Vụ Việt Á: Nhóm nào bị nghiêm trị, nhóm nào được tha, miễn?

Chiều 16/8, tại buổi thông tin kết quả phiên họp thứ 24 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trả lời câu hỏi về nhiều vụ án liên quan Việt Á, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên cho biết, vụ án xảy ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và bất cứ ai cũng không mong muốn.

Theo ông Yên, trong bối cảnh đặc biệt này, những vi phạm, tội phạm xảy ra đã được các cơ quan Trung ương, địa phương nỗ lực điều tra, làm rõ.

Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đưa ra 8 yêu cầu cụ thể. Những yêu cầu này được các cơ quan liên quan làm rõ. Hiện đã khởi tố 33 vụ án, trên 111 bị can với 6 tội danh. Các vụ án đã đến giai đoạn có thể kết thúc điều tra, phấn đấu đến cuối năm kết thúc, điều tra, truy tố xét xử, trong đó có vụ án Việt Á. Trong 33 vụ, có những vụ địa phương đã thụ lý giải quyết, nhiều vụ án đã được đưa ra xét xử.

Ông Yên cho biết, vì bối cảnh chống dịch đặc biệt nên cũng có nhiều vi phạm, sai phạm vì mục tiêu chống dịch, liên quan tới rất nhiều con người, các bộ, ngành Trung ương xuống địa phương, rồi các đơn vị doanh nghiệp khối ngoài nhà nước, công tư đều có cả.

Do đó, Ban Chỉ đạo đã có chủ trương, chỉ đạo phân loại xử lý đối tượng đầy khoa học và rất nhân văn, nhân ái, nhưng cũng rất nghiêm khắc như lời Tổng Bí thư nói.

Trong đó, thống nhất nghiêm trị người có chức vụ lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tác động, chỉ đạo cấp dưới làm trái quy định của Đảng, Nhà nước, đem lại lợi ích bất hợp pháp cho công ty Việt Á.

Cụ thể, người chủ mưu, cầm đầu, người vì động cơ vụ lợi, chiếm số tiền lớn cũng sẽ bị nghiêm trị,... Nhóm này liên quan đến tham nhũng tiêu cực, tội rất nặng và đến nay đã được làm rõ.

Còn nhóm 2, 3, 4 phân hóa ra, có chính sách miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây là nhóm thứ yếu, phụ thuộc, phải thực hiện theo mệnh lệnh. Đặc biệt, họ không có động cơ vụ lợi và không được hưởng lợi và ở tuyến đầu chống dịch, vi phạm chủ yếu trong hoạt động đấu thầu.

Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết thêm, trong bối cảnh cần kít xét nghiệm ngay, họ phải thực thi theo chỉ đạo để có kít xét nghiệm phục vụ người dân và chỉ biết làm vì việc chung. Hậu quả thiệt hại là có nhưng trong bối cảnh chống dịch không thể thực hiện trình tự, thủ tục theo luật định về đấu thầu. Vi phạm rồi, để lại hậu quả lớn, phải xử lý nhưng trong bối cảnh như thế nên Ban Chỉ đạo thống nhất chủ trương tha hết. Tất cả hậu quả thiệt hại nhóm này, thống nhất xử lý kẻ chủ mưu cầm đầu chứ không phải tất cả.

"Với "chùm án" Việt Á, sẽ phân loại và có tiêu chí xử lý của các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương hướng dẫn. Đặc biệt, được xem xét để tha hoặc miễn truy cứu trách nhiệm hình sự và không phải chịu trách nhiệm dân sự", ông Nguyễn Văn Yên nói.

Trả lời về tiến độ điều tra các vụ án Việt Á, FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, AIC..., Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên cho biết, các vụ án này đều nằm trong kế hoạch kết thúc điều tra, truy tố, xét xử trong năm 2023. Các cơ quan chức năng phấn đấu kết thúc điều tra trong năm 2023. Trong đó, có những vụ đủ điều kiện sẽ truy tố, có những vụ đủ điều kiện sẽ xét xử.

Mời độc giả xem thêm video Báo cáo rõ vụ Việt Á và chuyến bay giải cứu sau giám sát

Nguồn: VTV1

Hải Ninh