Xuất khẩu dệt may vượt khó về đích

Doanh nghiệp dệt may đã có 1 năm vượt khó thành công.

Cán đích ngoạn mục

Khó khăn của ngành dệt may bắt đầu từ khoảng tháng 9 năm nay, khi tình hình lạm phát khiến nhu cầu dệt may trên thị trường thế giới giảm sút.

Ông Lương Văn Thư, Tổng Giám đốc Công ty May Đáp Cầu cho hay, khó khăn về thị trường, tìm kiếm nguồn hàng, về quy mô và đơn giá đều giảm từ đầu quý III này. Ở thị trường chính như Mỹ, châu Âu, đơn hàng đã giảm tới 50%.

Đồng ý kiến, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan Thành phố Hồ Chí Minh thông tin thêm, từ tháng 7/2022 đến nay, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn do sụt giảm đơn hàng rất mạnh, đặc biệt doanh nghiệp ở khu vực phía nam, tập trung vào thị trường Mỹ, châu Âu do sức ép lạm phát, giảm chi tiêu.

Sau 2 năm khó khăn do đại dịch Covid-19, ngành dệt may dần phục hồi từ đầu năm nay.

Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may tăng trưởng chủ yếu rơi vào các tháng đầu năm. Bắt đầu từ quý III tới nay, các doanh nghiệp gặp rất khó khăn do sụt giảm đơn hàng mạnh tập trung vào thị trường Mỹ, châu Âu bởi sức ép lạm phát lớn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.

Đồng thời, đơn giá hàng dệt may cũng bị giảm hơn 20%, thậm chí có đơn hàng giảm tới 40-50%. Trong 10 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu của đơn vị tăng khoảng 8% so cùng kỳ năm 2021, song các đơn hàng bị thiếu do đối tác dịch chuyển sang những thị trường có giá nhân công rẻ, thuế suất thấp như Bangladesh, Myanmar, châu Phi…

Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn thách thức, xuất khẩu ngành dệt may Việt Nam vẫn tự tin về đích với con số 44 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường đạt giá trị xuất khẩu lớn nhất với hơn 18 tỷ USD, Hàn Quốc là 4,2 tỷ USD, Nhật Bản là 3,9 tỷ USD, Trung Quốc là gần 3,9 tỷ USD…

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam chia sẻ, có được kết quả trên là nhờ Việt Nam đã mở toang cánh cửa hội nhập với 15 hiệp định thương mại có hiệu lực. Đó là nền tảng tạo ra sự đa dạng hóa thị trường.

Ngoài ra, doanh nghiệp ngành dệt may đang đẩy nhanh chuyển đổi từ sản phẩm dệt may Việt Nam gia công nhiều, sang quản trị số, chuỗi cung ứng, tự chủ, bắt kịp xu thế xanh hóa, phát triển bền vững với những loại sợi mới từ cây gai, lông cừu.

Ngành dệt may dần chủ động nguồn nguyên liệu.

Chưa kể, việc lạm phát, đồng tiền mất giá, sức mua của các nước lớn giảm là rủi ro. Tuy nhiên, đây chính là áp lực buộc doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải tìm kiếm, đa dạng hóa thị trường. Nhiều doanh nghiệp trong khó khăn vẫn tăng trưởng như May Việt Tiến, May 10, Nhà Bè, An Phước…

Thách thức nào cho năm 2023?

Năm 2022 đã kết thúc với một “cái kết đẹp” cho xuất khẩu dệt may.

Song cũng như các ngành công nghiệp khác, ngành dệt may vẫn đang đứng trước rất nhiều khó khăn thách thức như dịch bệnh vẫn chưa chấm dứt, chính sách Zero Covid của Trung Quốc, lạm phát toàn cầu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, sức mua của người tiêu dùng vẫn giảm mạnh, xung đột Nga-Ukraine vẫn còn căng thẳng.

Bên cạnh đó là những đòi hỏi khắt khe đến từ các nhãn hàng, như giảm giá sản xuất, đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh, có những đơn hàng chỉ cho thời gian sản xuất và giao hàng trong 5-7 ngày, chất lượng đòi hỏi cao hơn, chuyển đổi sử dụng vải có thành phần sợi tái chế…

Ngoài ra, còn có những đòi hỏi doanh nghiệp phải tuân thủ nhiều chính sách khác của nhãn hàng, như phát triển bền vững, xanh hóa, tiết kiệm năng lượng, giảm khí thải.

Chưa kể, việc tỷ giá tăng cao khiến doanh nghiệp xuất khẩu thu về USD và quy đổi sang tiền Việt Nam có lợi.

Song ở chiều ngược lại, doanh nghiệp nhập khẩu nguyên phụ liệu lại đang bất lợi, đặc biệt trong bối cảnh ngành dệt may Việt Nam hiện đang nhập khẩu với tỷ lệ khá lớn nguyên phụ liệu, nhất là vải.

Trong bối cảnh đó, năm 2023, ngành dệt may đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng. Theo đó, kịch bản tích cực là xuất khẩu dệt may có thể đạt 47-48 tỷ USD và kịch bản kém tích cực hơn là đạt khoảng 45-46 tỷ USD.

Theo ông Vũ Đức Giang, động lực để ngành dệt may đặt ra con số đó là các Hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực vẫn đang mang lại hiệu quả lớn cho xuất khẩu dệt may.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đã và đang tích cực mở rộng, đa dạng hóa thị trường. Nếu như trước đây, Việt Nam cung cấp sản phẩm cho các nước đạo Hồi với tỷ trọng nhỏ, nhưng đến nay, doanh nghiệp đang cung cấp hàng cho thị trường này rất lớn, họ chuyển dịch một phần đơn hàng từ các nước Bangladesh, Myanmar sang.

Ngoài ra, dệt may việt Nam đã và đang thúc đẩy giảm nhập khẩu, tăng nội địa hóa nguyên phụ liệu trong nước. Chính điều đó là giải pháp để doanh nghiệp chủ động được nguồn nguyên phụ liệu sản xuất.

Tuy nhiên, những thách thức về lạm phát và sụt giảm đơn hàng vẫn đang đè nặng lên doanh nghiệp.

Do đó, Hiệp hội Dệt may lưu ý, thời gian tới, các doanh nghiệp trong ngành dệt may cần theo dõi sát tình hình, lựa chọn đơn hàng phù hợp, duy trì sản xuất, đảm bảo việc làm cho người lao động trong thời gian trước mắt; không nên quá lo lắng ký đơn hàng dài hạn với giá thấp.

Đối phó với khó khăn, các doanh nghiệp có thể áp dụng nhiều giải pháp như cho người lao động nghỉ phép, giảm giờ làm thêm; doanh nghiệp tận dụng thời gian triển khai các chương trình theo yêu cầu của các thị trường xuất khẩu như xanh hóa, số hóa; đối thoại với đối tác để chia sẻ khó khăn, xây dựng mối quan hệ lâu dài, tin cậy…

Về phía các cơ quan chức năng, Thứ trưởng Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân chia sẻ, trong bối cảnh tình hình kinh tế diễn biến phức tạp, xung đột địa chính trị diễn ra căng thẳng, dịch bệnh, lạm phát, biến động tỷ giá… song kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam vẫn ước đạt 44 tỷ USD. Đây là con số rất đáng ghi nhận. Có được kết quả trên là nhờ sự nỗ lực của Chính phủ, Hiệp hội và đặc biệt là các doanh nghiệp trong ngành.

Năm 2023, thị trường được nhận định còn nhiều biến động và khó khăn. Do đó, cộng đồng doanh nghiệp phải tiếp tục triển khai nhiều giải pháp khắc phục, biến thách thức thành cơ hội, linh hoạt vượt khó để đạt các mục tiêu đề ra.

Về phía Bộ Công thương, Bộ cam kết đồng hành cùng các doanh nghiệp, hiệp hội trong việc tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp hỗ trợ tối đa trong việc cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, giải quyết những khó khăn trong thẩm quyền.

HÀ ANH