Tìm hướng phát triển đột phá vùng đồng bằng sông Hồng

Tuyến đường bộ cao tốc Vân Đồn-Móng Cái được xây dựng theo mô hình hợp tác công-tư đạt hiệu quả trong kết nối hạ tầng giao thông. (Ảnh QUANG THỌ)

Tuy đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng quá trình phát triển vùng đồng bằng sông Hồng thời gian qua bộc lộ những bất cập, hạn chế cần khắc phục. Đó là phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và chưa đồng đều các địa phương trong vùng. Liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp... Trong khi đó, bối cảnh, tình hình mới của đất nước đặt ra những yêu cầu mới, cần những giải pháp đưa vùng phát triển bứt phá trong thời gian tới.

Mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng đồng bằng sông Hồng giai đoạn 2005-2020 đạt 7,94%/năm, cao hơn bình quân cả nước, nhưng quá trình phát triển xuất hiện những điểm nghẽn cần tháo gỡ để vùng đồng bằng sông Hồng phát triển nhanh và bền vững hơn.

Những điểm nghẽn cần tháo gỡ

Vùng đồng bằng sông Hồng có hệ thống kết cấu hạ tầng tốt nhất trong sáu vùng của cả nước, nhưng vẫn chưa hoàn chỉnh. Hệ thống giao thông vận tải phát triển chưa hài hòa, đường bộ, đường không khá tốt, nhưng đường sắt, đường thủy nội địa còn yếu, vì vậy chưa tạo được sự đồng bộ, liên kết hạ tầng giao thông giữa các địa phương trong vùng.

Phát triển cơ sở hạ tầng thương mại ở vùng là còn yếu và ít so với cả nước. Là trung tâm công nghiệp lớn, nhưng trong vùng hiện mới có 26 trung tâm logistics, nhiều địa bàn có lợi thế về phát triển lĩnh vực này nhưng vẫn có ít trung tâm logistics. Thành phố Hải Phòng là trung tâm dịch vụ cảng biển, hàng hải và vận tải biển lớn của cả nước, nhưng mới có hai trung tâm logistics, hạ tầng cảng biển chậm được đầu tư, nâng cấp so với yêu cầu phát triển.

Tuyến đường sắt Hà Nội-Hải Phòng chưa kết nối với các cảng biển tại Đình Vũ, cho nên không phát huy được vai trò trong vận tải. Phát triển đường thủy nội địa chỉ đáp ứng được nhu cầu rất nhỏ và không hỗ trợ nhiều cho vận chuyển hàng hóa.

Kinh tế vùng đồng bằng sông Hồng tăng trưởng khá cao trong những năm qua, nhưng tăng trưởng chưa dựa vào tiến bộ khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; chưa sẵn sàng tận dụng hiệu quả các cơ hội của cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Đơn cử như tỉnh Bắc Ninh có tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2021 đạt 133.609 tỷ đồng, tăng 6,9% so với năm 2020 (đứng thứ 7 vùng đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 13 cả nước), tăng trưởng cao, nhưng chủ yếu là gia công sản phẩm theo yêu cầu của các doanh nghiệp FDI.

Hiện nay, có 39 hợp đồng chuyển giao công nghệ được đăng ký tại Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Ninh, thì tất cả hợp đồng được thực hiện dưới hình thức công ty mẹ chuyển giao công nghệ cho công ty con tại Việt Nam. Đây là hình thức chuyển giao công nghệ nội bộ giữa các công ty của nước ngoài, do đó các công ty Việt Nam không làm chủ được công nghệ theo như kỳ vọng.

Sự phát triển của các địa phương trong vùng chưa đồng đều, có sự chênh lệch rõ ràng giữa các tỉnh, thành phố thuộc tiểu vùng phía bắc đồng bằng sông Hồng (vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ) và các tỉnh phía nam đồng bằng sông Hồng.

Tổng thu ngân sách của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ thể hiện sự vượt trội. Cả bảy địa phương của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đều tự cân đối ngân sách, đóng góp 57% tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn về ngân sách trung ương, trong đó năm 2021 đạt hơn 250 nghìn tỷ đồng, chiếm 17,3% tổng thu ngân sách nhà nước cả nước.

Đối với bốn tỉnh phía nam đồng bằng sông Hồng, năm 2022, hai tỉnh Ninh Bình, Hà Nam phấn đấu tự cân đối ngân sách và có điều tiết về Trung ương, còn hai tỉnh Thái Bình và Nam Định vẫn chưa thực hiện được. Đây cũng là những địa bàn được đánh giá là có môi trường đầu tư ở địa phương chưa hấp dẫn, vốn đầu tư xã hội còn ít. Trừ Nam Định có chỉ số PCI năm 2021 ở nhóm khá, còn Hà Nam, Thái Bình, Ninh Bình đều ở nhóm có chất lượng điều hành trung bình và tương đối thấp.

Các địa phương trong vùng chưa phát huy, khai thác tốt các tiềm năng, nguồn lực văn hóa, xã hội cho phát triển kinh tế-xã hội. Trong vùng mới có thành phố Hà Nội, các tỉnh Quảng Ninh, Ninh Bình là tập trung phát triển du lịch bài bản, đóng góp đáng kể cho ngân sách, còn lại các địa phương khác vẫn còn khá hạn chế.

Đơn cử như Hải Dương có 3.199 di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng, trong đó có 142 di tích được xếp hạng quốc gia, bốn di tích, cụm, quần thể di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt, nhưng đến nay, tỉnh mới được biết đến như một điểm "trung chuyển" trên tuyến du lịch quốc gia Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh. Lượng khách du lịch đến Hải Dương và lưu trú rất thấp, khách quốc tế du lịch qua tỉnh chỉ chiếm hơn 2% số lượng khách.

Vì thế tổng thu của ngành du lịch Hải Dương năm 2019 (trước dịch Covid-19) chỉ đạt 1.750 tỷ đồng. Nguyên nhân là do tỉnh chưa có sản phẩm du lịch đặc thù; hệ thống sản phẩm, dịch vụ du lịch chất lượng chưa cao; các sản phẩm vui chơi giải trí nghèo nàn. Các khu, điểm du lịch còn nhỏ lẻ, chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.

Sự phát triển của vùng thời gian qua chủ yếu vẫn mang tính độc lập, đơn lẻ của từng địa phương trong vùng, tính liên kết, hợp tác phát triển chưa cao; chưa có sự phân công nhiệm vụ cụ thể, cũng như xác định rõ vị trí, vai trò của từng địa phương trong vùng.

Với vai trò là "đầu tàu" của vùng, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã có nhiều hoạt động liên kết, hợp tác với các tỉnh trong vùng, nhưng mới rõ nét trong lĩnh vực thương mại, hỗ trợ tiêu thụ nông sản. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là hoạt động kết nối giữa Hà Nội với từng địa phương, chứ chưa có "nhạc trưởng" điều phối trong cả vùng. Hoạt động cũng mang tính "thời vụ", chưa được tổ chức bài bản, đều đặn, áp dụng với nhiều mặt hàng, sản phẩm khác.

Còn trong những lĩnh vực quan trọng khác thì sự liên kết vùng chưa rõ ràng. Trong lĩnh vực công nghiệp, hiện vẫn có tình trạng mạnh tỉnh nào, tỉnh đó làm, thậm chí, Hà Nội còn đang phải cạnh tranh với các tỉnh Hà Nam, Bắc Ninh... trong thu hút các dự án vào các khu, cụm công nghiệp do sự chênh lệnh về giá đất, diện tích mặt bằng sản xuất...

Tạo cơ chế liên kết nội vùng và dẫn dắt các vùng khác trong nước

Đánh giá về việc thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 14/9/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhận định, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, bám sát các chủ trương, định hướng lớn của Bộ Chính trị, vùng đồng bằng sông Hồng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học-công nghệ và môi trường.

Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đã có bước thay đổi rất nhanh chóng. Tuy nhiên, phát triển vùng đồng bằng sông Hồng còn nhiều hạn chế; nhiều vấn đề mới phát sinh và được đặt ra đối với phát triển vùng trong bối cảnh, tình hình mới của đất nước. Một số mục tiêu của Nghị quyết số 54-NQ/TW đề ra chưa đạt được. Vì vậy, dịp này, Bộ Chính trị tiến hành tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW, xây dựng nghị quyết mới, với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển nhanh và bền vững vùng đồng bằng sông Hồng, đặc biệt là cần phải thay đổi tư duy, nhận thức và tầm nhìn đối với liên kết phát triển vùng để vùng trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp và phát triển dịch vụ hiện đại; nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, tuần hoàn phát triển mạnh; đi đầu về phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số; là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước và hệ thống đô thị thông minh, kết nối; phát huy vai trò của các hành lang kinh tế, các khu công nghiệp...

Nghị quyết mới sẽ giúp khai thác tốt hơn các thế mạnh của các vùng về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, vị trí địa chính trị, nguồn nhân lực trong bối cảnh và yêu cầu phát triển mới; phát triển tổng thể, mang tính hữu cơ, liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng thành một thể thống nhất.

Để có cơ sở khoa học, cơ sở pháp lý cho các tỉnh, thành phố trong vùng xây dựng quy hoạch của địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề nghị Trung ương sớm hoàn thành thẩm định, phê duyệt quy hoạch cho các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt tại Quyết định số 492/QĐ-TTg ngày 19/4/2022 về việc phê duyệt quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An đề xuất cần làm rõ quy hoạch vùng, bố trí không gian phát triển cho vùng, nhất là phải xác định được cái nào phục vụ địa phương, cái nào phục vụ nội vùng và quốc gia để đạt được mục tiêu tổng thể...

Để khắc phục tình trạng liên kết chưa chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng nhấn mạnh, cơ quan điều hành vùng phải tạo ra được cơ chế liên kết nội vùng và liên kết với năm vùng khác trong cả nước một cách hiệu quả. Liên kết phải đồng bộ, chặt chẽ, tạo ra đột phá kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, đồng thời, khai thác tiềm năng rất lớn của kinh tế biển của cả vùng.

Về mô hình điều hành liên kết vùng, Tiến sĩ Trần Đình Thiên cho rằng, phải làm rõ quyền lực và nguồn lực để bảo đảm thực thi quyền lực đối với mô hình này. Giữa các địa phương thì quyền lực vùng phải ngăn được xung đột, cạnh tranh không lành mạnh hay phân tán nguồn lực. Trên cơ sở đó, ông Trần Đình Thiên kiến nghị ba vấn đề cho mô hình điều hành liên kết vùng.

Thứ nhất, là quyền lực thực hiện quy hoạch vùng để thiết kế lợi ích phát triển của vùng ưu tiên hơn so với quyền lợi của từng tỉnh, thành phố. Thứ hai, phải có thể chế giám sát và có giải pháp tối ưu cho phát triển kinh tế-xã hội tác động lợi ích chung cả vùng. Thứ ba, có nguồn lực thực thi các dự án cấp vùng.

Phát triển vùng là một chủ trương lớn của Đảng, được khẳng định rõ trong Văn kiện Đại hội Đảng qua các nhiệm kỳ nhằm xây dựng quy hoạch, tổ chức không gian lãnh thổ quốc gia một cách hợp lý, phát huy tốt nhất các lợi thế đặc thù của mỗi vùng, địa phương và tăng cường tính liên kết nội vùng, liên vùng và khai thác tốt hơn các thế mạnh của các vùng, nội vùng trong phát triển.

Để vùng đồng bằng sông Hồng phát triển nhanh, bền vững hơn trong thời gian tới, làm tốt hơn vai trò của vùng là giúp các vùng khác trong nước phát triển, cần có nhiều đánh giá sâu, nhiều chiều về các tiềm năng, lợi thế, điều kiện kinh tế-xã hội, trình độ phát triển của vùng, các địa phương; đề xuất, kiến nghị thêm về nhiệm vụ, giải pháp đột phá cho vùng, nhất là hình thành, phát triển các ngành, lĩnh vực có lợi thế và các trung tâm kinh tế, vùng động lực mới; gợi mở các mô hình tốt, cách làm hay xuất phát từ thực tiễn, phù hợp điều kiện kinh tế-xã hội địa phương và vùng để bổ sung các đánh giá và đề xuất nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách thí điểm hoặc nhân rộng.

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 26/10/2022.

Nhóm phóng viên thường trú