Triển vọng kinh tế Việt Nam 2024

Đối với Việt Nam năm 2024, kinh tế vĩ mô trong nước dự báo sẽ đan xen cả thuận lợi và khó khăn, thách thức. Ảnh: internet

Đối với Việt Nam năm 2024, kinh tế vĩ mô trong nước dự báo sẽ đan xen cả thuận lợi và khó khăn, thách thức. Các chuyên gia kinh tế đánh giá thế nào về triển vọng kinh tế Việt Nam 2024?

Đối với Việt Nam năm 2024, kinh tế vĩ mô trong nước dự báo sẽ đan xen cả thuận lợi và khó khăn, thách thức. Các chuyên gia kinh tế đánh giá thế nào về triển vọng kinh tế Việt Nam 2024?

TS. Cấn Văn Lực: GDP có thể tăng 7-7,5%

Kinh tế thế giới được dự báo sẽ ít cải thiện (đi ngang hoặc giảm nhẹ) so với năm 2023 khi những khó khăn, thách thức nêu trên vẫn hiện hữu; đặc biệt là lạm phát và lãi suất còn cao, độ ngấm của tác động chính sách tiền tệ thắt chặt vừa qua, khiến rủi ro tài chính - tiền tệ còn ở mức cao, đầu tư, tiêu dùng phục hồi chậm. Thương mại toàn cầu năm 2024 dự báo vẫn tiếp tục bất định và có thể chỉ tăng 3,3-3,6% sau khi tăng nhẹ 0,8% năm 2023 (WTO, 12/2023). Đà phục hồi của hoạt động đầu tư FDI còn chậm (nhất là trong bối cảnh đa số các nước áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu 15%) và cầu tiêu dùng còn yếu (nhất là ở thị trường EU, Nhật Bản và Trung Quốc).

Theo đó, các tổ chức quốc tế như IMF, WB, OECD... đều hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 xuống thấp hơn so với năm 2023, tăng khoảng 2,4-2,9% (theo IMF 10/2023 và UN 1/2024), thấp hơn 0,1- 0,6 điểm % so với tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2023 (3%). Điểm tích cực là lãi suất sẽ giảm khi lạm phát toàn cầu tiếp tục giảm (xuống mức khoảng 3,5% từ mức 5,5% năm 2023), qua đó sẽ kích thích đầu tư và tiêu dùng tăng dần trở lại.

Đối với Việt Nam năm 2024, kinh tế vĩ mô trong nước dự báo sẽ đan xen cả thuận lợi và khó khăn, thách thức. Những thuận lợi, tích cực chính tiếp tục kéo dài từ năm 2023. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với 8 khó khăn, thách thức, gồm: rủi ro và thách thức từ bối cảnh quốc tế vẫn hiện hữu và kéo dài; các động lực tăng trưởng như xuất khẩu, tiêu dùng cuối cùng, sản xuất công nghiệp, đầu tư tư nhân,... phục hồi chậm, chất lượng tăng trưởng chưa cải thiện; hoạt động doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn; tín dụng tăng chậm; Thu ngân sách nhà nước sau 2 năm (2021-2022) tăng khá đã đảo chiều và giảm đáng kể trong năm 2023, chủ yếu là do ngoại thương giảm, doanh nghiệp còn khó khăn, làm thu hẹp dư địa chính sách tài khóa; Cơ cấu lại nền kinh tế và các doanh nghiệp yếu kém còn chậm; Thể chế cho các động lực tăng trưởng mới còn chậm ban hành trong khi thực thi công vụ chậm do tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm vẫn còn khá phổ biến; Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), bất động sản (BĐS) và vàng còn nhiều rủi ro.

Trong bối cảnh quốc tế và nội tại như nêu trên, với đà phục hồi và nỗ lực, quyết liệt hơn nữa của chính quyền, người dân và doanh nghiệp, dự báo kinh tế Việt Nam 2024 có thể đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2023. Trong đó, kịch bản cơ sở dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2024 có thể đạt 6-6,5%; kịch bản tích cực, GDP có thể tăng cao hơn 0,5-1% so với kịch bản cơ sở; và kịch bản tiêu cực dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 chỉ đạt khoảng 5-5,5%.

TS. Trần Đình Thiên: Nhân lực chất lượng cao và cải cách thể chế là mấu chốt

Năm 2024, nhìn chung tình hình thế giới vẫn còn nhiều khó khăn vì những điều kiện căn bản bảo đảm sự ổn định chưa rõ ràng như xung đột địa chính trị vẫn tiếp diễn, tính bất thường có xu hướng gia tăng, có thể khái quát ở một từ là tính bất toàn cao hơn. Có thể nói, chúng ta vẫn đang ở trong một thập niên ảm đạm, lãi suất cao, lạm phát cao và tiền khó, nền kinh tế thế giới thiếu những động lực tốt để có tăng trưởng. Một hy vọng cho kinh tế thế giới năm 2024 là thời đại công nghệ mới diễn ra mạnh hơn, nhưng cơ hội chưa thực rõ rệt.

Bối cảnh khu vực và thế giới tác động mạnh tới Việt Nam do nền kinh tế của chúng ta có độ mở lớn, dựa nhiều vào hệ thống ngân hàng, khiến tăng trưởng GDP năm 2024 cũng thiếu những thuận lợi cơ bản. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là thế giới khó khăn thì Việt Nam không có cơ hội, vẫn có những “cửa ngách” mà nếu tận dụng được cơ hội, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành “ốc đảo”, là điểm sáng để thu hút đầu tư, thương mại toàn cầu. Tia hy vọng này đã được nhen nhóm từ năm 2023 và cần được đẩy mạnh hơn nữa trong năm 2024.

Theo đó, năm 2024-2025 có rất nhiều vấn đề đặt ra với Việt Nam. Về tổng thể chúng ta đã trụ được trong khó khăn dù vẫn đang rất khó nhưng cơ hội phục hồi, bứt lên là rất lớn. Có thể ví nền kinh tế hiện tại như “con rắn lột da”, hoàn thành thời cơ thay đổi nhưng để cứng cáp được phải gồng lên, nỗ lực hơn nữa, còn nếu cứ để yếu đi là tự sát.

Khó khăn là vậy nhưng cũng có những điểm thuận lợi. Thứ nhất là chúng ta vẫn giữ được nhịp tăng trưởng. Dù chỗ này chỗ kia còn yếu nhưng nền kinh tế vẫn trụ được. Điều này rất quan trọng vì tạo được niềm tin, động lực hỗ trợ tăng trưởng.

Thứ 2 là năm 2023 đánh dấu bước chuyển trong thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Thể hiện thế giới chọn Việt Nam, dòng đầu tư nước ngoài tăng trưởng mạnh, các cân đối vĩ mô tiếp tục ổn định. Không chỉ tăng về quy mô, dòng đầu tư nước ngoài cũng được tái cấu trúc, lên tầm cao mới như chúng ta mong muốn là chọn lựa được nhà đầu tư, dự án tốt, công nghệ cao, xanh, hướng tới bền vững.

Thứ 3 là năm 2023, chúng ta đã làm khá tốt vấn đề hạ tầng giao thông. Đây sẽ là một trong những yếu tố quan trọng đẩy mạnh đầu tư tư nhân và thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, hạ tầng mềm như công nghệ, năng lực lao động của chúng ta còn yếu. Nếu không kịp thời đẩy mạnh trong một vài năm tới sẽ ảnh hưởng rất lớn tới môi trường đầu tư. Có thể nói đào tạo nhân lực là thách thức sống còn trong cuộc chiến khốc liệt để dành lợi thế thu hút dự án lớn, công nghệ cao.

Cuối cùng là hạ tầng thể chế. Chúng ta không thể mãi chỉnh sửa, cơi nới chính sách, quan trọng là thay đổi cách làm để cải cách thế chế thực sự hướng tới hỗ trợ doanh nghiệp, minh bạch và công khai. Đó là yêu cầu thiết yếu để hội nhập.

TS. Võ Trí Thành: Ưu tiên vào "cỗ xe tam mã"

Trong quý IV, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,72%, tăng tốc nhanh sau khi tăng 5,47% trong quý III và 4,25% trong quý II. Như vậy chứng tỏ nền kinh tế vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khả quan so với tiêu chuẩn khu vực và thế giới. Nhiều tổ chức quốc tế cũng đã dự báo trong năm 2024 Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng từ hơn 5,7 - 6,5%. Con số này chắc chắn được dựa trên cơ sở vững chắc là những phân tích kỹ lưỡng và chi tiết.

Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024, Chính phủ chỉ đạo tiếp tục ưu tiên vào “cỗ xe tam mã” - ba động lực tăng trưởng truyền thống là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu. Trong ba động lực nói trên, hiện xuất khẩu có xu hướng tăng trưởng chậm lại (do sức cầu thế giới giảm sút); trong đầu tư thì đầu tư tư nhân gần đây tăng trưởng rõ nét hơn, nhưng chưa đủ dẫn dắt, đầu tư công mặc dù được thúc đẩy nhưng vẫn cần có thời gian để lan tỏa. Theo đó, tiêu dùng nội địa đang là động lực quan trọng của năm 2024 và vẫn là “điểm nhấn” động lực tăng trưởng kinh tế chung trong trung và dài hạn.

Để hỗ trợ doanh nghiệp chinh phục thị trường nội địa, Chính phủ cần sát sao thúc đẩy hoạt động đầu tư công để hỗ trợ cho đầu ra; tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ sức mua của nền kinh tế thông qua chính sách tài khóa như giảm thuế, tăng lương cơ sở...; tiếp tục thực hiện các biện pháp cân đối cung - cầu, bình ổn thị trường góp phần kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội; triển khai kịp thời hiệu quả các biện pháp kích cầu, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa trong nước thông qua chương trình “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”; thúc đẩy liên kết vùng...

Để có thể chớp được vận hội kinh doanh năm 2024 cũng như trong trung và dài hạn, các doanh nghiệp cần tiếp cận để thu thập thông tin, nâng cao năng lực quản trị rủi ro và bắt nhịp với xu thế. Bên cạnh đó, cần tái cơ cấu, chuyển đổi nền kinh tế theo xu hướng mới: xu hướng xanh và chuyển đổi số. Đây sẽ là mũi tên trúng nhiều đích: vừa là “kim chỉ nam” để doanh nghiệp bước qua khó khăn, duy trì và phát triển ổn định; vừa là động lực để kích hoạt làn sóng đầu tư, tăng trưởng mới vào Việt Nam theo hướng đảm bảo chất lượng hơn.

Theo Đình Vũ/nhadautu.vn