Xuất khẩu của Trung Quốc giảm với tốc độ nhanh hơn dự kiến

Trong nửa đầu năm nay, các nguyên nhân khiến thương mại hàng hóa toàn cầu ảm đạm là các ngân hàng ở Mỹ và phương Tây thi nhau tăng lãi suất để chế ngự lạm phát. Trong khi đó nhiều người tiêu dùng chuyển sang chi tiêu dịch vụ sau nhiều năm chịu hạn chế vì Covid-19.

Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, trong tháng 5, các chuyến hàng ra nước ngoài của nền kinh tế thứ hai thế giới đã giảm 7,5% so với một năm trước đó, dù tăng 8,5% trong tháng Tư.

Vào tháng 5, xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm lần đầu tiên sau 3 tháng. Ảnh: WSJ.

Sự sụt giảm trong xuất khẩu một phần phản ánh cơ sở so sánh cao hơn vào tháng 5 năm ngoái, khi đất nước này bắt đầu thoát khỏi tình trạng phong tỏa nghiêm ngặt kéo dài hai tháng ở Thượng Hải, điều này đã kìm hãm thương mại và làm rối loạn chuỗi cung ứng trong nước.

Trong một dấu hiệu đáng khích lệ về sự phục hồi bền vững của nhu cầu trong nước, nhập khẩu đã giảm với biên độ nhỏ hơn trong tháng Năm, giảm 4,5% so với năm 2022, giảm 7,9% trong tháng Tư so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhìn chung, thặng dư thương mại của Trung Quốc đã thu hẹp xuống còn 65,8 tỷ USD trong tháng.

Các số liệu trên cho thấy vai trò của thương mại trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang bị thu hẹp lại so với thời kỳ Covid. 3 năm trước đó, nhu cầu ngày càng tăng của phương Tây đối với đồ điện tử, đồ nội thất và các hàng hóa vật chất khác tràn ngập các đơn đặt hàng của các nhà máy Trung Quốc.

Các quan chức Trung Quốc đã rất nỗ lực để đảm bảo rằng các nhà máy vẫn mở cửa, ngay cả khi họ buộc nhiều cư dân phải cách ly xã hội.

Sự chậm lại trong xuất khẩu không chỉ giới hạn ở Trung Quốc. Các cường quốc thương mại châu Á khác cũng báo cáo xuất khẩu sụt giảm vào tháng trước khi nền kinh tế toàn cầu dần ảm đạm.

Trong tháng 5, xuất khẩu từ Hàn Quốc đã giảm 15,2% so với một năm trước đó, cụ thể xuất khẩu chất bán dẫn, máy tính và các sản phẩm điện tử khác giảm mạnh. Xuất khẩu từ Việt Nam đã giảm 6% trong năm.

Theo Fitch Ratings, thương mại toàn cầu suy yếu sau một giai đoạn tương đối mạnh mẽ trong đại dịch Covid vào năm 2021 và 2022. Giờ đây, việc thắt chặt chính sách tiền tệ, hỗ trợ tài chính của Chính phủ giảm dần và sự chuyển hướng sang chi tiêu dịch vụ đang đè nặng lên nhu cầu hàng hóa.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế cho biết hôm thứ Tư rằng họ dự kiến dòng chảy thương mại toàn cầu sẽ tăng 1,6% trong năm nay, từ mức tăng 5% vào năm ngoái.

Hoạt động thương mại suy yếu sẽ phủ bóng đen lên nền kinh tế toàn cầu. Cơ quan nghiên cứu có trụ sở tại Paris (Pháp) dự kiến nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 2,7% trong năm nay, so với mức 3,3% vào năm 2022.

Trong tuần này, Ngân hàng Thế giới dự đoán tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại trong nửa cuối năm nay và cắt giảm dự báo tăng trưởng xuống còn 2,4% cho năm 2024, từ ước tính trước đó là 2,7%.

Xuất khẩu chậm lại cũng sẽ gây thêm áp lực giảm tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay, trong bối cảnh các dấu hiệu cho thấy sự phục hồi sau Covid-19 đã bắt đầu mờ dần.

Bất chấp việc Bắc Kinh dỡ bỏ các biện pháp kiềm chế Covid vào cuối năm ngoái, người tiêu dùng vẫn miễn cưỡng vung tiền cho những mặt hàng có giá trị lớn, các doanh nghiệp tư nhân chỉ thực hiện các khoản đầu tư mới trong năm nay trong khi triển vọng của thị trường bất động sản vẫn không chắc chắn sau khi phục hồi vào mùa xuân.

Capital Economics cũng nhận thấy xuất khẩu ngày càng xấu đi trước khi bắt đầu đảo chiều vào cuối năm, chỉ ra khả năng xảy ra suy thoái nhẹ ở các nền kinh tế phát triển, một phần do hiệu ứng dây chuyền từ việc tăng lãi suất vay.

Với điều kiện thắt chặt tiền tệ ở nước ngoài, một số nhà kinh tế cho rằng các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cần sớm tăng cường các gói kích thích.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã kiềm chế việc cắt giảm lãi suất cơ bản trong năm nay, nhưng các nhà phân tích đang hy vọng về các biện pháp hỗ trợ nhiều hơn trong nửa cuối năm nay.

Sự phục hồi tổng thể của Trung Quốc bắt đầu mất đà vào tháng 4 khi một loạt chỉ số, bao gồm doanh số bán lẻ, sản xuất công nghiệp và hoạt động bất động sản đều không đạt dự báo đồng thuận, mặc dù cơ sở so sánh tương đối thấp so với nền kinh tế không có dịch Covid-19 của năm ngoái.

Một thước đo chính thức về hoạt động sản xuất bất ngờ trượt xuống 48,8 vào tháng 5, rơi sâu hơn vào lãnh thổ co lại và cho thấy rằng sự phục hồi có thể sẽ chững lại hơn nữa. Cục thống kê Trung Quốc dự kiến sẽ công bố một loạt các chỉ số kinh tế cho tháng 5 vào ngày 15 tháng 6.

Tháng trước, một số ngân hàng đầu tư đã hạ dự báo tăng trưởng cả năm cho Trung Quốc. Nomura và Barclays lần lượt cắt giảm dự báo xuống 5,5% và 5,3%. Mặc dù dữ liệu gần đây cho thấy sự phục hồi đang chững lại, nhiều nhà kinh tế tin rằng Trung Quốc vẫn có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng khoảng 5%.

Khánh Vy (Theo WSJ)