Tinh thần chiến binh 24/7 và hành trình giải cứu 500 người Việt

Hàng trăm công dân Việt Nam về nước sau vụ việc ở Sun Valley, đặc khu kinh tế Clark, tỉnh Pampanga, Philippines. (Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines)

Khi nói đến bảo hộ công dân, báo chí thường hay nghĩ ngay tới địa bàn Philippines với nhiều “ca khó”, Đại sứ có thể chia sẻ đặc thù của địa bàn trong công tác này?

Trong khi việc tìm kiếm cơ hội cải thiện đời sống kinh tế ở nước ngoài là một nhu cầu chính đáng của người dân, xu thế này đồng thời đang tạo ra sức ép không nhỏ đối với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong công tác bảo hộ công dân, bao gồm Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines.

Kể từ sau khi Philippines mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19, số lượng người lao động Việt Nam tại Philippines gia tăng đột biến. Theo số liệu Đại sứ quán có được thông qua tìm hiểu thực tế, từ khoảng 3.000 người trước đại dịch Covid-19, tính đến thời điểm hiện nay, số lượng lao động Việt Nam tại Phililppines có thể đạt khoảng 100.000 người.

Phần lớn trong số này là lao động rất trẻ được tuyển dụng thông qua mạng xã hội bởi các nhân viên phụ trách nhân sự (HR) của các công ty kinh doanh dịch vụ giải trí trực tuyến (đánh bạc, đầu tư tiền ảo qua mạng) do người Trung Quốc làm chủ (Philippines gọi các công ty này là POGO - Phiippine Offshore Gaming Operators).

Hầu hết lao động Việt Nam sang Philippines làm việc theo con đường du lịch, không có thị thực làm việc (gọi là visa 9G), không hiểu biết về luật pháp sở tại, bao gồm các quyền và nghĩa vụ người lao động theo luật pháp sở tại, không có hợp đồng lao động hợp lệ, dễ dàng trở thành đối tượng bị lạm dụng hoặc cưỡng bức lao động, trở thành nạn nhân của các loại tội phạm và các hình thức buôn bán người.

Khi gặp nạn, người lao động thường không có khả năng nói tiếng Anh hoặc chỉ nói rất ít do họ làm việc bằng tiếng Trung cho thị trường Trung Quốc hoặc thậm chí bằng tiếng Việt cho thị trường Việt Nam thông qua chỉ đạo của các HR biết ngoại ngữ.

Do vậy, họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc hợp tác với các cơ quan chức năng liên quan của sở tại. Người lao động cũng không thực hiện đăng ký công dân với Đại sứ quán khi đến Philippines làm việc, chủ yếu do muốn che giấu thân phận và công việc đang làm.

Với những đặc điểm trên, công tác bảo hộ công dân tại Philippines gặp muôn vàn khó khăn, phức tạp, luôn luôn trong tình trạng “trực chiến 24/7” mặc dù ở Philippines không có chiến tranh.

Công tác bảo hộ công nhân luôn gấp gáp, thậm chí phải chạy đua với thời gian, Đại sứ quán ta tại Philippines phải linh hoạt như thế nào, với những câu chuyện, tình huống cụ thể, thưa Đại sứ?

Với số lượng lao động Việt Nam tại Philippines ngày càng tăng mạnh, người lao động khi đi làm thường chỉ quan tâm đến mức thu nhập mà không tìm hiểu các nguy cơ liên quan, lại làm việc trong lĩnh vực POGO thường xuyên có kết nối với nhiều loại hình tội phạm, công tác bảo hộ công dân của Đại sứ quán luôn trong tình trạng căng thẳng.

Trong khi đó, cán bộ phụ trách công tác bảo hộ công dân của Đại sứ quán rất mỏng (chỉ có một cán bộ đồng thời kiêm nhiệm công tác lãnh sự và các công việc khác).

Do vậy, Đại sứ quán thường xuyên phải huy động toàn bộ cán bộ, nhân viên từ phòng chính trị, văn hóa, quản trị đến nhân viên kế toán, lái xe… tham gia hỗ trợ công tác bảo hộ công dân, nhất là đối với những vụ việc số lượng lao động Việt Nam cần được bảo hộ lớn.

Có những lúc tối khuya, có những hôm cuối tuần, trước cổng Đại sứ quán vẫn ghi nhận những trường hợp công dân chạy trốn khỏi công ty, không giấy tờ tùy thân, đến xin cấp lại hộ chiếu để về nước.

Những lúc như vậy, trong khi vẫn cần tuân thủ đúng quy trình xác minh nhân thân để cấp lại hộ chiếu theo quy định, Đại sứ quán vẫn cố gắng liên lạc, kết nối với các nhà hảo tâm trong cộng đồng để tìm cách hỗ trợ nơi ăn chốn ở trước mắt cho công dân gặp nạn trên tinh thần “một miếng khi đói bằng một gói khi no”.

Cũng có những lúc nửa đêm, cán bộ phụ trách bảo hộ công dân của Đại sứ quán nhận được yêu cầu của cảnh sát địa phương Philippines đến xác nhận nạn nhân tử vong chưa rõ nguyên nhân có phải công dân Việt Nam hay không. Trong các tình huống như vậy, cán bộ, nhân viên Đại sứ quán luôn sẵn sàng tinh thần lên đường ngay không một chút do dự, chần chừ bởi luôn ý thức sâu sắc về trách nhiệm của Đại sứ quán đối với công tác bảo hộ công dân.

Đại sứ có thể chia sẻ về chiến dịch giải cứu hàng trăm công dân Việt Nam ở sòng bài tại tỉnh Pampanga hồi tháng Sáu? Với số lượng công dân cần bảo hộ lớn như vậy, khó khăn nhất của ta là gì, thưa Đại sứ?

Vụ việc ở Sun Valley, đặc khu kinh tế Clark, tỉnh Pampanga (cách Manila 3-4 giờ đi xe) vào tháng 6/2023 có thể được coi là chiến dịch “giải cứu công dân” lớn nhất kể từ sau đại dịch Covid-19 với số lượng công dân lên tới gần 500 người.

Vụ việc phức tạp không chỉ ở việc xác minh nhân thân, làm việc với các cơ quan liên quan của Philippines để yêu cầu công ty tuyển dụng phải có trách nhiệm bảo đảm quyền lợi cho lao động Việt Nam mà Đại sứ quán phải làm công tác tư tưởng, giải thích cặn kẽ cho lao động hiểu rõ bản chất vụ việc, tránh để kẻ xấu lôi kéo gây rối, thậm chí tham gia tuyên truyền bôi xấu danh dự, hạ thấp uy tín của cán bộ và hình ảnh Đại sứ quán trên mạng.

Khi bị cảnh sát bắt giữ, lao động Việt Nam rất hoang mang, lo sợ bị công ty đòi tiền bồi thường... nên đã tạo ra những cơ hội để các kẻ trục lợi bên ngoài lôi kéo. Vụ việc ở Clark cũng không ngoại lệ.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc ổn định tâm lý, tạo sự an tâm của công dân Việt Nam tin tưởng vào sự hỗ trợ và cách thức giải quyết của Đại sứ quán, các cán bộ Đại sứ quán luôn luân phiên tới Clark tiếp xúc công dân, tuyên truyền giảng giải.

Trong những lần tiếp xúc đầu tiên, các cán bộ Đại sứ quán gặp nhiều phản ứng dữ dội của nhóm lao động làm việc có thâm niên. Họ công khai ngăn chặn, thậm chí đe dọa những người có ý định hợp tác với Đại sứ quán. Tuy nhiên, bằng sự kiên trì và hiểu biết, các cán bộ Đại sứ quán đã cảm hóa được họ, để rồi chính họ tự nguyện trở thành các “tuyên truyền viên” giúp Đại sứ quán, hỗ trợ các lao động Việt Nam khác trong thời gian ở Clark, chờ đợi được về nước.

Khi chiến dịch giải cứu lao động ở Clark bước vào giai đoạn nước rút, cán bộ Đại sứ quán không kể nắng mưa, đêm khuya, mưa bão tận tình hỗ trợ lao động Việt Nam ở sân bay về nước an toàn. Qua từng chuyến bay, các lao động Việt Nam còn lại ở Clark càng tin tưởng vào sự hỗ trợ của Đại sứ quán, yên tâm ở lại Clark cho đến khi được về Việt Nam.

Trong số hàng trăm nạn nhân như vậy, có những trường hợp nào khiến Đại sứ quán ta phải khó xử?

Khó khăn tiếp theo mà Đại sứ quán gặp phải khi xử lý vụ việc ở Clark là trong số các lao động ở Clark, có hai lao động có vấn đề về sức khỏe tinh thần. Một người luôn có ý định tự tử và đã tự rạch tay nhiều lần. Trong khi người kia luôn mơ mộng làm những điều hoang tưởng.

Để bảo đảm sự an toàn cho chính các lao động và những người khác trên máy bay, Đại sứ quán đã phối hợp chặt chẽ với Cục Lãnh sự trong nước, xin ý kiến Lãnh đạo Bộ về ưu tiên giải quyết sớm cho hai đối tượng trên về nước.

Đại sứ quán chủ động đề xuất phương án cử cán bộ trực tiếp đưa hai lao động trên về nước và được Lãnh đạo Bộ đánh giá cao. Như vậy, với sự chủ động, linh hoạt và khẩn trương, Đại sứ quán đã phối hợp với các cơ quan chức năng của sở tại và các cơ quan liên quan trong nước đưa 100% lao động Việt Nam ở Clark về nước an toàn.

Công tác bảo hộ công ở nước ngoài luôn là nhiệm vụ nặng nề và thách thức đối với tất cả các cán bộ ngoại giao công tác nhiệm kỳ ở nước ngoài. Sự biến thiên, muôn hình vạn trạng của tình hình cũng như sức ép về thời gian, sự cấp bách và trên hết là sự an toàn về tính mạng của công dân luôn là những thách thức rất lớn. Điều này đòi hỏi cán bộ ngoại giao không chỉ vững chắc về nghiệp vụ, kinh nghiệm trong xử lý mà còn cần sự tỉnh táo, linh hoạt trong giải quyết. Chỉ có những người trong cuộc mới có thể cảm nhận đầy đủ và toàn diện nhất những vất vả, gian nan cùng những hy sinh thầm lặng song rất khó để kiểm đếm, kể công.

Tuy nhiên, qua từng sự việc, cán bộ ngoại giao sẽ ngày càng trưởng thành, chứng kiến và hiểu rõ hơn về cuộc sống của người Việt Nam ở nước ngoài để nhận thức sâu sắc hơn trách nhiệm của mỗi cán bộ cũng như tập thể cơ quan đại diện trong việc bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng cho đồng bào ta ở nước ngoài.

(thực hiện)

Hà Phương