Sòi đất chốn quê nghèo

Chiều đầu thu, rỗi việc lãng đãng lên xe về quê. Đường quê vắng, thảng hoặc mới có vài ba chiếc xe máy vụt qua. Yên tâm vì sẽ chẳng có ai quấy rầy hoặc có thể xảy ra va chạm với xe của mình, tôi đi chậm để thưởng thức sự bình dị ở chốn thôn dã thân quen. Những cánh đồng lúa xanh đang thì con gái đung đưa trong gió như đang vẫy chào người xa xứ. Thả ga chầm chậm, tôi muốn mở căng lồng ngực đón không khí trong lành nơi đồng quê trong nắng thu dìu dịu. Nhiều năm xa nhà, sống ở chốn thành thị hình như bỗng quên đi cái chân chất, giản dị chốn quê nghèo! Miên man trong hồi ức, tôi dừng xe ngắm cảnh và chợt nhận ra hai bên vệ đường có những cây sòi đất đang vươn mình trổ vào không gian. Những cây sòi ấy bỗng nhắc nhớ cho tôi về một thời thơ trẻ…

Những năm thuộc thập kỷ 70, 80 trước đây khi mà vải vóc còn khan hiếm, thì việc tận dụng tối đa quần áo mặc là chuyện thường tình ở những vùng quê nghèo nàn lạc hậu. Câu thành ngữ “ăn chắc, mặc bền” thành kim chỉ nam cho mỗi người, mỗi gia đình và việc tiết kiệm là đương nhiên. Hầu như chẳng ai mặc áo trắng hay quần áo sáng màu ra đồng cả, bởi bùn đất sẵn sàngbiến nó thành màu cháo lòng mà không tài nào giặt nổi; nhất làkhi xà phòng cũng là thứ hàng xa xỉ. Thời ấy các cửa hàng mậu dịch chỉ bán vải xanh lóng chéo theo tiêu chuẩn tem phiếu. Muốn mua vải loại khác chỉ có thể mua ngoài “chợ đen” và rẻ nhất là vải trắng dệt vô cùng thô ráp, may mắn mua được mảnh vải phin trắng đã là hạnh phúc lắm rồi. Mua về, các bà các mẹ đem vải nhuộm nâu may áo; nhuộm đen cắt quần. Mà, muốn nhuộm đen thì chỉ có thể dùng lá sòi đất!

Sòi đất còn có tên gọi khác là: Sòi xanh; Ô cửu; Ô thụ quả; Ô du; Thác tử thụ; Cửu tử thụ. Tên khoa học của nó là Sapium sebiferum thuộc họ Thầu dầu Euphorbiaceae. Sòi là cây thân gỗ, nó có thể cao từ 4 đến 6 mét nếu được phát triển trong không gian thoáng đãng. Thân màu xám, lá mọc so le, lá hình bầu dục, dài khoảng từ 3 – 7 xăng-ti-mét. Lá nhọn, cuống lá dài. Hoa màu trắng hay vàng, mọc ở nách lá hoặc đầu cành. Hoa cái mọc ở gốc, còn hoa đực ở trên ngọn.

Cây sòi đất khi trưởng thành rất cao, nhưng khi ở cái thời khan hiếm thuốc nhuộm thì cành lá của nó là lựa chọn số một. Cây sòi chỉ cao tầm gần mét là bị các bà, các mẹ tranh nhau vặt cành lá đến trụi lủi để nhuộm vải, nên dần dần thành bụi. Tôi nhớ, bờ ao cạnh nhà có mấy bụi sòi; cứ vừa có lá xanh thẫm là ngay lập tức bị “khai thác”. Công đoạn nhuộm vải rất đơn giản, đậm chất nông dân. Vải trắng mua về, ngay lập tức bị mẹ tôi dúi xuống ao bùn trằm, ngâm từ sáng đến xế trưa sau đó đem trải lên bờ ao, bờ ruộng; lấy bùn thoa kín mảnh vải để phơi cho màu đen của bùn trằm thấm vào từng sợi vải. Sau ba bốn lần làm như thế, mẹ giũ hết bùn khô bám vào vải giặt rồi cho sạch, cho vào nồi nước lá sòi, nổi lửa nấu. Cứ thấy cạn, lại đổ thêm nước và “ninh” tầm 3 - 4 tiếng. Lại qua ba lần “ninh” với nước lá sòi, mảnh vải trắng đã biến thành màu đen và mẹ đã có thể may quần cho bà nội và em gái tôi… Và việc lấy lá sòi thành phản xạ có điều kiện. Cứ nhìn thấy cây sòi dọc đường cánh đồng là ngay lập tức tôi dừng xe bẻ cành vặt lá đem về cho mẹ nhuộm lại những chiếc quần đã bạc màu… Tuy nhiên, cũng nhiều lần tôi ăn đủ bởi sòi rất nhiều con bọ nẹt. Bẻ cành, vặt lá say sưa quên mất loài này tồn tại là bị nó đốt cho tay sưng tấy, đau điếng người; phải lấy vôi nhão bôi lên mà cả tiếng đồng hồ sau mới khỏi.

Sau này tôi mới hiểu, sòi đất đâu phải chỉ có công dụng đơn giản như thế? Thân cây, quả, lá sòi và cả rễ đều được dùng trong y học cổ truyền. Các chứng bệnh thông thường như mụn nhọt, mẩn ngứa, bệnh ngoài da... hoặc các bệnh nặng hơn như phù thũng, hay trục thủy (tức là loại phần nước tích tụ trong cơ thể) người ta dùng lá hoặc dầu ép từ quả sòi để chữa trị rất hiệu quả. Thậm chí rễ và lá cây sòi còn có tác dụng chữa trị rắn cắn, lá cây giã nhuyễn vắt lấy nước cũng chữa được ngộ độc thức ăn… Ngày nay, công nghệ phát triển các loại thuốc nhuộm tràn ngập thị trường, người ta đâu cần đến lá sòi nhuộm vải nữa? Và cũng có mấy ai biết đến công dụng của loài cây dân dã chốn quê nghèo này?

Nhìn những cây sòi cao lớn, hiên ngang giữa cánh đồng; mặc cho thời gian cuộn chảy, mặc cho người đời lãng quên mà cứ nao nao trong dạ… Rồi người ta sẽ chặt nó để làm củi, hoặc để tránh cho lúa không bị bóng râm mà quên đi một thời hầu khắp các vùng quê đều cần đến nó để phục vụ cho cuộc sống, cho sinh hoạt hàng ngày… Sòi cứ giản dị, lặng thầm bên những cánh đồng quê và rì rào theo ngọn gió thổi về…

Nguyễn Hoàng Nguyên