TP.HCM 2024: Hành động để 'lấy đà' từ đầu năm

Kết thúc năm 2023, các chỉ số về tăng trưởng cho thấy đầu tư công, tiêu dùng có vai trò rất quan trọng đối với kinh tế TP.HCM. Trao đổi với Pháp Luật .HCM, TS Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, nhận định: Bài học kinh nghiệm từ giai đoạn chuyển giao năm 2022 và 2023 cho thấy sự chủ động trong công tác dự báo, phòng ngừa và tổ chức triển khai là rất quan trọng trong những giai đoạn kinh tế đứng trước nhiều cơ hội đan xen những thách thức lớn.

Cần củng cố niềm tin của người dân trong việc đảm bảo chất lượng, xuất xứ hàng hóa trên các chợ điện tử để thúc đẩy tiêu dùng năm 2024. Ảnh: THU HÀ

Những nỗ lực về đầu tư công

. Phóng viên: Kết thúc năm 2023 với hàng loạt báo cáo của nhiều đơn vị, đoàn thể về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, ông nhận thấy đâu là những vấn đề quan trọng mang tính định hướng cho năm 2024?

+ TS Trương Minh Huy Vũ (ảnh): Nếu nhìn lại thì từ quý III-2022, nhiều báo cáo mang tính chất dự báo được gửi lên chính quyền TP.HCM cho thấy năm 2023 sẽ không hề dễ dàng. Những dư địa hay sự sang chấn từ cuộc đại dịch của năm 2021, cùng với những diễn biến phức tạp và bất lợi của nền kinh tế lẫn chính trị quốc tế tạo ra những áp lực rất lớn với kinh tế Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng.

Đó là chưa kể kinh tế TP.HCM năm 2023 cũng được dự báo là khó khăn khi một số thể chế vẫn tồn tại vướng mắc, nhiều sự kiện kinh tế - xã hội, an ninh trật tự tạo tác động không nhỏ lên tâm lý nhà đầu tư, người tiêu dùng và thị trường.

Quả thực năm 2023, TP đã trải qua nhiều khó khăn như dự báo dù đã đạt được cũng không ít thành quả. Điều đó cho thấy vai trò rất quan trọng của công tác dự báo. Từ các công tác chuẩn bị đánh giá tình hình, TP đã chủ động có những đối sách tốt và vì thế “ba trục động lực” - đầu tư công, xuất khẩu, tiêu dùng đã được định hình và bắt đầu phát huy hiệu quả cho những năm tiếp theo.

Cần củng cố niềm tin của người tiêu dùng trong việc đảm bảo chất lượng, xuất xứ hàng hóa trên các chợ điện tử, chống thất thu thuế, buôn lậu từ các mặt hàng bán trực tuyến...

. Các báo cáo về đầu tư công cho thấy TP vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra trong năm 2023, liệu điều đó có mâu thuẫn với những gì ông nhận định ở trên về ba “trục động lực”?

+ Tôi thấy không có mâu thuẫn. Đầu tư công không phải là “đũa thần”, cứ giải ngân là nhìn thấy hiệu quả ngay. Các khoản đầu tư vào hạ tầng giao thông, đô thị, môi trường hay các dự án về giáo dục, y tế… đều là “cơ bản”, có vai trò nền móng để thúc đẩy tăng trưởng và kích các nguồn lực xã hội, trong bối cảnh đầu tư tư nhân chưa thể phục hồi. Nhưng hiệu ứng này cần một “độ trễ” nhất định, đúng hơn là cần thời gian để có thể tạo ra các hiệu quả, tác động tích cực có thể lượng hóa được, vì các dự án đầu tư công thường có tính trung hạn, dài hạn.

Cạnh đó, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp tư nhân liên tục cắt giảm lao động, đầu tư công sẽ góp phần thúc đẩy thị trường lao động, tạo công ăn việc làm, góp phần cải thiện đời sống của người dân. Các hoạt động đầu tư, mua sắm công cũng tạo thị trường cho các doanh nghiệp tư nhân có đơn hàng, xoay dòng vốn… Nói như vậy để thấy dù năm 2023, mục tiêu giải ngân đầu tư chưa đạt nhưng kết quả đạt được là đáng khích lệ.

. Tiếp đà năm 2023, đầu tư công trong năm 2024 cần chú trọng vào giải pháp nào?

+ Giải phóng mặt bằng vừa là “nút thắt” vừa là trọng tâm cần phải giải quyết trong năm 2024, trong đó nhấn mạnh đến hàng loạt vấn đề cần xử lý về chính sách và giải ngân tiền bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư.

TP cũng cần phải lên đầu mục các công việc cần triển khai như pháp lý dự án, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; triển khai giám sát tiến độ các dự án; thúc đẩy các giải pháp gỡ vướng cho các dự án… Các đề xuất về cơ bản đã đầy đủ, sát thực tiễn nhưng đòi hỏi cả hệ thống phải vận hành đồng bộ, nhịp nhàng, công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát và việc gỡ vướng phải diễn ra liên tục.

Thúc đẩy mạnh tiêu dùng

. Ngoài đầu tư công thì tiêu dùng cũng là một trụ cột quan trọng trong tăng trưởng kinh tế. Ông nhận xét gì về tiềm năng của “mũi nhọn” này?

+ Trong bức tranh kinh tế nhìn chung còn khó khăn thì ương mại điện tử TP.HCM nổi lên rất tích cực. Doanh thu lĩnh vực này của TP trong năm 2023 tăng trưởng rất ấn tượng - 37% so với năm trước, dẫn đầu cả nước. Trong đó, doanh số mua đạt con số rất ấn tượng với 6,2 tỉ USD; trong khi doanh số bán cũng tăng trưởng tốt, đạt mốc 4,7 tỉ USD. Những con số này đã đóng góp rất lớn vào quy mô thị trường thương mại điện tử của Việt Nam trong năm 2023, đạt mức 20,5 tỉ USD.

Tuy nhiên, bức tranh tiêu dùng ở các kênh truyền thống thì lại thiếu tính lạc quan. Thị trường Tết ở các chợ truyền thống, trung tâm mua sắm, siêu thị được ghi nhận khá ảm đạm khi Tết đã rất gần và thời gian này mọi năm thường rất nhộn nhịp.

Sự trái ngược ở hai kênh mua sắm hàng hóa, bán lẻ không phải ngẫu nhiên và cũng không có gì lạ khi tâm lý và thói quen mua sắm đã được dự báo từ những năm trước, chí ít là khi xuất hiện dịch COVID-19, rằng đang có sự dịch chuyển “từ không gian vật lý lên không gian mạng”. Và dự báo này đã được định hình rõ ràng trong suốt một năm qua, khi xu hướng thương mại điện tử trên nền tảng xã hội (social commerce) trở nên thịnh hành và TP.HCM trong năm qua là “tâm điểm” của các hoạt động đó.

. Với xu hướng trên, để thúc đẩy tiêu dùng giai đoạn năm 2024, TP.HCM sẽ chú tâm vào những giải pháp nào?

+ Chỉ trong tháng 1-2024 dự kiến sẽ diễn ra rất nhiều chương trình chợ Tết, hội chợ Tết kích cầu tiêu dùng theo hướng thúc đẩy mua sắm trực tuyến livestream, thương mại điện tử, giải trí Tết.

Tiếp đà năm 2023, TP cần đẩy mạnh hệ sinh thái thương mại điện tử, không chỉ đến doanh nghiệp lớn mà còn cả doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như các tiểu thương, chợ, điểm bán lẻ. “Chủ động, không ngại thay đổi” là cụm từ khóa quan trọng; người làm kinh doanh dù lớn hay nhỏ đều có thể tham gia vào hệ sinh thái mua bán hàng hóa trực tuyến, tiếp cận các cơ hội mới để mở rộng thị trường, tiếp cận lượng khách hàng mới.

Đề án TP trở thành trung tâm thương mại điện tử (được phê duyệt năm 2020) cần tiếp tục được cập nhật các nội dung và mục tiêu mới của thương mại điện tử trên nền tảng mạng xã hội. Đây là xu thế quan trọng cần được định hình trong các sự kiện, hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra thường niên nhằm mở rộng, tăng cường lượng hàng hóa giao dịch, thành phần tham gia, số lượng các trung tâm và không gian livestream trên địa bàn TP.HCM.

Quan trọng không kém là cần củng cố niềm tin của người tiêu dùng trong việc đảm bảo chất lượng và xuất xứ hàng hóa trên các chợ điện tử; tăng cường khả năng chống thất thu thuế - chống buôn lậu từ các mặt hàng bán trực tuyến để tạo ra một sân chơi sáng tạo, tiên phong nhưng có sự quản lý công minh của luật pháp.

. Xin cảm ơn ông.•

TS TRƯƠNG MINH HUY VŨ