Việt Nam trong cuộc chơi công nghệ số toàn cầu…

Chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số có thể tạo ra tiềm năng to lớn để cải cách toàn bộ hoạt động của bộ máy hành chính.Ảnh: THÀNH HOA

Công nghệ số là động lực tăng trưởng mới

KTSG: Đầu năm ai cũng muốn có câu chuyện mới với tinh thần mới, nhưng cải cách thể chế dường như lại là câu chuyện cũ, gợi nhiều trăn trở và lo lắng. Vậy có thể bắt đầu bằng chuyện gì vui?

– Ông Nguyễn Quang Đồng: Trong năm rồi, khi đi công tác ở Bà Rịa – ũng Tàu, tôi được biết tỉnh chuẩn bị thực hiện cấp, đổi bằng lái xe cho người dân Côn Đảo hoàn toàn qua đường trực tuyến. Trước đây, người dân đổi bằng lái xe máy thôi cũng phải đi tàu 5-6 giờ đồng hồ từ Côn Đảo vào Vũng Tàu, rồi mất ngần ấy thời gian để đi về. Chi phí đi lại, chi phí thời gian quả thật rất tốn kém cho người dân. Như vậy, với nỗ lực cải cách của chính quyền Bà Rịa – Vũng Tàu, người dân sẽ được hưởng lợi rất lớn.

Nhìn rộng ra, nếu Quảng Ngãi, Quảng Nam, Kiên Giang… làm tương tự, thì bà con Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Phú Quốc cũng hưởng lợi lớn. Và hải đảo làm được thì bà con ở vùng núi xa xôi cũng có thể được trải nghiệm tương tự. Quan trọng hơn, nó cho thấy tiềm năng của cung cấp dịch vụ thủ tục hành chính, giấy tờ phi địa giới hành chính. Tức là người dân, doanh nghiệp không còn bị giới hạn bởi sổ hộ khẩu, bởi thường trú, tạm trú, bởi đăng ký kinh doanh… ở đâu nữa, mà có thể làm ở bất kỳ nơi nào thuận tiện nhất, phục vụ họ tốt nhất. Nếu biết thiết kế “khéo léo”, điều đó cũng tạo ra một động lực cạnh tranh cực kỳ lớn trong nội bộ bộ máy hành chính: biến thủ tục hành chính thành dịch vụ và mỗi cơ quan công quyền là một điểm cung cấp phải cạnh tranh lẫn nhau bằng chất lượng, sự thuận tiện, thái độ phục vụ.

Cũng trong năm qua, nhóm nghiên cứu của IPS đi nhiều tỉnh, và có những nơi như Quảng Ninh chẳng hạn, khá vắng bóng người dân đến Trung tâm hành chính công của tỉnh để làm các thủ tục hành chính. Tòa nhà rộng rãi và khang trang này thưa vắng là điều đáng mừng, bởi người dân có thể làm trực tuyến thì không cần đến đó nữa. Chỉ tính riêng ngân sách, nếu xu thế này được mở rộng thì tiết kiệm được rất nhiều tiền xây các trung tâm để phục vụ dịch vụ hành chính và chi phí vận hành các điểm dịch vụ như vậy.

KTSG: Nếu những câu chuyện vui như trên lan tỏa thì lợi ích thật lớn lao cho người dân, cho nền kinh tế lẫn “túi tiền” của Nhà nước. Theo ông, điều gì giúp Bà Rịa – Vũng Tàu, Quảng Ninh làm được như vậy?

– Cải cách thể chế không cần những gì to tát, xa xôi và làm được điều đó trước hết nhờ một “nguồn lực” mới là công nghệ số. Người dân có điện thoại thông minh và chính quyền có các nền tảng, phần mềm công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu hành chính dùng chung… – tức là công cụ làm việc mới, cho phép cung cấp từ xa các dịch vụ. Công nghệ số, hay như cách nói của chính quyền là chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, có thể tạo ra tiềm năng to lớn để cải cách toàn bộ hoạt động của bộ máy hành chính.

Giấy tờ hành chính chỉ là ví dụ nhỏ. Chúng ta đã thấy công nghệ số – từ điện thoại thông minh, mua sắm trực tuyến, thanh toán trực tuyến, giải trí, rồi trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ công việc hàng ngày… tạo ra thay đổi lớn lao như thế nào trong đời sống kinh tế, xã hội. Và đương nhiên, cho công việc của chính quyền cũng vậy. Ứng dụng công nghệ số có thể giúp quản trị tốt hơn, lãnh đạo có thể điều hành và ra quyết định nhanh nhạy, chính xác hơn dựa trên dữ liệu…

Như vậy công nghệ số cung cấp một nguồn lực mới, tài nguyên mới; điều kiện đủ còn lại để tận dụng nó là từ phía chính quyền. Sửa quy định – “định danh” công dân gắn với địa giới hành chính, phương pháp quản lý hành chính hàng ngàn năm nay trước khi Internet ra đời – chính là “cải cách thể chế” đối với hoạt động của cơ quan nhà nước.

KTSG: Nhưng lợi ích của công nghệ số không giới hạn trong cải cách hệ thống hành chính, cải cách hoạt động của khu vực công. Nhìn toàn diện hơn, công nghệ mang lại cho Việt Nam cơ hội giải quyết những bài toán lớn nào trong tiến trình phát triển đất nước?

– Trong hơn năm năm gần đây, cá nhân tôi và IPS đã trực tiếp trải nghiệm, đã chứng kiến tiềm năng công nghệ số mang lại. Chúng tôi cho rằng, với mục tiêu năm 2045 đưa Việt Nam thành nước phát triển, thu nhập cao và là cường quốc tầm trung thì công nghệ số, AI cần được biến thành động lực tăng trưởng mới. Lợi ích lớn nhất là giải quyết bài toán năng suất cho nền kinh tế, trọng tâm trên hai khía cạnh chính: năng suất lao động và tính hiệu quả, hiệu suất của các ngành kinh tế hiện hữu.

Thêm vào đó, nếu có chiến lược ứng dụng phù hợp, công nghệ số cũng là chìa khóa đóng góp vào việc giải quyết ba thách thức chiến lược lớn nhất của Việt Nam trong hai thập niên tới, đó là quản trị tiến trình đô thị hóa, vấn đề già hóa dân số và ứng phó với biến đổi khí hậu.

“Tự chủ chiến lược” cần được hiểu theo nội hàm mới

KTSG: Nhìn tổng thể, Việt Nam đã đạt những thành tựu lớn lao trong phát triển, từ nước nghèo đã vươn lên thành nước có thu nhập trung bình. Dù vậy, có thể nói tiềm lực trong giai đoạn trước dường như chưa phát huy được tối ưu để phục vụ cho phát triển và bẫy thu nhập trung bình vẫn là nỗi lo thường trực. Khi ông liên tục nhắc đến tiềm năng của công nghệ số, của AI, nhưng ám ảnh về quá khứ còn đó, liệu chúng ta có bỏ lỡ chuyến tàu này không?

– Nỗi lo này là có căn cứ! Bởi những khả năng công nghệ số mang lại dù đầy hứa hẹn nhưng hiện thực hóa được tiềm năng đó hay không lại nằm ở phía người sử dụng. Đất nước có tận dụng được “nguồn lực” từ cơ hội này để hiện thực hóa mục tiêu Việt Nam phát triển vào năm 2045 hay không, phụ thuộc vào tầm nhìn, cách tiếp cận và chiến lược cụ thể.

Về tầm nhìn, nên nhìn Việt Nam số 2045 với hai trọng tâm chính: coi kinh tế số là động lực tăng trưởng mới và coi công nghệ số như chìa khóa để giải quyết ba bài toán lớn là đô thị hóa, già hóa dân số, và biến đổi khí hậu.

Về tiếp cận, cần thực tế và tỉnh táo để nhìn nhận bối cảnh và cuộc chơi toàn cầu. Cần thẳng thắn nhìn nhận, về mặt công nghệ, nền tảng của Việt Nam vẫn còn “mỏng”, chưa đủ năng lực để nghiên cứu và phát triển công nghệ lõi, ví dụ trong lĩnh vực công nghệ cao như ngành bán dẫn, AI.

Điểm cốt lõi này có nhiều hàm ý. Thứ nhất, chiến lược phát triển cần lấy trọng tâm là hợp tác với các nước dẫn đầu về mặt công nghệ. Để làm được điều đó, về mặt thị trường, cần tích cực tạo môi trường kinh doanh tốt để mời gọi các đối tác công nghệ hàng đầu đến Việt Nam kinh doanh; đồng thời từng bước đưa doanh nghiệp trong nước tham gia vào các mắt xích phù hợp trên chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị thị trường công nghệ toàn cầu. Về mặt ngoại giao, chiến lược hợp tác nhằm giúp đảm bảo an ninh chiến lược trên hai khía cạnh chính. Một là, bảo đảm an ninh chiến lược cho hạ tầng số; cho việc tiếp cận thị trường thiết bị công nghệ cao trọng yếu. Hai là, quan hệ ngoại giao tốt, tạo dựng được niềm tin chiến lược thì mới có thể tham gia vào chuỗi cung ứng công nghệ, từ đó mới nói đến chuyện thuận lợi trong chuyển giao công nghệ. Không ở trong các chuỗi cung ứng công nghệ thì không trông mong được gì trong học hỏi, tiếp nhận công nghệ.

KTSG: Điều này có mâu thuẫn với yêu cầu “tự chủ chiến lược” không, thưa ông?

– Trong một thế giới kết nối, phụ thuộc lẫn nhau sâu sắc, “tự chủ chiến lược” không có nghĩa là tồn tại riêng rẽ một mình mà vẫn an toàn. Ngay cả một siêu cường như Mỹ, trong ngành then chốt là công nghiệp bán dẫn, Mỹ cũng không tự chủ theo nghĩa “sản xuất ở Mỹ – Make in America”. Trong chuỗi cung ứng toàn cầu đó, chỉ một khâu là ở Mỹ; khâu khác làm ở Anh, Hà Lan, Nhật Bản, Đài Loan. Do đó, cách hiểu, cách tiếp cận “Make in Việt Nam” trong riêng ngành công nghệ cao, dù là mong muốn của nhiều người nhưng thực ra hoàn toàn không phù hợp với bối cảnh và cấu trúc vận hành thị trường công nghệ toàn cầu.

“Tự chủ chiến lược” cần được hiểu theo nội hàm mới: đó là làm bạn, làm đối tác đáng tin cậy với các đối tác công nghệ chính yếu để trong mọi tình huống đều được bảo vệ và hỗ trợ bởi mạng lưới đối tác tin cậy, gắn bó chặt chẽ với nhau về lợi ích chiến lược. Ví dụ trong ngành bán dẫn, để đáp ứng yêu cầu “tự chủ chiến lược”, nghĩa là phải làm sao chen chân thật chắc chắn vào một khâu trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Thay vì mơ mộng làm chip xử lý tiên tiến “Make in Vietnam” thì thực tế hơn và lợi ích chiến lược hơn là tham gia vào một khâu, dù chỉ đơn giản là đóng gói.

Thay đổi cách tư duy và tiếp cận để tận dụng “đường”, “chợ” đi ra thị trường toàn cầu

KTSG: Các khuyến nghị chính sách gần đây của IPS về phát triển hạ tầng số quốc gia cũng nhấn mạnh hợp tác chiến lược với đối tác toàn cầu. Ở đây có mâu thuẫn về lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam không?

– Hạ tầng số – chiến lược nhất là hạ tầng kết nối Internet và hạ tầng điện toán đám mây. Nếu chỉ đơn giản là nhìn 80% thị phần điện toán đám mây bị chiếm lĩnh bởi doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là doanh nghiệp Mỹ, trong khi nhu cầu trong nước, theo đó là doanh thu và lợi nhuận của thị trường này đang tăng trưởng nhanh chóng, thì chắc có nhiều người sốt ruột, mong muốn doanh nghiệp Việt Nam tự chủ, nhanh chóng phát triển và chiếm lĩnh lại thị phần.

Nhưng muốn là một chuyện, năng lực công nghệ, năng lực kinh doanh của doanh nghiệp trong nước lại là chuyện khác. Các doanh nghiệp Mỹ đã đi trước trong khoảng thời gian tính bằng vài thập kỷ về mặt công nghệ. Họ lại có lợi thế quy mô thị trường khi cung cấp dịch vụ cho toàn cầu. Do đó, tâm lý nóng vội, đi tắt đón đầu, muốn “Make in Việt Nam” kéo theo các giải pháp hành chính như dựng rào cản thị trường, hạn chế cạnh tranh sẽ tạo ra một loạt hệ lụy.

Điện toán đám mây là hạ tầng, tức là “đường sá” của chợ công nghệ toàn cầu. Việt Nam không cần làm đường nữa, ngược lại chỉ việc tận dụng “con đường” có sẵn để đi. Các doanh nghiệp game như Mavis chẳng hạn, không cần làm đường riêng; hoặc chờ đường của Việt Nam nữa; chỉ cần làm việc mình giỏi nhất đó là làm game; sau đó dùng “đường” của Amazon, của Microsoft… và vào “chợ ứng dụng toàn cầu” (Apple Store, Google Play…) để “xuất khẩu” game của mình cho người chơi toàn thế giới. Lợi thế của doanh nghiệp Việt Nam là linh hoạt, nhanh nhạy trong phát triển sản phẩm; và lợi thế của doanh nghiệp Mỹ là làm hạ tầng số cho toàn cầu – một lợi thế cạnh tranh mà không phải cứ muốn là Việt Nam có thể làm được. Do đó, tận dụng lợi thế của nhau là cần thiết. Nếu đóng cửa, dựng rào cản, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, sẽ mất khả năng tiếp cận hạ tầng toàn cầu ưu việt như vậy.

Tôi cũng muốn nhắc lại bài học rất buồn về thất bại trong phát triển công nghiệp phụ trợ trong vòng hai thập niên qua. Doanh nghiệp Việt Nam không thể phát triển mạnh để chen chân vào chuỗi cung ứng, phục vụ ngay cho các doanh nghiệp FDI trên sân nhà Việt Nam chứ chưa nói đến “Make in Viet Nam” để thay thế FDI.

Vì vậy, với công nghệ số, con đường chen chân vào hệ sinh thái dịch vụ công nghệ toàn cầu, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu có những thuận lợi căn bản hơn so với ngành sản xuất và phù hợp với các doanh nghiệp quy mô nhỏ và trung bình của Việt Nam. Nếu bỏ kỷ nguyên công nghệ mới đó sẽ là điều cực kỳ đáng tiếc.

KTSG: Nhưng dùng “đường”, dùng “chợ” toàn cầu như vậy liệu có bị phụ thuộc không? Và hạn chế rủi ro bằng cách nào?

– Đã nói đến chuỗi cung ứng toàn cầu là các quốc gia đều “phụ thuộc” lẫn nhau. Với Việt Nam, nếu xảy ra xung đột, mâu thuẫn, bị “cắt” tiếp cận hạ tầng toàn cầu sẽ rất nguy hiểm. Do đó, hợp tác tốt, là đối tác đáng tin cậy chính là để giải bài toán an ninh hạ tầng chiến lược. Và mối quan hệ chính trị – kinh tế Việt – Mỹ, Việt – Nhật, Việt – Hàn, Việt – Trung ở mức đối tác chiến lược toàn diện chính là có ý nghĩa như vậy. Không ai đi đóng đường, cấm chợ với bạn của mình cả.

KTSG: Công nghệ số có tiềm năng lớn lao, nhưng về chính sách, những thách thức chính để hiện thực hóa tiềm năng này là gì?

– Sẽ rất dài để trả lời nhưng tôi muốn nói đến hai yếu tố. Thứ nhất, cần hiểu thế giới, hiểu thị trường công nghệ thế giới, hiểu cách vận hành của chuỗi cung ứng; và rộng hơn là hiểu thế cuộc địa chính trị toàn cầu. Hiểu để ứng xử một cách thực dụng, thực tế, biết thế mạnh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam ở đâu, chen chân vào phân khúc thị trường, tham gia vào khâu nào trong chuỗi cung ứng.

Và thứ hai, nghiêm túc ưu tiên cho cải cách thể chế kinh tế thị trường trong nước. Thể chế kinh tế thị trường của Việt Nam vẫn chưa hoàn chỉnh, năng lực của các thiết chế điều tiết thị trường càng ngày càng bị bỏ lại đằng sau so với mức độ phát triển và tính phức tạp của các ngành kinh doanh. Môi trường kinh doanh, năng lực điều tra hành vi cạnh tranh không lành mạnh, thiết chế tòa án để giải quyết tranh chấp dân sự, kinh tế vẫn yếu. Quyền sở hữu tài sản và an toàn kinh doanh của doanh nghiệp vẫn thấp. Chỉ khi Chính phủ nhận thức được và quay trở lại để bồi đắp và hoàn thiện những nền tảng cốt lõi cho kinh tế thị trường, mới có thể có hy vọng và niềm tin cho giấc mơ Việt Nam 2045 thịnh vượng.

An Nhiên