Vun đắp hạnh phúc trong tổ ấm quân - dân nơi biên cương

Đại úy Vừ A Ninh hưởng niềm vui bên con gái đầu lòng. Ảnh: Thu Hằng

Vang mãi tiếng cười hạnh phúc

Giữa bộn bề công việc, Đại úy Vừ A Ninh, Đội trưởng Đội Trinh sát, Đồn Biên phòng Na Cô Sa, BĐBP Điện Biên ưu ái dành cho tôi khoảng thời gian ngắn buổi tối để kể chuyện gia đình mình. Anh chia sẻ: “Ngày con gái tôi chào đời, vợ chồng tôi hạnh phúc vô bờ”. Nghe anh kể chuyện, tôi có thể cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc của người lính mới được lên chức bố chưa lâu này.

Anh Ninh là người dân tộc Mông ở huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên. Vợ chồng anh kết hôn năm 2017. Anh Ninh công tác ở Đồn Biên phòng Na Cô Sa (đứng chân trên địa bàn huyện Nậm Pồ), trong khi chị Vàng Thị Hoa (vợ anh) lại dạy ở Trường Mầm non Nậm Kè, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé. Dù rất yêu thương nhau nhưng hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ không được trọn vẹn khi chờ mong mãi mà vẫn chưa có “tín hiệu vui”.

Anh Ninh kể: “Vợ chồng tôi rất nóng ruột khi ở với nhau lâu rồi mà vẫn chưa có con. Chúng tôi chữa chạy bằng thuốc đông y, cắt thêm nhiều thang thuốc bổ mà vẫn không thể có con. Cuối năm 2019, vợ chồng tôi quyết định xuống Hà Nội làm thụ tinh ống nghiệm. Mọi việc đang dở dang thì dịch Covid-19 ập đến, chúng tôi phải hoãn lại”.

Khát vọng được làm cha, làm mẹ luôn thôi thúc, khi dịch Covid-19 được kiểm soát, vợ chồng anh tiếp tục hành trình tìm kiếm con cái. Rất may, anh nhận được gói tài trợ khám, chữa bệnh hiếm muộn do Kênh truyền hình Quốc phòng Việt Nam phối hợp với Bệnh viện Nam học hiếm muộn Hà Nội thực hiện. “Vợ chồng tôi được tài trợ 100% chi phí thực hiện dịch vụ thụ tinh ống nghiệm. Tôi rất vui vì không riêng gì tôi mà 7 cặp vợ chồng khác cùng điều trị đợt đó đều thành công. Ngày 5/12/2022, vợ tôi sinh con gái đầu lòng nặng 3,3kg. Vợ chồng tôi mừng rơi nước mắt. Bây giờ, cháu đã nặng hơn 8kg, ăn uống, ngủ tốt” - anh Ninh kể.

Trong câu chuyện của mình, anh Ninh chia sẻ: “Vợ chồng tôi có được “tổ ấm” hạnh phúc như bây giờ là nhờ có sự hỗ trợ, giúp đỡ rất lớn của đồng đội và đơn vị. Thực hiện chủ trương hỗ trợ quân nhân hiếm muộn, đơn vị đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tôi về mặt thời gian để khám và điều trị”.

Chúng tôi được biết, BĐBP là lực lượng đầu tiên trong toàn quân thực hiện chính sách hỗ trợ quân nhân hiếm muộn, vô sinh. Các quân nhân hiếm muộn được tạo điều kiện chuyển công tác về gần gia đình, tạo thuận lợi về thời gian để đi chữa bệnh, được tư vấn nơi khám, chữa bệnh, hỗ trợ nơi ở và một phần kinh phí điều trị hiếm muộn. Chủ trương hỗ trợ quân nhân hiếm muộn của BĐBP đã được triển khai nhân rộng ra toàn quân. Cũng chính từ kinh nghiệm của BĐBP, Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em đã tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, thủ trưởng Bộ Quốc phòng triển khai một số chính sách hỗ trợ đối tượng này.

Dựng tổ ấm cho trẻ em mồ côi

Không chỉ chăm lo cho tổ ấm của mình, những người lính Biên phòng còn trao tình yêu thương, mái ấm đúng nghĩa cho con em đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới thông qua Chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng”. Đây là chương trình đầy ý nghĩa đã góp phần với cộng đồng trong bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

Dưới bàn tay chăm sóc của những người bố nuôi ở Đồn Biên phòng Chiềng On, cháu Sồng Lao Cường (ngồi giữa) và em trai Sồng A Việt luôn khỏe mạnh, tự tin và học tập tốt. Ảnh: Thu Hằng

Nói chuyện với chúng tôi, cậu bé Sồng Lao Cường, dân tộc Mông, ở bản Suối Cút, xã Chiềng On, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La chia sẻ: “Con và em trai được các chú, các bác trong đơn vị đón về nuôi dưỡng từ năm 2019. Lúc đầu, anh em con hơi bỡ ngỡ và lo sợ. Các chú, các bác động viên chúng con rất nhiều. Ở nhà, chúng con chỉ có cơm và rau thôi, còn ở đây, có rất nhiều thức ăn, thịt, cá đầy đủ. Anh em con đều tăng cân, khỏe mạnh. Con rất biết ơn các chú, các bác BĐBP đã cho con mái ấm mới, yêu thương, chăm sóc chúng con như bố mẹ đẻ”.

Sồng Lao Cường và em trai Sồng A Việt mồ côi bố từ cách đây 8 năm. Mẹ 2 em sau đó đi lấy chồng xa. Thương 2 anh em Cường và Việt sớm mất bố, thiếu sự chăm sóc của mẹ, những người lính Biên phòng liền đón về đơn vị nuôi. Nhờ sự chăm sóc đầy đủ, Cường và Việt đều lớn lên trông thấy, khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Cường tăng 30kg, còn em trai tăng 10kg. Không chỉ chăm học, Cường và Việt còn rất tự giác chấp hành nền nếp, quy định sinh hoạt của đơn vị, tự vệ sinh cá nhân, tham gia trồng rau, dọn vệ sinh, chơi thể thao, rèn luyện sức khỏe cùng những người bố nuôi của mình.

Ngoài 2 anh em Cường và Việt, còn có nhiều trẻ em khác ở biên giới được BĐBP nhận chăm sóc, nuôi dưỡng thông qua mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng”. Đến nay, các đồn Biên phòng đang nhận nuôi 356 trẻ em, trong đó, có 41 cháu mồ côi cả cha và mẹ; 180 cháu mồ côi cha hoặc mẹ; 5 cháu là con liệt sĩ; 3 cháu bị tật nguyền.

Để chăm lo chu đáo cho các cháu, cùng với việc đảm bảo toàn bộ chi phí nuôi dưỡng, thì căn cứ vào nhu cầu thực tế của từng cháu, các đơn vị hỗ trợ mỗi cháu từ 200.000 đến 500.000 đồng/tháng để phục vụ chi phí sinh hoạt, học tập. Quá trình sinh hoạt tại đồn Biên phòng, các cháu được bố trí nơi ăn, ở, góc học tập riêng; cán bộ, chiến sĩ coi các cháu như con của mình, chỉ bảo trong sinh hoạt, kèm cặp, củng cố kiến thức; hướng dẫn luyện tập nâng cao thể lực; làm quen với hoạt động chăn nuôi, trồng trọt để hình thành ý thức tự lập.

Căn cứ nội dung hoạt động cụ thể và tình hình đơn vị, các đồn Biên phòng bố trí cho các cháu được tham gia các hoạt động tập thể, bồi dưỡng kỹ năng. Qua đó, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của các cháu để động viên, chia sẻ, tăng thêm sự gắn bó, yêu thương giữa cán bộ, chiến sĩ với các cháu; phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, sở trường giúp các cháu phát triển toàn diện.

Hằng năm, các đồn Biên phòng đã trực tiếp nhận hỗ trợ, đỡ đầu gần 3.000 lượt cháu học sinh, với mức 500.000 đồng/cháu/tháng. Đến nay, cán bộ, chiến sĩ toàn lực lượng BĐBP đã đóng góp nguồn kinh phí gần 95 tỷ đồng để hỗ trợ, nuôi dưỡng các cháu.

Bích Nguyên