Từ khóa nào cho năm 2024?

Một thế giới ngày càng… VUCA

VUCA (Volatility, Uncertainty, Complexity, and Ambiguity) là một thuật ngữ nhằm đề cập đến hiện tượng có nhiều biến động, sự không chắc chắn, phức tạp, và không rõ ràng của thế giới ngày nay. Đại dịch Covid-19; cuộc chiến -Ukraine; xung đột ở dải Gaza, ở châu Phi; thảm họa thiên nhiên; lạm phát; căng thẳng giữa các nền kinh tế lớn (Mỹ – Trung Quốc)… tạo ra sự phân cực, các nền kinh tế tăng trưởng chậm lại và bế tắc trong việc tìm ra mô hình tăng trưởng mới, xu hướng dân túy và cực hữu… là những nguyên nhân chính tạo ra VUCA.

Mới đây, trang Project-Syndicate đã chia sẻ dự báo năm 2024 của một số nhà bình luận cộng tác thường xuyên. Trong số đó, nổi bật là vấn đề chiến tranh, xung đột địa chính trị.

Cuộc chiến Nga – Ukraine còn tiếp diễn và tình hình chiến sự sẽ ảnh hưởng đến kết quả bầu cử ở Mỹ và châu Âu, rồi kết quả bầu cử ảnh hưởng ngược lại cuộc chiến. Trong khi phương Tây còn có sự không chắc chắn trong kết quả bầu cử thì đối với Nga, việc ông Putin tiếp tục lãnh đạo gần như chắc chắn, và sẽ đòi hỏi những nhượng bộ lớn nếu muốn có những thỏa thuận quan trọng.

Bên cạnh đó, xung đột ở ải Gaza và vấn đề Đài Loan cũng là một nguy cơ bất ổn toàn cầu. Riêng với Trung Quốc, tình hình kinh tế trong nước khó khăn hơn sẽ khiến cho lãnh đạo nước này cứng rắn hơn trong các vấn đề quốc tế, nhất là kết quả không như mong đợi của sáng kiến Vành đai và Con đường.

Về kinh tế, năm 2024 được dự báo không mấy lạc quan với cả thế giới, đặc biệt là với các nền kinh tế lớn. Nhiều tổ chức quốc tế có ảnh hưởng về kinh tế đều đưa ra nhận định năm 2024 tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ thấp hơn năm 2023. Theo tổ chức OECD, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 ước tính là 2,7%, con số này không lệch nhiều so với dự báo của IMF hồi tháng 10-2023 là 2,9%. Trong khi đó, tổ chức The Conference Board dự báo kinh tế thế giới tăng trưởng 2,6% trong năm 2024, giảm từ mức 3,2% của năm 2023.

Hai nền kinh tế có ảnh hưởng nhiều đến cả thế giới là Mỹ và Trung Quốc đều được dự báo là gặp nhiều khó khăn hơn trong năm 2024. Riêng Mỹ thì kịch bản lạc quan nhất là hạ cánh mềm nhưng khả năng khủng hoảng vẫn còn đó. Trong khi đó, Trung Quốc cũng phải đương đầu với nhiều vấn đề như thị trường bất động sản, thị trường việc làm cho giới trẻ, thay đổi việc điều hành chính sách tiền tệ và tài khóa theo hướng linh động và chủ động.

Không những thế, những căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc cũng là một nguồn rủi ro cho kinh tế thế giới: thương mại toàn cầu đã giảm 8% trong năm 2023 và sự phân mảnh của kinh tế thế giới có thể gây tổn thất từ 2,5-7% GDP thế giới. Các chính sách công nghiệp ở Mỹ và châu Âu tiếp tục dịch chuyển sẽ dẫn đến những hậu quả sâu rộng cho thương mại toàn cầu và đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Từ khóa hành động cho năm 2024: Awareness, Adapt, Agile

Trong bối cảnh tình hình kinh tế – chính trị – xã hội có chiều hướng xấu đi và nhiều nguy cơ tạo ra những bất ổn lớn trong năm 2024 thì một sự chuẩn bị với tâm thế thận trọng là điều rất nên làm cho mỗi cá nhân, doanh nghiệp, và cả chính phủ.

Từ khóa đầu tiên theo người viết, là Awareness (Nhận thức). Hơn lúc nào hết, những lúc có nhiều bất ổn thì chúng ta nên kích hoạt nhiều nhất có thể các đầu mối tiếp nhận thông tin của mình. Có được nhiều nguồn thông tin nhưng đi kèm với đó phải có khả năng sàng lọc, xử lý, để biến các thông tin thành những tín hiệu hữu ích. Sự nhận thức các nguy cơ cần đi cùng với việc ước lượng được khả năng xảy ra cũng như mức độ nghiêm trọng của nó. Và cũng quan trọng không kém là nhận thức được những cơ hội trong các mối nguy. Trong môi trường kinh doanh, đầu tư, lịch sử đã cho thấy nhiều cơ hội lớn xuất hiện khi thị trường rơi vào trạng thái kiệt quệ.

Nhận thức, còn là việc chú ý để tìm ra điểm cân bằng, điểm dừng, từ đó hướng đến sự hài hòa giữa các mục tiêu. Với một cá nhân có thể là sức khỏe, gia đình, tài chính, các mối quan hệ xã hội. Với một doanh nghiệp có thể là lợi nhuận, sự hài lòng của nhân viên, đóng góp cho xã hội. Và với chính phủ có thể là tăng trưởng và chất lượng tăng trưởng, chất lượng cuộc sống của người dân.

Từ khóa thứ hai là Adapt (Thích ứng). Với những thay đổi nhanh chóng của tình hình kinh tế – chính trị – xã hội thì thích ứng là một đòi hỏi khá quan trọng. Mà muốn thích ứng được thì cần có sự chuẩn bị cho nhiều kịch bản, nhiều tình huống khác nhau. Cấu trúc và đặc điểm của các chủ thể cũng cần có sự linh hoạt, sẵn sàng cho sự thay đổi. Lấy ví dụ như một doanh nghiệp, nếu tình hình xuất khẩu đi một thị trường nào đó bị khó khăn thì sẽ bù đắp lại bằng cách nào? Hay điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh sao cho thiệt hại là ít nhất?

Từ khóa thứ ba là Agile (Nhanh nhẹn). Cùng với hai từ khóa ở trên – nhận thức được vấn đề, thích ứng với vấn đề, thì cần có thêm sự nhanh nhẹn trong nhận thức và thích ứng. Các chu kỳ, vòng đời hay diễn biến của một sự kiện ngày càng có xu hướng diễn ra nhanh. Một sự kiện lớn xảy ra nhưng cũng rất nhanh bị trôi qua vì có một sự kiện khác thu hút hơn, mà chúng ta hay gọi là “trend”. Lấy ví dụ như một mô hình kinh doanh du nhập vào Việt Nam, bỗng nhiên nổi lên thì cũng có nhiều khả năng chìm xuống chỉ sau một thời gian ngắn. Trong bối cảnh có nhiều biến động thì sự nhanh nhẹn có thể mang lại nhiều cơ hội, khi thoát khỏi nguy cơ sớm và chớp lấy cơ hội sớm.

Năm 2024 đã bắt đầu. Chúng ta đã chính thức bước vào một năm được cho là có nhiều bất ổn cũng như sự bất ngờ. Những chuyện ngoài khả năng kiểm soát của chúng ta thì chúng ta chỉ có cách nhận thức sự tồn tại của nó cũng như khả năng xảy ra, có sự chuẩn bị để thích ứng, và hành động một cách nhanh nhẹn. Cầu mong cho chúng ta chân cứng đá mềm.

TS. Võ Đình Trí