ra đời. Trong đó, điển hình phải kể đến việc áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao nghề làm muối truyền thống.

Trước đây, nhiều người dân làm muối thường làm theo phương pháp thủ công khi chỉ đắp nền đất cứng, dẫn nước biển vào ruộng, phơi qua vài con nắng. Nước biển sẽ tự kết tinh thành muối thô. Do đó, năng suất và chất lượng thấp hơn các địa phương khác, bình quân từ 40 - 60 tấn/ha. Giá bán muối cũng thấp do muối chất lượng không cao.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhằm nâng cao giá trị kinh tế cho hạt muối Cần Giờ, hiện nay, người dân huyện Cần Giờ đã chuyển sản xuất muối bằng phương thức muối kết tinh trên nền bạt. Theo UBND xã Lý Nhơn (địa phương sản xuất muối lớn nhất huyện Cần Giờ), việc sản xuất muối trên ruộng trải bạt sẽ tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, dễ tiêu thụ và có giá trị cao. Năng suất bình quân đạt 70 - 80 tấn/ha; chất lượng hạt muối sạch, đều và đẹp.

Làm muối kết tinh trên bạt giúp diêm dân Cần Giờ thu lợi gấp 3-4 lần so với cách làm truyền thống.

Ông Phạm Văn Hồng Hà (ấp Tân Điền, xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ) một diêm dân ở làng muối Cần Giờ thay vì sản xuất muối theo phương pháp thủ công trên nền đất đã chuyển sang sản xuất muối trải bạt giúp tăng chất lượng và năng suất muối lên 3 - 4 lần.

Hiện nay, ông Hà có 3,5ha diện tích muối kết tinh trên bạt, lợi nhuận thu được khoảng 200 đến 250 triệu/ha. Muối hạt kết tinh trên bạt có chất lượng cao hơn, hạt muối sạch hơn.

Ông Hà cho biết, từ lúc đưa nước vào khuôn chứa đến lần thu muối đầu tiên là 1 tháng. Sau đó, người làm muối có thể thu hoạch liên tục xoay vòng từng khuôn. Theo ông Hà, nghề làm muối tốn công chăm sóc ít, năng suất nhiều, đời sống của diêm dân cũng được cải thiện đáng kể.

"Từ khi có mô hình sản xuất muối trải bạt, chất lượng muối tốt hơn nhiều và năng suất muối đạt được cao gấp 3 - 4 lần so với các làm truyền thống", ông Hà chia sẻ.

UBND huyện Cần Giờ đánh giá, việc chuyển từ sản xuất muối truyền thống sang sản xuất muối theo phương pháp kết tinh trên bạt cho hiệu quả kinh tế vượt trội. Đây là cách làm giúp diêm dân ổn định kinh tế, có điều kiện sản xuất và bảo tồn nghề truyền thống.

Theo ông Trương Tiến Triển, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, định hướng phát triển chung của huyện Cần Giờ sẽ chủ trương giảm diện tích muối xuống, tập trung nâng cao chất lượng và giá trị của nghề muối, đặc biệt là những sản phẩm chế biến từ muối.

Theo ông Lê Văn Được, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cần Giờ, phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất tại địa phương. Nông dân đã chuyển đổi nhanh các loại giống, cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả kinh tế sang những mô hình có hiệu quả hơn, phù hợp với đặc trưng của vùng miền, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Phát triển hài hòa nông nghiệp trong xây dựng nông thôn mới

Không chỉ huyện Cần Giờ, huyện Củ Chi cũng là một đơn vị thực hiện có hiệu quả việc nâng cao chất lượng sản xuất nông nghiệp trong xây dựng nông thôn mới.

Hiện nay, huyện Củ Chi có khoảng 2.000ha phục vụ sản xuất, trồng trọt hoa màu. Ông Lê Đình Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi cho biết, nông nghiệp tại huyện Củ Chi định hướng phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị. Huyện tập trung trồng và chăn nuôi những cây - con chủ lực, theo chỉ đạo của Thành phố.

“Hiện nay, chúng tôi tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng đô thị; phát triển nông nghiệp sinh thái; nông nghiệp xanh. Trong quá trình phát triển nông nghiệp, chúng tôi đang hướng người dân chú trọng thực hiện vệ sinh môi trường thật tốt, đảm bảo tính bền vững”, ông Đức cho hay.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn mới với đô thị hóa trên địa bàn, huyện Củ Chi đã ban hành kế hoạch chuyển đổi 43,6ha đất trồng lúa sang cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn. Huyện đã thành lập được 2 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp mới trong 6 tháng đầu năm, gồm: HTX sản xuất - thương mại Tâm An Củ Chi và HTX Nông nghiệp công nghệ cao hữu cơ Tam Tân. Qua đó, nâng tổng lượng HTX nông nghiệp đang hoạt động trên địa bàn lên 39 HTX.

Nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển chung của ngành Nông nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, huyện Củ Chi đã đa dạng hóa các sản phẩm từ nông nghiệp, nhằm nâng cao giá trị của nông sản. Tận dụng những vườn trái cây tại xã Trung An, huyện Củ Chi đã triển khai mô hình du lịch sinh thái, du lịch về vườn.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, nhờ phát triển mô hình này, nhiều nông dân tại đây có doanh thu gấp nhiều lần so với bán nông sản theo cách thông thường.

“Chúng tôi tập trung xây dựng các mô hình nông nghiệp để phát triển các sản phẩm đặc trưng ở Củ Chi; phát triển làng nghề; tạo ra những sản phẩm OCOP. Ví dụ như các sản phẩm cây ăn trái, rau củ quả… của Củ Chi có lợi thế cạnh tranh cao, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Do đó, cần được chú trọng đầu tư để vươn xa hơn nữa trên thị trường, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống bà con nông dân”, ông Đức cho biết.

Huyện Củ Chi đang chủ trương phát triển vườn cây ăn trái gắn với du lịch sinh thái.

Huyện Củ Chi đang nỗ lực trong việc phát triển hài hòa ngành Nông nghiệp địa phương, gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Chủ trương của huyện Củ Chi là phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường; đem đến môi trường sinh thái xanh sạch, đáp ứng yêu cầu phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Đức cho biết, thời gian tới huyện Củ Chi sẽ triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản; chính sách xây dựng nông thôn mới; chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị của thành phố. Những chính sách này tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa nông sản Củ Chi.

Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa trên địa bàn vùng nông thôn giai đoạn 2021-2025. Trong đó, về lĩnh vực kinh tế nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh đặt ra nhiệm vụ tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn. Triển khai mạnh mẽ Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với quá trình chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phát triển mạnh ngành nghề nông thôn, phát triển du lịch nông thôn; nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nông thôn; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn... góp phần nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững.

Viết Dũng – Cao Cường