Xu hướng chuyển đổi số trong ngành bán lẻ

Dịch Covid-19 đã trở thành “chất xúc tác” mạnh mẽ làm thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Các hoạt động mua sắm trực tiếp tại cửa hàng, siêu thị, chợ giảm rõ rệt. Thay vào đó, hoạt động chi tiêu online trên sàn thương mại điện tử, website, mạng xã hội “lên ngôi”. Trước thực tế đó, nhiều cửa hàng, doanh nghiệp buộc phải thực hiện chuyển đổi số trong bán lẻ, chuyển đổi mô hình từ bán hàng truyền thống sang bán hàng đa kênh.

Khách hàng hiện đại ngày càng có nhiều lựa chọn. Việc ứng dụng công nghệ vào bán hàng giúp nâng cao trải nghiệm, thúc đẩy nhu cầu mua sắm và phát sinh những nhu cầu mới. Chuyển đổi số trong ngành bán lẻ là việc tích hợp các ứng dụng công nghệ để thay đổi cách thức quản lý bán hàng, thay đổi mô hình kinh doanh và mang đến những giá trị - trải nghiệm mua sắm mới.

Chương trình đi chợ online tại hệ thống siêu thị Winmart.

Chủ động trong việc ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động kinh doanh, hệ thống siêu thị Winmart áp dụng chuyển đổi số ở 3 lĩnh vực: Sử dụng smartphone để truy xuất nguồn gốc toàn bộ sản phẩm tại siêu thị; thanh toán trên ứng dụng của ngân hàng và chương trình đi chợ online. Nhờ đẩy mạnh bán hàng, giới thiệu sản phẩm trên nền tảng số, đơn vị đã mở rộng được đối tượng khách hàng; doanh thu bán hàng online chiếm hơn 40% tổng thu nhập hằng tháng.

Ông Dương Xuân Bách, đại diện chuỗi siêu thị Winmart Lào Cai cho biết: Nhiều khách hàng hiện nay không có thời gian đến mua hàng trực tiếp. Nắm được xu thế đó, các cửa hàng trong chuỗi triển khai chương trình đi chợ online, giao hàng đến tận nhà cho khách hàng. “Chúng tôi cũng thường xuyên đăng các chương trình khuyến mãi lên nhóm khách hàng thân thiết, từ đó khách không cần đến cửa hàng mà vẫn sử dụng được dịch vụ. Việc áp dụng chuyển đổi số vào bán hàng đã mang lại sự tiện lợi cho người tiêu dùng và tăng doanh thu cho cửa hàng” - ông Bách nói.

Nông sản Lào Cai được dán nhãn truy xuất nguồn gốc.

Không chỉ các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, mà nhiều chủ cơ sở bán lẻ truyền thống cũng từng bước ứng dụng thương mại điện tử và nền tảng số để đa dạng hóa hoạt động bán hàng, tăng cường quảng bá và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Nhiều chủ cửa hàng đã đăng sản phẩm của mình lên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội để tìm kiếm khách hàng tiềm năng. Ngoài thanh toán bằng tiền mặt, việc thanh toán qua các ứng dụng trực tuyến được sử dụng rộng rãi.

Tiểu thương tại chợ Sa Pa livestream bán hàng trên các nền tảng số.

Ông Triệu Thiết Nghĩa, Phó Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Sa Pa cho biết: Nhiều cơ sở kinh doanh trên địa bàn thị xã đã bắt kịp xu thế, đưa sản phẩm của mình quảng bá trên nhiều nền tảng, việc thanh toán cũng thuận tiện hơn khi người dùng liên kết với các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Đặc biệt, đối với địa phương có du lịch, dịch vụ phát triển mạnh như Sa Pa thì việc đưa công nghệ số vào ngành bán lẻ sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại phát triển mạnh hơn, mang lại trải nghiệm tốt hơn cho người dùng.

Theo thống kê của Sở Công Thương, khoảng trên 70% khách hàng có sử dụng điện thoại thông minh đã tham gia mua sắm thông qua nền tảng số. Đây cũng là điều kiện để ngành triển khai sâu, rộng hơn việc chuyển đổi số trong các lĩnh vực có liên quan. Năm 2023, Lào Cai phấn đấu hơn 80% người trưởng thành toàn tỉnh có tài khoản thanh toán điện tử; tổng doanh thu từ các sản phẩm OCOP trên sàn thương mại điện tử trên 7 tỷ đồng. Không chỉ trong bán lẻ, mà các lĩnh vực khác thuộc ngành công thương cũng đang chuyển mình để đáp ứng với xu thế xã hội số, kinh tế số.

Theo ông Nguyễn Huy Tưởng, Phó Giám đốc Sở Công Thương, triển khai chương trình chuyển đổi số, ngành công thương xác định có 2 nhiệm vụ trọng tâm. Đó là, thúc đẩy việc tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa của Lào Cai trên các ứng dụng, sàn thương mại điện tử và thúc đẩy các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh. Chuyển đổi số trong ngành bán lẻ trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả nổi bật: 100% sản phẩm OCOP, hàng hóa đặc sản của Lào Cai được đưa lên sàn thương mại điện tử của tỉnh, sàn thương mại lớn của cả nước như Vỏ sò, Postmart, Shopee; 100% cơ sở kinh doanh xăng, dầu ứng dụng thanh toán trực tuyến; 100% đơn vị xuất - nhập khẩu thực hiện thủ tục hải quan, chứng nhận xuất xứ hàng hóa thông qua các hệ thống điện tử…

Sản phẩm OCOP của Lào Cai được đưa lên các sàn thương mại.

Thời gian tới, ngành công thương xác định tiếp tục triển khai ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực thương mại. Cùng với đó, ngành sẽ thúc đẩy, hỗ trợ các doanh nghiệp thương mại, xuất - nhập khẩu trong việc ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất, kinh doanh; đào tạo, nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng dụng chuyển đổi số vào các hoạt động của ngành để nâng cao hiệu quả quản lý, kinh doanh cũng như mang lại trải nghiệm thuận tiện nhất cho người tiêu dùng.