Ukraine 'thúc' tịch thu hết tài sản Nga bị phong tỏa cũng không đủ tái thiết, nhưng 'vũ khí tài chính' không phải thứ dễ đùa

Theo chương trình RDNA3 cập nhật, tổng chi phí tái thiết và phục hồi của Ukraine đã lên tới 486,2 tỷ USD, vào cuối năm 2023. (Nguồn: AFP)

Tuyên bố do Thứ trưởng Tư pháp Iryna Mudra đưa ra nêu rõ: “Theo chương trình Đánh giá nhu cầu và thiệt hại nhanh lần thứ ba, chi phí cho các nỗ lực tái thiết Ukraine sau xung đột quân sự với Nga ước tính khoảng 486,2 tỷ USD vào cuối năm 2023".

"Do vậy, hơn 300 tỷ USD tài sản có chủ quyền của đã bị đóng băng trên toàn cầu vẫn còn ít hơn nhiều so với số tiền mà chúng tôi cần cho mục đích phục hồi”, bà Mudra so sánh.

Quan chức tư pháp Ukraine cho rằng, không công bằng khi đặt gánh nặng tái thiết và cam kết hỗ trợ lên người dân và các đối tác quốc tế của họ, trong khi tài sản bị phong tỏa của Nga vẫn còn nguyên trong tài khoản ngân hàng.

Bà Iryna Mudra đưa ra quan điểm rằng, “theo các chuẩn mực được công nhận chung của luật pháp quốc tế, một quốc gia gây thiệt hại cho một quốc gia khác, đặc biệt là về mặt tài chính, sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm”.

Theo quan chức Ukraine, việc tịch thu tài sản Nga bị phong tỏa sẽ thể hiện quyết tâm của cộng đồng thế giới không chỉ ủng hộ Kiev mà còn để bảo vệ trật tự thế giới. Đồng thời, giống như phát biểu của Tổng thống Volodymyr Zelensky về nguồn lực tài chính cho Ukraine, tiếp tục gây sức ép lên Quốc hội Mỹ, rằng Kiev sẽ thua nếu Washington không hành động - đề cập gói viện trợ bổ sung trị giá 60 tỷ USD vẫn chưa được cơ quan lập pháp nền kinh tế số 1 thế giới thông qua.

Bà Mudra khẳng định, việc chuyển tài sản bị phong tỏa của Nga sang Kiev là rất quan trọng vì điều này chủ yếu liên quan đến sự tồn tại của Ukraine với tư cách là một nhà nước.

Trước đó, ngày 7/4, AFP đưa tin, phát biểu tại hội nghị truyền hình do nền tảng gây quỹ United24 có trụ sở tại Kiev tổ chức, Tổng thống Zelensky cảnh báo: “Cần phải nói cụ thể rằng, nếu Quốc hội (Mỹ) không giúp đỡ, Ukraine sẽ thua”.

Về phía , Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell từng đề xuất sử dụng thu nhập có được từ tài sản Nga vốn đang bị phong tỏa phần lớn tại EU vì lợi ích của Kiev.

Nếu các nước EU ủng hộ đề xuất này, toàn bộ số tiền thu nhập đó sẽ được chuyển vào ngân sách EU và chuyển đến Ukraine: 90% cho nhu cầu quân sự và 10% khác - cho các chương trình tái thiết đất nước và phát triển ngành công nghiệp quốc phòng đất nước Đông Âu.

Ông Borrell cho biết, tổng số tài sản có chủ quyền của Ngân hàng trung ương Nga, vốn bị phong tỏa ở các khu vực pháp lý phương Tây, có thể lên tới 350 tỷ USD.

Tuy nhiên, đến nay, câu hỏi "có nên giao tài sản Nga bị phong tỏa cho Ukraine?" vẫn gặp nhiều ý kiến trái chiều.

Những lời kêu gọi sử dụng khoản tiền nói trên để tài trợ cho nỗ lực quân sự và tái thiết của Ukraine có vẻ đang gia tăng, khi việc huy động nguồn tài chính cho Kiev của các chính phủ đồng minh phương Tây ngày càng khó khăn. Thực tế là, EU đã phải vật lộn để đạt được thỏa thuận viện trợ trị giá 50 tỷ Euro (54 tỷ USD) vào tháng 2 năm nay. Còn Mỹ vẫn đang bế tắc về gói tài trợ trị giá 60 tỷ USD.

Washington hiện “nóng lòng” muốn thực hiện một bước đi táo bạo hơn nữa là tịch thu tài sản của Nga và chuyển giao cho Ukraine. Lập luận của họ rất đơn giản, Moscow phải bồi thường cho Kiev vì cuộc xung đột quân sự.

Nhưng ngay cả khi Mỹ - với sự hỗ trợ của EU và Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) - cố gắng đưa ra được một lập luận pháp lý hợp lý để tịch thu nguồn dự trữ của Nga, thì vẫn chưa rõ đây có phải là động thái đúng đắn hay không?

Trên thực tế, việc tịch thu tài sản của Moscow sẽ là một bước leo thang đáng kể, không chỉ gây nguy hiểm cho sự thống trị của phương Tây trong hệ thống tài chính tiền tệ quốc tế, mà còn thiết lập một tiền lệ nguy hiểm trong luật pháp quốc tế.

Các chuyên gia cho biết, các biện pháp trừng phạt tài chính là “vũ khí” ảnh hưởng đến chủ quyền tiền tệ đối ngoại của một quốc gia và khả năng quản lý tiền tệ, dự trữ và hệ thống thanh toán của quốc gia đó. Giống như bất kỳ vũ khí mạnh mẽ nào khác, "không thể mang ra để đùa", chúng cần được triển khai theo các nguyên tắc pháp lý quốc tế và quản trị rõ ràng. Một khuôn khổ đa phương chi phối việc sử dụng các biện pháp trừng phạt có thể giúp đảm bảo với các quốc gia rằng, tài sản của họ sẽ không dễ dàng bị tịch thu vì những lý do hời hợt.

Nói về vấn đề này, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov mới đây cho biết, Moscow sẽ "truy tố trong nhiều thập niên" những người liên quan, nếu EU chuyển tài sản Nga bị đóng băng cho Ukraine.

Ông Peskov nói: "Châu Âu nhận thức rõ thiệt hại từ những quyết định như vậy đối với nền kinh tế, hình ảnh và danh tiếng của họ, khi họ vốn được xem là những người đảm bảo đáng tin cậy về quyền bất khả xâm phạm tài sản".

Bình luận trên của quan chức Nga được đưa ra ngay sau khi Đại diện cấp cao EU Josep Borrell đề xuất sử dụng 90% doanh thu từ tài sản đóng băng của Nga ở châu Âu để mua vũ khí cho Ukraine, thông qua quỹ Cơ chế hòa bình châu Âu (EPF).

Ông Peskov khẳng định, tuyên bố của ông Borrell tương đồng với hành động "hủy hoại" cơ sở pháp lý của luật pháp châu Âu và quốc tế.

(theo Ukrinform, SCMP)

Minh Anh