'Theo chân' vàng, giá nhiều mặt hàng tăng mạnh không ngừng

Vàng miếng được giới thiệu tại cửa hàng ở Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Không riêng gì vàng, các nguyên liệu thô khác cũng đang tăng giá mạnh kể từ đầu năm 2024 đến nay. Trang tin Business Insider dẫn lời Giám đốc điều hành Darrell Martin của công ty tài chính Apex Trader Funding cho hay giao dịch hàng hóa đang bùng nổ trong những tháng gần đây khi mọi thứ từ kim loại công nghiệp đến dầu mỏ đều “nóng” hơn.

Giá nhiều nguyên liệu tăng đã đưa chỉ số S&P GSCI, tính trên giá hàng hóa, tăng 12,8% trong năm, vượt xa mức tăng 7% của chỉ số S&P 500.

Theo Bloomberg, điều này đã tạo ra thời kỳ sinh lãi cao nhất trong lịch sử giao dịch hàng hóa, trong đó bốn công ty thương mại tư nhân hàng đầu thu về 50 tỷ USD kể từ năm 2022.

Chuyên gia Jeff Currie của Công ty quản lý quỹ đầu tư tư nhân hàng đầu thế giới Carlyle ngày 10/4 cho rằng đây là đợt tăng giá hàng hóa vào giai đoạn cuối của chu kỳ kinh tế.

Thiếu hàng dự trữ

Nguồn cung thấp là vấn đề chính thúc đẩy tăng giá các mặt hàng như đồng và ca cao. Ngân hàng of America cho hay nguồn cung mỏ đồng thắt chặt đang ngày càng làm hạn chế sản xuất tinh chế.

Việc thiếu các dự án khai thác cũng bắt đầu gây ảnh hưởng. Theo Bank of America, giá kim loại này ước đạt 5,44 USD/pound vào năm 2026, tăng 27% so với mức giá hiện nay là 4,28 USD/pound (1 pound = 0,4535 kg).

Tính đến thời điểm hiện nay, giá đồng đã tăng 11,6%. Bank of America cho rằng đồng cũng là trọng tâm của quá trình chuyển đổi năng lượng và sẽ được hưởng lợi nhiều hơn khi các trung tâm dữ liệu trí tuệ nhân tạo (AI) mở rộng.

Tình hình tương tự cũng đang diễn ra với mặt hàng ca cao, trong bối cảnh hạn hán và mùa màng thất bát đã đẩy giá loại nguyên liệu này lên mức kỷ lục. Trong 12 tháng qua, giá ca cao kỳ hạn đã tăng 256% và 1 tấn có giá kỷ lục 10.900 USD.

Tạp chí Street Journal lưu ý trong một bài báo gần đây rằng mặc dù điều này là thông tin không tốt cho các nước sản xuất, nhưng biến đổi khí hậu có thể gây ra tình trạng thiếu nông sản trong tương lai. Hạt càphê có thể phải đối mặt với số phận tương tự, khi mặt hàng này đã giảm giá kể từ đầu năm 2024 đến nay.

Bất ổn toàn cầu

Trong khi sự mất cân bằng cung-cầu ảnh hưởng đến dầu thô, thì triển vọng kinh tế vĩ mô bấp bênh là một yếu tố khác định hình đà tăng giá dầu và vàng.

Ông Martin cho biết tính đến thời điểm hiện tại, giá vàng đã tăng gần 15%, dù cho một phần điều đó đến từ việc kim loại quý này đã hoạt động kém hiệu quả trong năm 2023. Trong ngày 12/4, giá vàng đã chạm mức cao kỷ lục 2.424 USD/ounce.

Lạm phát cao kéo dài, ngân hàng trung ương mua vào mạnh mẽ và bất ổn địa chính trị đã đẩy tài sản trú ẩn an toàn này lên cao hơn. Vì những lý do đó, ông Martin nhận thấy giá vàng sẽ tăng gấp bốn lần trong vòng từ 3 năm đến 5 năm.

Các ước tính khác không quá táo bạo, nhưng các nhà phân tích như Ed Yardeni và David Rosenberg dự báo tỷ lệ này sẽ tăng 50% và 30% trong những năm tới. Ông Yardeni cũng dự báo giá dầu Brent sẽ đạt 100 USD/thùng nếu xung đột ở Trung Đông leo thang.

Mặc dù năm 2024 dự kiến là một năm có lợi cho các nhà giao dịch hàng hóa nhưng một số người lại cảnh báo về tác động vĩ mô của việc giá cả tăng vọt. Các chuyên gia thị trường cho rằng giá hàng hóa tăng sẽ dẫn đến lạm phát tăng đột biến, làm giảm khả năng ục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) điều chỉnh lãi suất.

Còn theo ân hàng Goldman Sachs, giá hàng hóa sẽ tăng khi các ngân hàng trung ương Mỹ và châu Âu chuyển sang hạ lãi suất, giúp hỗ trợ nhu cầu công nghiệp và tiêu dùng.

Các nhà phân tích gồm Samantha Dart và Daan Struyven cho biết giá nguyên liệu thô có thể tăng 15% trong năm 2024 do chi phí vay giảm, hoạt động sản xuất phục hồi và rủi ro địa chính trị vẫn hiện hữu.

Theo Goldman Sachs, các sản phẩm đồng, nhôm, vàng và dầu có thể tăng giá mạnh.Nhiều hàng hóa đã có mức tăng lớn trong quý đầu tiên của năm 2024, trong đó giá dầu thô tăng mạnh, giá vàng đạt mức cao kỷ lục và giá đồng chạm mức 9.000 USD/tấn.

Điều này xảy ra trong bối cảnh các nhà hoạch định chính sách của cả Fed và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã báo hiệu ý định hạ lãi suất trong năm nay khi lạm phát giảm.

Ngoài ra, Trung Quốc đã tăng cường nỗ lực để hỗ trợ thêm cho sự phục hồi kinh tế đất nước.Các nhà phân tích cho biết việc cắt giảm lãi suất của Mỹ trong môi trường không suy thoái sẽ dẫn đến giá hàng hóa cao hơn, trong đó giá kim loại (đặc biệt là đồng và vàng) tăng mạnh nhất, tiếp theo là dầu thô.

Điều quan trọng là tác động tích cực đến giá cả có xu hướng tăng theo thời gian.Tập đoàn dịch vụ tài chính Macquarie Group Ltd. gần đây cũng cho biết hàng hóa đang bước vào một chu kỳ tăng giá mới do nguồn cung thắt chặt hơn và nền kinh tế toàn cầu phục hồi.

Các dự báo về nhu cầu dầu hiện nay cũng rất khác nhau, tùy thuộc vào các giả định về kế hoạch của chính phủ nhằm giúp người tiêu dùng loại bỏ nhiên liệu hóa thạch.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự kiến nhu cầu dầu thế giới sẽ tăng lên 106 triệu thùng/ngày vào năm 2028, từ mức 102 triệu thùng/ngày của năm ngoái và nhu dầu cầu toàn cầu sẽ đạt đỉnh không xa mức đó.

Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) dự kiến nhu cầu dầu sẽ tăng nhanh hơn gấp đôi trong 5 năm tới, lên 110 triệu thùng/ngày, và sau đó tiếp tục tăng trong ít nhất hai thập kỷ tới./.

(TTXVN/Vietnam+)