VNPost thoái vốn sẽ không ảnh hưởng đến chiến lược cho vay bán lẻ của Ngân hàng LPBank (LPB)

Các phòng giao dịch bưu điện là một trong những lợi thế cạnh tranh kinh doanh lớn nhất của Ngân hàng LPBank.

Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) sẽ phải thoái vốn khỏi Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (Ngân hàng LPBank, mã cổ phiếu - sàn HoSE) theo chủ trương về thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp thuộc ngành nghề không liên quan.

Vào tháng 4/2023, VNPost đã đấu giá toàn bộ 140,5 triệu cổ phiếu LPB (tương đương 84,5% cổ phần nắm giữ) nhưng không thành công, chủ yếu do giá chào bán cao hơn đáng kể so với thị giá lúc đó của cổ phiếu LPB.

Đầu tháng 9/2023, ân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 11/2023/TT-NHNN (Thông tư số 11) có nội dung sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư 43/2015/TT-NHNN ngày 31/12/2015 (Thông tư số 43) về tổ chức và hoạt động của Phòng giao dịch Bưu điện trực thuộc Ngân hàng LPBank.

Theo Thông tư số 11, sau 7 ngày kể từ ngày VNPost thoái vốn xuống dưới 5% vốn điều lệ của Ngân hàng LPBank, các phòng giao dịch bưu điện (PTO) sẽ không được nhận tiền gửi tiết kiệm. Đối với các khoản tiền gửi tiết kiệm chưa đáo hạn, các PTO sẽ phải tiếp tục thực hiện đúng theo thỏa thuận trước đó với khách hàng. Đối với những khoản tiến gửi đã đáo hạn, PTO phải có biện pháp thanh toán cho khách hàng.

Số lượng phòng giao dịch của Ngân hàng LPBank tính đến cuối quý 3/2023. (Nguồn: VNDirect Research)

Tính đến cuối quý 3/2023, Ngân hàng LPBank gân hàng có mạng lưới hoạt động lớn thứ 3 trong số 25 ngân hàng niêm yết trên thị trường chứng khoán, với 513 phòng giao dịch bưu điện (PTO) và 570 phòng giao dịch ngân hàng (BTO).

Các điểm PTO từ lâu đã được xem là một trong những lợi thế cạnh tranh kinh doanh lớn nhất của Ngân hàng LPBank, cũng như giúp việc nhận diện thương hiệu của ngân hàng này thuận lợi. Đặc biệt, các PTO được xem là cánh tay nối dài cho Ngân hàng LPBank trong việc cung cấp dịch vụ tài chính cho người dân ở vùng nông thôn - nơi có ít sự cạnh tranh từ các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân khác.

Hiện một số nhà đầu tư lo ngại Thông tư số 11 có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của Ngân hàng LPBank, nhất là khi ngân hàng này đang đẩy mạnh từ cho vay doanh nghiệp sang cho vay bán lẻ trong những năm gần đây. Tính đến cuối năm 2022, các khoản cho vay khách hàng cá nhân chiếm 50% tổng dư nợ của ngân hàng này.

Cho vay cá nhân đã chiếm gần 50% tổng dư nợ của Ngân hàng LPBank vào cuối năm 2022. (Nguồn: VNDirect Research)

Một phần khách hàng cá nhân của Ngân hàng LPBank là tầng lớp hưu trí vì họ thường đến bưu điện để nhận lương hưu, khiến phòng giao dịch bưu điện trở thành điểm tiếp xúc khách hàng quan trọng của Ngân hàng LPBank.

Theo đánh giá mới đây của hãng Chứng khoán VNDirect, việc VNPost thoái vốn sẽ không ảnh hưởng tới chiến lược đẩy mạnh cho vay bán lẻ trong dài hạn của Ngân hàng LPBank. Ngân hàng LPBank cũng cho biết, việc thoái vốn sẽ không ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa hai bên vì đã ký thỏa thuận hợp tác 50 năm.

Do đó, Ngân hàng LPBank vẫn sẽ có sự hỗ trợ của VNPost, như truy cập về cơ sở dữ liệu khách hàng, để theo đuổi chiến lược cho vay bán lẻ đối với khách hàng hưu trí và người dân vùng nông thôn, theo Chứng khoán VNDirect.

Ngoài ra, nhân viên tại các PTO hiện đều là nhân viên của VNPost với hầu hết xuất phát điểm không đến từ lĩnh vực ngân hàng - tài chính. Vì vậy, với việc thoái vốn, Ngân hàng LPBank có thể quản lý trình độ nhân viên tốt hơn, cải thiện tổng thể hiệu quả hoạt động trong trung và dài hạn.

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu LPB của Ngân hàng LPBank trong năm 2023. (Nguồn: TradingView)

Theo ước tính của Chứng khoán VNDirect, đến cuối tháng 2/2023, số tiền gửi tại PTO của Ngân hàng LPBank đạt 82.500 tỷ đồng. Trong kịch bản cơ sở, Chứng khoán VNDirect tin rằng Ngân hàng LPBank có thể thu hồi tất cả số tiền gửi tiết kiệm bưu điện vào hệ thống của LPB bằng cách đề nghị khách hàng gửi tiền vào các phòng giao dịch ngân hàng khi số tiền gửi tiết kiệm bưu điện đáo hạn.

Về triển vọng kinh doanh, tỷ lệ NIM của Ngân hàng LPBank trong năm 2023 đã bị ảnh hưởng bởi nợ xấu cao hơn và lợi suất tài sản thấp hơn. Đây cũng là xu hướng chung của toàn ngành ngân hàng trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều thách thức.

Trong quý 3/2023, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng LPBank đã tăng 1,4 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2022, lên 2,79%. trong khi tỷ lệ bao nợ xấu giảm xuống 67,5% - mức thấp nhất kể từ năm 2012.

Tuy nhiên, Chứng khoán VNDirect cho rằng NIM trong năm 2024 của Ngân hàng LPBank sẽ phục hồi tích cực khi các khoản tiền gửi lãi suất cao từ nửa cuối năm 2022 được đáo hạn; và tỷ lệ nợ xấu sẽ giảm xuống khi thu nhập của người tiêu dùng và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp phục hồi.

Duy Quang