'Trừ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, các lĩnh vực dịch vụ khác đang là tử huyệt của nền kinh tế'

Ông Vũ Tiến Lộc

Phát biểu tại Quốc hội, ông Vũ Tiến Lộc đánh giá tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm của Việt Nam dù chưa được như kỳ vọng, song so với khu vực đã là một mức khá cao. Tuy vậy, nhìn vào những con số của tăng trưởng 6 tháng, có thể thấy một sự phân hóa rất lớn trong sự phát triển của các khu vực kinh tế.

Trong khi khu vực kinh tế đối ngoại phục hồi rất mạnh mẽ với tổng kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao, đến hơn 30% so với năm ngoái, thì khu vực kinh tế trong nước lại rơi vào tình trạng trầm lắng do sức mua rất yếu.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm nay gần như dậm chân tại chỗ so với cùng kỳ 2 năm trước. Tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ chỉ tương đương tốc độ tăng trưởng thấp của khu vực nông, lâm, ngư nghiệp.

“Xưa nay, nông, lâm, ngư nghiệp bao giờ cũng có tốc độ tăng trưởng thấp nhất và dịch vụ bao giờ cũng là khu vực có tốc độ tăng trưởng cao nhất. Nhưng 6 tháng đầu năm nay, tốc độ 2 khu vực này là tương đương. Tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ kém xa, chưa bằng một nửa so với tốc độ tăng trưởng của khu vực công nghiệp, xây dựng.

“Đây là những tín hiệu rất đáng lo ngại, nhất là khi chúng ta vẫn kỳ vọng vào sự tăng trưởng của dịch vụ, xem nó như là ngôi sao hy vọng của nền kinh tế Việt Nam”, ông Lộc nêu vấn đề.

Nói sâu về khu vực dịch vụ, ông Lộc nhìn nhận: ngoài mảng dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm thì các mảng khác thực sự đang là những tử huyệt của nền kinh tế.

Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch hàng không, nhà hàng, khách sạn, vận tải đang chết dần, chết mòn. Nhiều doanh nghiệp trong khu vực này có nguy cơ không có khả năng vực dậy sau đại dịch, nếu như Chính phủ không có những biện pháp để hỗ trợ thiết thực và mạnh mẽ.

Ông Lộc cho rằng trong thời gian qua, Chính phủ cũng có một số biện pháp, nhưng thực sự cũng chưa đi vào cuộc sống bao nhiêu.

Điểm lại các biện pháp, ông Lộc đồng ý với chiến lược đẩy mạnh tiêm chủng vắc xin, đặc biệt là ở các khu vực là động lực tăng trưởng của nền kinh tế, để có thể vừa bảo vệ được sinh mạng cho dân lại vừa duy trì sản xuất kinh doanh.

Chiến lược thứ hai là chuẩn bị những điều kiện và lộ trình để mở cửa lại nền kinh tế, tương ứng với tỷ lệ tiêm chủng vắc xin của người dân.

Thứ ba là giải ngân 100% vốn đầu tư trong năm nay, cắt giảm thu hồi của các bộ, các địa phương làm chưa tốt, để bổ sung cho các cơ quan trung ương và địa phương có tốc độ giải ngân tốt.

Trong bối cảnh chính sách tiền tệ không còn nhiều dư địa, trong việc chống lạm phát trong tương lai, ông Lộc đánh giá rất cao việc Ngân hàng Nhà nước đã thống nhất với các ngân hàng thương mại trong việc cắt giảm lãi suất. Gói hỗ trợ 26.000 tỷ được Chính phủ ban hành cũng được đánh giá khá tốt, khi cắt giảm được các thủ tục hành chính và có khả năng đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Về chính sách tài khóa, ông Lộc đánh giá các biện pháp của Bộ Tài chính, Quốc hội cũng rất đáng được hoan nghênh.

Ông cũng cho rằng thời điểm hiện nay, khi doanh thu của các doanh nghiệp không nhiều thì hỗ trợ của nhà nước sẽ có hiệu quả hơn nếu nhà nước tăng chi tiêu, đặc biệt là chi tiêu cho các đối tượng yếu thế. Trong trường hợp này, việc tăng chi tiêu vừa tăng kích thích được tiêu dùng, vừa giải quyết được vấn đề xã hội. Đây là mũi tên trúng 2 đích.

Trong lĩnh vực dịch vụ, ông Lộc nhìn nhận: trợ giúp là một việc, tài chính là một việc nhưng những biện pháp căn cơ là phải áp dụng hộ chiếu vắc xin càng sớm càng tốt.

Hộ chiếu vắc xin không chỉ hiểu là hộ chiếu vắc xin cho khách du lịch quốc tế mà còn là cho toàn dân Việt Nam. Khi nước ta có được tỷ lệ cao dân cư tiêm đủ 2 mũi vắc xin thì điều đó sẽ là động lực quan trọng nhất để nền kinh tế có thể quay trở lại phục hồi.

Trong các biện pháp cải cách thể chế, ông Lộc hoan nghênh việc Chính phủ đã tập trung rà xét những bất hợp lý, chồng chéo để kiến nghị với Quốc hội và sửa đổi. Ông cũng đặc biệt đánh giá cao việc Chính phủ thành lập các tổ công tác đặc biệt để có thể hỗ trợ cho các dự án thúc đẩy triển khai.

“Chúng tôi đề nghị không chỉ các dự án đầu tư công, không chỉ các dự án FDI mà các dự án của tư nhân hiện nay đang gặp trở ngại về thủ tục, Chính phủ cũng phải hỗ trợ để họ để đẩy nhanh việc giải quyết các thủ tục, đưa nhanh các dự án vào sản xuất, kinh doanh. Đó là biện pháp rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng trong những tháng tới”, ông nói.

Lê Nguyễn