Thấy gì quanh việc nhập siêu từ Trung Quốc sụt giảm?

Số liệu thống kê mới đây cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2023, nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc đạt 23,6 tỷ USD, giảm 16,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Thiếu đơn hàng nên nhập từ từ”

Bên cạnh con số nhập siêu đã sụt giảm như trên với riêng thị trường Việt Nam, theo đánh giá của giới truyền thông quốc tế, mặc dù đã tháo bỏ chính sách “Zero Covid” nhưng xuất khẩu (XK) của Trung Quốc từ đầu năm đến nay vẫn còn khá mờ nhạt. Gần nhất là vào tháng 5/2023, lượng hàng ra nước ngoài của nước này bị giảm 7,5%, xuống còn 283,5 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

Trước bối cảnh đầu ra gặp khó, cácDN Trung Quốc đang chủ động tìm kiếm đơn hàng thông qua các hội chợ triển lãm ởViệt Nam.

Không chỉ vậy, cách đây vài ngày, Bộ Thương mại Mỹ có cho biết khối lượng hàng hóa mà nước này nhập khẩu (NK) từ Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2006.

Hàng Trung Quốc hiện chỉ còn chiếm 15,6% hàng NK của Mỹ trong giai đoạn 12 tháng trở lại đây. Đây là số liệu thấp nhất kể từ tháng 10/2006. Vài năm gần đây, các công ty Mỹ đã tìm cách đa dạng hóa kênh thương mại nhằm thay thế hàng hóa NK từ Trung Quốc.

Trao đổi với VnBusiness ở góc độ của một hội doanh nghiệp (DN) quy tụ những DN vốn thường xuyên NK nguyên phụ liệu từ Trung Quốc, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan Tp.HCM cho biết, hiện nay, đơn hàng XK của các DN đang thiếu, đầu ra khó khăn, nên việc NK nguyên phụ liệu từ Trung Quốc cũng chỉ là nhập từ từ.

Theo ông Hồng, việc các DN dệt may trong nước có nhập nguyên liệu Trung Quốc hay không trong bối cảnh như hiện nay còn tùy thuộc vào phía đối tác đặt hàng và theo nhu cầu từ thị trường. Còn tình hình hiện tại là NK sụt giảm vì XK giảm. Phần lớn nguyên phụ liệu nhập từ Trung Quốc đều giảm nếu dựa trên tình hình XK của ngành dệt may trong quý 2/2023 sụt giảm khoảng 20 - 25%.

“Hy vọng XK của ngành dệt may là sẽ cải thiện tình hình sụt giảm trong quý 3 sắp tới. Còn như thời gian qua, các DN không thể nhập quá nhiều nguyên phụ liệu nhằm tránh tình trạng tồn kho”, ông Hồng nói.

Từ chia sẻ của Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan Tp.HCM cũng lý giải phần nào việc giảm nhập siêu từ Trung Quốc trong thời gian qua. Điều này càng khiến cho các nhà XK của Trung Quốc thêm sốt ruột và buộc họ phải chủ động tìm kiếm đơn hàng thông qua việc tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm ở nước ngoài…

Đơn cử như Triển lãm thương mại sản phẩm dịch vụ phục vụ cuộc sống gia đình - China Homelife Vietnam 2023 diễn ra tại Tp.HCM từ ngày 15 - 17/6 đang quy tụ tới 317 nhà sản xuất, cung ứng hàng đầu từ 6 tỉnh Trung Quốc cùng tham gia trưng bày, nhằm tạo nên một “làn sóng mới” cho thị trường thương mại Việt Nam.

Linh hoạt trong nhập khẩu

Thông điệp mà các DN Trung Quốc (gồm các ngành dệt may, vật liệu xây dựng, nội thất, điện tử tiêu dùng, đồ gia dụng, máy móc, phụ tùng và phụ kiện xe hơi, mỹ phẩm và nhiều nhóm ngành khác) tham gia ở triển lãm này là mở rộng thị trường RCEP (Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực) ở vùng kinh tế trọng điểm Nam Á - Thái Bình Dương và Đông Nam Á.

Chia sẻ tại sự kiện này, ông Nguyễn Hữu Nam, Phó giám đốc Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh tại Tp.HCM cho rằng, trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện chiếm 1/4 tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Trung Quốc với ASEAN.

Theo ông Nam, Việt Nam luôn nhập siêu từ Trung Quốc, đặc biệt là các nguyên liệu để sản xuất cho các ngành công nghiệp. Các mặt hàng XK chủ yếu của Trung Quốc vào Việt Nam hiện nay có thể kể đến máy vi tính, các sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc thiết bị và phụ tùng, nguyên phụ liệu dệt may và da giày…

Thực tế cho thấy trong quan hệ thương mại hai chiều, tính bổ sung lẫn nhau trong cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước vẫn rất lớn. Việt Nam XK sang Trung Quốc các sản phẩm nông sản nhiệt đới, thủy sản, dệt may, điện thoại, máy tính, sản phẩm điện tử; đồng thời nhập khẩu từ Trung Quốc các mặt hàng nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất và các mặt hàng tiêu dùng.

Cần nhắc thêm, trong Báo cáo thường niên kinh tế và thương mại Việt Nam 2022 được trường Đại học Thương mại công bố gần đây có cho biết, thị trường NK lớn nhất của Việt Nam trong khu vực Châu Á là Trung Quốc. Liên tục trong nhiều năm, vị trí dẫn đầu về kim ngạch và tỷ trọng NK luôn thuộc về Trung Quốc. Năm 2022 vừa qua cũng không phải là một ngoại lệ, khi Trung Quốc cung cấp đến 117,95 tỷ USD hàng hóa cho Việt Nam và đóng góp 32,9% tổng kim ngạch NK.

Theo đó, mặt hàng XK chủ lực của Trung Quốc sang Việt Nam là các mặt hàng thuộc nhóm hàng công nghiệp như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác, nguyên phụ liệu phục vụ ngành dệt may, da, giày và sắt thép các loại. Năm 2022, Việt Nam ghi nhận nhập siêu từ Trung Quốc với giá trị gần 60,2 tỷ USD.

Nếu soi kỹ sẽ thấy nhóm hàng công nghiệp, hay cụ thể hơn là nhóm hàng hóa phục vụ sản xuất bao gồm các nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất trong nước như phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn gia súc và nguyên liệu; xăng dầu và khí đốt; chất dẻo, cao su, gỗ và hóa chất... và các nguyên liệu đầu vào để sản xuất các sản phẩm XK như nguyên vật liệu dệt may, da giày, máy tính và hàng điện tử... là nhóm hàng NK chính của Việt Nam từ Trung Quốc.

Nhìn từ chuyện sụt giảm nhập siêu từ Trung Quốc trong 5 tháng qua, giới chuyên gia cho rằng, ngoài nguyên do XK yếu nên kéo theo NK yếu thì các DN Việt cũng đang tìm cách chuyển hướng thị trường NK để tránh phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc.

Tuy nhiên, việc chuyển hướng NK của DN sẽ không đến nỗi quá cực đoan và vẫn có thể linh hoạt NK từ Trung Quốc một khi điều kiện thương mại giữa hai nước thuận lợi. Mặc dù vậy, các DN khi NK cũng cần tỉnh táo vì hàng Trung Quốc thường có ưu thế về giá cả nhưng không mạnh về chất lượng.

Thế Vinh