Ngân hàng vừa được nới thêm room, tín dụng vẫn khó tăng tốc

Làm gì để đẩy dòng tiền chạy vào nền kinh tế đang là bài toán khó, không chỉ là câu chuyện của năm 2023 mà còn ở những tháng tiếp theo của năm 2024. Vốn không được đưa vào lưu thông sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, đời sống người dân.

Thêm dư địa cho nhà băng đã "chạm trần"

Theo báo cáo tài chính quý III/2023, tính tới cuối quý III/2023, nhiều ngân hàng vẫn có mức tăng trưởng tín dụng khá tốt. Cụ thể, tăng tín dụng hơn 19%, MSB tăng 17,1%, MB tăng 16,4%, Techcombank tăng 13,1%, LPBank tăng 11,9%, TPBank 11,7%... Như vậy, chiểu theo room tín dụng được cấp tháng 7/2023, nhiều ngân hàng đã sử dụng gần hết hạn mức của cả năm chỉ sau 3 quý.

Tháng cuối cùng của năm 2023, toàn hệ thống ngân hàng cần giải ngân hơn 735.000 tỷ đồng để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng.

Ngay sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc cần có biện pháp điều hành tín dụng phù hợp, đảm bảo cung cấp đủ vốn cho nền kinh tế, ân hàng Nhà nước (NHNN) đã chia lại “miếng bánh” thị phần tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng. Trao đổi với báo giới, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank, cho biết đến tháng 11/2023, tăng trưởng tín dụng của TPBank đạt hơn 11%. Sau quyết định phân bổ lại room tín dụng của NHNN, TPBank được tăng thêm 5%.

"Như vậy, room tín dụng để cho vay các doanh nghiệp và người dân rất lớn. Ngân hàng đã và đang tiếp tục hạ lãi suất cho vay cá nhân, doanh nghiệp", ông Hưng thông tin. Với một số khoản vay đủ điều kiện, lãi suất có thể thấp hơn tới gần 4% so với trước đây.

Về giải pháp, ông Hưng tiết lộ, TPBank sẽ duy trì các gói vay tập trung vào doanh nghiệp xây lắp, trang thiết bị y tế, dược phẩm, viễn thông, điện lực, nhà thầu xây lắp khu công nghiệp... Bên cạnh đó, các nhu cầu vay vốn để mua nhà, sắm xe cũng được Ngân hàng đẩy mạnh cho vay.

Đây là một thông tin ý nghĩa vì hiện là thời điểm doanh nghiệp tăng tốc về đích và nguồn vốn bổ sung rất quan trọng trong bối cảnh nhiều khách hàng đang cạn dòng tiền. Một số ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng tốt, room gần “chạm trần”, nay được nới thêm có thể tiếp tục đẩy mạnh bơm vốn ra thị trường.

Các chuyên gia đánh giá việc nới room tín dụng của NHNN là động thái cần thiết phải làm ngay để giải quyết vấn đề thanh khoản của cả ngân hàng và nền kinh tế trong giai đoạn cuối năm, đồng thời đáp ứng nhu cầu vốn để thực hiện kế hoạch phục hồi kinh tế - xã hội.

Theo một chuyên gia kinh tế, về bản chất việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở một số ngân hàng không làm thay đổi mục tiêu chung của toàn ngành. Bởi, NHNN điều chỉnh từ nhà băng mới sử dụng chưa đến một nửa chỉ tiêu được cấp sang ngân hàng đã gần hết room. Cách điều hành linh hoạt này sẽ giúp dòng vốn được khơi thông, góp phần giúp doanh nghiệp hoạt động trở lại trong giai đoạn cuối năm nay.

“Không phải "bung" tín dụng là sẽ gây ra lạm phát, quan trọng là tín dụng rót vào lĩnh vực nào. Nếu sử dụng vào các lĩnh vực hiệu quả, tăng tín dụng sẽ không kích lạm phát lên”, chuyên gia này phân tích.

Quan trọng là nhu cầu vay của doanh nghiệp

Hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất mứt, ô mai đang tăng tốc sản xuất, nguồn hàng dự kiến tăng thêm 10% để đáp ứng nhu cầu mùa cao điểm Tết Dương lịch và Nguyên đán. Nhiều cơ sở, doanh nghiệp sản xuất nhỏ cũng đang tìm nguồn vốn để mua nguyên liệu sản xuất và dự trữ hàng hóa.

Bà Đào Khánh Huyền, Trưởng phòng Marketing Công ty CP Hồng Lam cho biết: "NHNN vừa nới thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng là cơ hội tốt dành cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ trong bối cảnh kinh tế còn nhiều biến động và khó khăn. Chúng tôi cũng đang tham khảo một số ngân hàng để vay vốn”.

Không chỉ doanh nghiệp chủ động, các ngân hàng cũng đang rốt ráo tìm doanh nghiệp tốt, đủ điều kiện vay vốn, lãi suất thấp từ 4 - 5%/năm. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có nhu cầu.

Chị Hoàng Bích Nhung, nhân viên tín dụng một ngân hàng TMCP tư nhân cho hay: “Chi nhánh vừa được cấp thêm hạn mức tín dụng, vì vậy lãnh đạo triển khai đến từng nhân viên mời gọi các doanh nghiệp tốt vay vốn. Tuy nhiên, thời điểm này, nhiều doanh nghiệp cho biết đã chuẩn bị xong nguồn hàng phục vụ dịp Tết nên không có nhu cầu vay vốn, doanh nghiệp muốn được chuyển sang năm 2024. Trong khi đó, một số doanh nghiệp khác cho biết, sản lượng cung ứng hàng hóa ra thị trường năm nay sụt giảm nên doanh nghiệp cắt giảm sản xuất, nhu cầu về vốn cũng giảm theo”.

Có thể thấy, điểm chung của các ngân hàng có dư nợ tín dụng tăng trưởng cao 9 tháng đầu năm nay là tín dụng kinh doanh bất động sản tăng mạnh. Điển hình, dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản tại tăng 47% so với cuối năm ngoái, VPBank tăng 52,7%, MB tăng tới hơn 61%...

Do đó, các chuyên gia nhận định việc NHNN chia lại “miếng bánh” thị phần cũng khó giúp ngành ngân hàng đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay. "Để đạt kế hoạch tăng trưởng tín dụng 14,5% trong năm nay, tháng cuối cùng của năm 2023, toàn hệ thống ngân hàng cần giải ngân hơn 735.000 tỷ đồng. Đây là một nhiệm vụ gần như là bất khả thi”, một chuyên gia nhấn mạnh.

Dưới góc độ của người làm kinh doanh, một số doanh nghiệp bất động sản chia sẻ, việc nới hạn mức tín dụng chỉ có ý nghĩa với các doanh nghiệp đang có gói vay và cần huy động tài chính, nhưng với doanh nghiệp vay mới, đang chuẩn bị thủ tục thì thời gian còn lại một tháng từ nay đến cuối năm là không đủ để giải ngân. Chưa kể, lãi suất cho vay 4-5% chỉ áp dụng cho một số lĩnh vực sản xuất, kỳ hạn ngắn, còn đối với lĩnh vực cho vay bất động sản thì lãi suất vẫn còn cao. Các doanh nghiệp kiến nghị ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất để có thể tiếp cận nguồn vốn rẻ hơn.

"Lãi suất cho vay bây giờ với doanh nghiệp vẫn khá cao, dường như bất khả thi để xây dựng một phương án kinh doanh. Với góc độ doanh nghiệp, chúng tôi đề nghị mức lãi suất 6 - 8% đổ lại", ông Lê Đình Chung, Tổng Giám đốc SGO Homes đề xuất.

Trong điều kiện pháp lý các dự án bất động sản đang ách tắc kéo dài như thời gian qua, doanh nghiệp cũng đề xuất tối giản hóa các điều kiện cho vay, rút gọn quy trình thẩm định và giải ngân.

Huyền Anh