Trong khó khăn, kinh tế Việt Nam xuất hiện nhiều điểm sáng tạo đà cho năm 2024

Nguồn: Tổng cục Thống kê. Đồ họa: Văn Chung

PV: Nền kinh tế trong nước vẫn chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế thế giới. Ông đánh giá như thế nào về tình hình hoạt động kinh tế của nước ta từ đầu năm đến nay?

TS. Vũ Tiến Lộc: Các số liệu được Tổng cục Thống kê công bố về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng của năm 2023 cũng như ý kiến phản ánh của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp này cho thấy nền kinh tế nước ta đang hết sức khó khăn. Các con số về tăng trưởng GDP, về phát triển doanh nghiệp đều ở mức rất thấp trong lịch sử.

Trong bối cảnh đó, nhiều chính sách hỗ trợ nền kinh tế của chúng ta đang trong giai đoạn thẩm thấu. Lãi suất mặc dù đã giảm sâu, nhưng năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế không cao, tăng trưởng tín dụng rất thấp. Đầu tư công - một trong những giải pháp kích cầu chủ lực trong suy giảm kinh tế, cũng được giải ngân với tốc độ rất chậm, mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương đã có rất nhiều nỗ lực.

TS. Vũ Tiến Lộc

Mặc dù vậy, trong bối cảnh khó khăn, nền kinh tế của chúng ta vẫn có nhiều điểm sáng. Việc bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô trong một thế giới đầy bất ổn là một thành quả đặc biệt quan trọng.

PV: Xin ông phân tích rõ hơn về những điểm sáng đã và đang giúp nền kinh tế nước ta phục hồi. Với đà phục hồi này thì mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% như Quốc hội đề ra liệu có khả thi, khi thời gian còn lại của năm 2023 là không nhiều?

TS. Vũ Tiến Lộc: Điểm đáng chú ý là động thái tích cực đối với nền kinh tế lúc này là lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Tỷ giá tương đối ổn định, bất chấp các sức ép từ bên ngoài đang gia tăng.

Số liệu của Tổng cục Thống kê đã chỉ ra khá rõ, tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2023 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 10 tháng tăng 3,2% so với cùng kỳ. Thị trường tiền tệ, tỷ giá cơ bản ổn định; mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm; bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng.

Bên cạnh đó, tôi ấn tượng với kết quả thu ngân sách nhà nước 10 tháng ước đạt 86,3% dự toán năm. Nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát tốt. Đây là những chỉ số cơ bản để cho thấy nền kinh tế nước ta phục hồi vững chắc, kinh tế vĩ mô từng bước lấy lại thế bình ổn.

Ngoài ra, cũng cần kể đến điểm sáng là khu vực công nghiệp cũng dường như đã đảo ngược được xu hướng suy giảm hồi đầu năm và đang từng bước phục hồi. Tốc độ sụt giảm của xuất khẩu cũng đang chậm dần. Đầu tư nước ngoài đang có những tín hiệu tích cực. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tháng 10 tăng 4,1% so với tháng 9 và tăng 5,6% so với cùng kỳ. Cán cân thương mại hàng hóa tháng 10 xuất siêu ước đạt 3 tỷ USD, tính chung 10 tháng ước xuất siêu 24,61 tỷ USD.

Các xu hướng này cho phép chúng ta hy vọng tốc độ tăng trưởng GDP sẽ đạt mức mục tiêu mà chính phủ đề ra. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này còn rất nhiều việc phải làm.

Dù kinh tế Việt Nam còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, nhưng vẫn xuất hiện nhiều điểm sáng, tạo đà cho năm 2024. Ảnh: TL

PV: Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, các chính sách tài khóa, tiền tệ bước đầu đã phát huy tác dụng. Tuy nhiên việc tiếp cận các ưu đãi này của doanh nghiệp còn gặp khó khăn, cần khơi thông nguồn lực này, tạo đà cho sự phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm 2024. Ông bình luận ra sao về nhận định này và đâu là giải pháp?

TS. Vũ Tiến Lộc: Chính sách tài khóa, tiền tệ thời gian qua, theo tôi là đã đóng góp một vai trò quan trọng hỗ trợ tích cực cho sự phục hồi của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Đặc biệt là, chính sách tài khóa thời gian qua thể hiện qua việc giảm thuế, phí. Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã phát huy được tác dụng, đem lại kết quả rất tốt trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp cũng như hỗ trợ an sinh xã hội cho người dân.

Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta còn nhiều khó khăn, thách thức đang phải đối mặt, có những điểm nghẽn cần khơi thông. Để phục hồi và phát triển nền kinh tế thì nguồn lực tài chính là quan trọng. Nhưng điều còn quan trọng hơn đó là thể chế. Thể chế tốt có thể khai thông nguồn lực và giúp "tiền đẻ ra tiền".

Vấn đề quan trọng nhất trong bối cảnh hiện nay vẫn là phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, khắc phục cho được những quy định pháp lý chồng chéo, bất cập, gây rủi ro cho người thực hiện. Tôi cho rằng, Chính phủ và các bộ, ngành đã nhìn ra hạn chế này.

Vì vậy từ nay đến hết năm 2023 và trong năm 2024, các bộ, ngành cần thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ trong việc tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác; quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.

PV: Xin cảm ơn ông!

Quan tâm giải quyết tình trạng “có tiền mà không tiêu được”

TS. Vũ Tiến Lộc cho hay, cần quan tâm, nghiên cứu và sớm có giải pháp giải quyết chính là tình trạng “có tiền mà không tiêu được”.

Trong đó, cần đặt ra các giới hạn về tần suất, phạm vi của các cuộc thanh tra, kiểm tra để các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp có thể yên tâm tập trung nỗ lực để giải ngân các gói hỗ trợ, phục hồi kinh tế. Triển khai thiết thực, tận tâm các biện pháp bảo vệ cán bộ và cả các doanh nhân dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.

Song Linh (thực hiện)

Song Linh