Xuất khẩu ngày 25-27/8: Một mặt hàng từ kim ngạch 'không đáng kể' đến đứng đầu về xuất khẩu; dệt may 'ngóng' tín hiệu từ thị trường Mỹ

Sầu riêng đã vươn lên trở thành mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất. (Nguồn: Báo Vĩnh Long)

Từ kim ngạch "không đáng kể", mặt hàng này vươn lên trở thành mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất

Theo thống kê sơ bộ Tổng cục Hải quan vừa công bố, kim ngạch xuất khẩu rau quả trong 8 tháng qua ước đạt 3,5 tỷ USD, tăng gần 56% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức cao kỷ lục từ trước tới nay của ngành rau quả. Trong đó, mặt hàng sầu riêng từ kim ngạch "không đáng kể" đã vươn lên trở thành mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất.

Theo Tổng cục Hải quan, con số này còn cao hơn kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả năm ngoái. Trong số các nhóm rau quả, sầu riêng, thanh long là trái cây đóng góp lớn cho sự tăng trưởng này. Đặc biệt xuất khẩu sầu riêng 8 tháng chiếm 30% tổng kim ngạch.

Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, nguyên nhân xuất khẩu sầu riêng tăng mạnh là do tháng 5 và 6 vào mùa thu hoạch rộ loại quả này ở các tỉnh phía Nam nên lượng hàng xuất sang thị trường Trung Quốc tăng đột biến. Từ tháng 8 tới cuối năm sẽ bước vào chính vụ thu hoạch ở Tây Nguyên. Do đó, sản lượng sẽ tăng vọt và xuất khẩu sầu riêng vượt 1 tỷ USD.

Hiện, giá thu mua sầu riêng đang tăng mạnh do hàng miền Tây vào cuối vụ. Tại các nhà vườn, giá sầu riêng loại một đang rao bán 85.000 - 100.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Gần đây, giá sầu riêng Việt Nam được doanh nghiệp và tiểu thương Trung Quốc mua giá cao. Ngoài ra, thời gian vận chuyển ngắn, sản phẩm của Việt Nam luôn tươi ngon nên có sức cạnh tranh mạnh so với hàng Thái.

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, mặt hàng rau quả xuất khẩu tới các thị trường chính trong 7 tháng đầu năm 2023 đều tăng trưởng tốt, trừ thị trường Hoa Kỳ, thị trường Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan và Úc. Dẫn đầu về trị giá xuất khẩu là thị trường Trung Quốc đạt 2 tỷ USD, tăng 128,5% so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc tăng trưởng cao góp phần thúc đẩy ngành hàng rau quả tăng trưởng khả quan trong năm 2023, bởi trị giá xuất khẩu sang thị trường này chiếm 64,7% tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả.

Tiếp theo là xuất khẩu tới thị trường Hoa Kỳ đạt 140,5 triệu USD, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm 2022; tới Hàn Quốc đạt 125,1 triệu USD, tăng 13%; tới Nhật Bản đạt 105,6 triệu USD, tăng 5,5%... Nhu cầu nhập khẩu hàng rau quả tại các thị trường này lớn, nhưng Việt Nam chỉ xuất khẩu một phần nhỏ so với tổng nhu cầu, do đó còn nhiều dư địa để các doanh nghiệp khai thác.

Dự báo cả năm 2023, nhiều khả năng xuất khẩu rau quả sẽ cán đích ở cột mốc lịch sử 5 tỉ USD. Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh lạm phát toàn cầu, năm 2023, Trung Quốc sẽ là điểm đến tiềm năng nhất của nông sản Việt Nam nhờ nhu cầu bùng nổ, vị trí địa lý gần, chi phí logistics và rủi ro thấp hơn các thị trường khác.

7 tháng 2023, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam với châu Á đạt gần 242 tỷ USD

Tổng cục Hải quan cho biết, xuất nhập khẩu hàng hóa trong 7 tháng/2023 của Việt Nam sang khu vực thị trường châu Á đạt 241,84 tỷ USD, chiếm tỷ trọng lớn nhất 65% trong tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ra thế giới và giảm 13,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tiếp theo là châu Mỹ với 76,47 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 20,4%, giảm 18,7%; châu Âu là 42,06 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 11,2%, giảm 7,4%; châu Đại Dương với 8,97 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 2,4%, giảm 15,2%; châu Phi với 5,02 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 1,3%, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước.

Thương mại hàng hóa sụt giảm theo tình hình chung của thương mại toàn cầu.

Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường thuộc châu Á, ngoại trừ Trung Quốc tăng trưởng dương ở mức 1,8% (30,5 tỷ USD), tất cả các thị trường lớn còn lại đều giảm.

Đơn cử, xuất khẩu sang Nhật Bản 13,086 tỷ USD, giảm 3,1%, Hàn Quốc 13,175 tỷ USD, giảm 7,2%, sang Asean đạt 18,639 tỷ USD, giảm 8,7% so với cùng kỳ.

Các thị trường lớn như EU, Mỹ cũng chứng kiến mức suy giảm sâu. 7 tháng, xuất khẩu sang Mỹ đạt 53,096 tỷ USD, giảm 20,8%, sang EU 27 đạt 25,261 tỷ USD, giảm 8,8%, sang châu Đại Dương, gồm Australia và New Zealand đạt 3,439 tỷ USD, giảm 11,1%.

Trao đổi thương mại hàng hóa của Việt Nam với khu vực châu Á trong năm 2022 đạt 475,29 tỷ USD, tăng 9,6% so với năm 2021, tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất (65,1%) trong tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước.

Cụ thể, theo thống kê này, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 730,2 tỷ USD, tăng 9,1% (tương ứng tăng 61,2 tỷ USD) so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu là 371,3 tỷ USD, tăng 10,5%, tương ứng tăng 35,14 tỷ USD; nhập khẩu là 358,9 tỷ USD, tăng 7,8%, tương ứng tăng 26,06 tỷ USD.

Năm ngoái, trao đổi thương mại hàng hóa của Việt Nam với châu Á đạt 475,29 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu, năm 2022, đạt 177,26 tỷ USD, tăng 9,5%, chiếm 47,7% kim ngạch cả nước; nhập khẩu đạt 298,03 tỷ USD, tăng 9,6%, chiếm 83% kim ngạch cả nước. Trong 5 châu lục, Việt Nam nhập siêu duy nhất từ châu Á.

Các đối tác lớn ở châu lục này có thể kể đến như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, khu vực ASEAN…

Năm ngoái, xuất nhập khẩu với ASEAN đạt 81,14 tỷ USD (xuất khẩu 33,86 tỷ USD, tăng 17,7%, nhập khẩu 47,28 tỷ USD, tăng 14,9% ), nhập siêu từ thị trường này 13,42 tỷ USD.

Thương mại 2 chiều với Trung Quốc đạt 175,65 tỷ USD (xuất khẩu 57,7 tỷ USD, tăng 3,3%, và nhập khẩu từ Trung Quốc 117,95 tỷ USD, tăng 7,2%), nhập siêu từ Trung Quốc 60,25 tỷ USD.

Với Hàn Quốc đạt 86,38 tỷ USD (xuất khẩu 24,29 tỷ USD, tăng 10,7% và nhập khẩu 62,09%, tăng 10,5%), Việt Nam nhập siêu 37,8 tỷ USD từ thị trường này.

Thương mại 2 chiều với Nhật Bản đạt 47,6 tỷ USD (xuất khẩu 24,23 tỷ USD, tăng 20,4%, nhập khẩu 23,37 tỷ USD, tăng 2,6%), xuất siêu gần 1 tỷ USD.

Dệt may hồi hộp "ngóng" tín hiệu từ thị trường Mỹ

Theo các chuyên gia, thị trường Mỹ có dấu hiệu khởi sắc những tháng cuối năm 2023, có thể làm giảm áp lực sụt giảm xuất khẩu của các nhà cung ứng.

Căn cứ theo số liệu thống kê lịch sử nhập khẩu hàng may mặc của Mỹ hàng năm trong 20 năm qua, Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho rằng, mặc dù 6 tháng đầu năm 2023 nhập khẩu dệt may giảm 23% so với cùng kỳ nhưng vẫn đạt 38 tỷ USD tương đương với mức nhập khẩu bình thường trước dịch Covid 19.

Kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vào Mỹ sẽ đạt 8 tỷ USD trong năm 2023. (Nguồn: Tạp chí Tài chính)

Trong trường hợp không có thêm cú sốc ảnh hưởng lớn đến kinh tế toàn cầu và kinh tế Mỹ vẫn duy trì được tăng trưởng việc làm hàng tháng quanh mức 200.000 việc làm mới, thu nhập trung bình theo giờ vẫn tăng trên 4% thì dự kiến 6 tháng cuối năm 2023 nhập khẩu dệt may Mỹ sẽ tăng 10% so với 6 tháng đầu năm 2023, đạt khoảng 43 tỷ USD để cả năm kim ngạch nhập khẩu hàng may mặc đạt 80 tỷ USD (giảm khoảng 20% so với năm ngoái).

Đồng tình với quan điểm này, ông Trương Văn Cẩm- Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhận định: Tình hình đơn hàng từ nay đến cuối năm sẽ cải thiện và kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vào Mỹ sẽ đạt 8 tỷ USD trong năm 2023.

Thị trường nhập khẩu dệt may của Mỹ có thể khởi sắc, tuy nhiên, các nhà cung ứng được khuyến cáo cần theo dõi những vấn đề đang được các nhà nhập khẩu Mỹ quan tâm, có thể ảnh hưởng tới việc đặt hàng.

Thứ nhất, lạm phát và triển vọng nền kinh tế Mỹ. Một số nhận định cho rằng nền kinh tế Mỹ có thể tránh được cuộc suy thoái khi thị trường việc làm vẫn diễn ra mạnh mẽ, tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức 3,5% nhưng nhu cầu tiêu dùng hàng hóa nói chung, trong đó có hàng dệt may chỉ thực sự phục hồi khi lãi suất bắt đầu xu hướng giảm.

Thứ hai, sau hơn một năm Đạo Luật chống lao động cưỡng bức (UFLPA) được thực thi, theo thống kê của cơ quan Hải quan của Mỹ (CBP), tính đến hết tháng 6/2023 đã có 812 lô hàng dệt may, da giày, trị giá 34 triệu USD bị tạm giữ điều tra liên quan đến đạo luật UFLPA. Mặc dù xét về giá trị các lô hàng bị điều tra chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong gần 60 tỷ USD nhập khẩu dệt may, da giày vào Mỹ nhưng rủi ro về trách nhiệm chứng minh không vi phạm của nhà nhập khẩu Mỹ là rất lớn. Điều này đặt ra yêu cầu cho tất cả các thành viên trong chuỗi cung ứng từ nhà cung cấp sợi, dệt vải đến may cần có trách nhiệm trong việc cùng nhà nhập khẩu/người mua hàng chứng minh hàng hóa xuất đi Mỹ không vi phạm UFLPA.

Thứ ba về chi phí sản xuất, chi phí lương tại các quốc gia sản xuất/xuất khẩu dệt may xu hướng tăng, chi phí tuân thủ các quy định như đạo luật UFLPA tiếp tục làm tăng chi phí sản xuất và chi phí sourcing của các hãng thời trang lớn của Mỹ.

Thứ tư, Mỹ tiếp tục tìm nguồn cung ứng thay thế Trung Quốc. Số liệu thống kê cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2023, thị phần nhập khẩu các mặt hàng từ bông của Trung Quốc đã giảm xuống dưới 10% và xu hướng này chắc chắn sẽ còn tiếp tục trong năm tới.

Ngoài ra, các vấn đề khác như “Tuân thủ các quy định liên quan đến thương mại” và “Đầu tư, cập nhật công nghệ” trong bối cảnh số hóa ngày càng gia tăng trong lĩnh vực kinh doanh thời trang, từ thiết kế sản phẩm, quản lý đơn hàng đến truy tìm nhà cung cấp cũng là những vấn đề quan tâm của nhà mua Mỹ.

Để tận dụng cơ hội thị trường Mỹ có dấu hiệu khởi sắc những tháng cuối năm để đẩy mạnh xuất khẩu, ông Đỗ Mạnh Quyền - Trưởng Chi nhánh Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Houston, Mỹ cho rằng: Doanh nghiệp cần xác định lại chiến lược kế hoạch sản xuất kinh doanh nội địa, xác định rõ thị trường và sản phẩm, đẩy mạnh tìm hiểu các quy định, rào cản xuất khẩu sang thị trường Mỹ; cải thiện chất lượng hóa cũng như công nghệ sản xuất.

Ngoài tìm kênh phân phối lớn, cần tìm đến các thị trường ngách để xuất khẩu bởi các nhà phân phối lớn có trở ngại là khi họ giảm các nhu cầu sẽ ngắt kết nối, điều này khiến cho hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp rơi vào tình trạng bị đứt gãy. Đồng thời, các hoạt động xúc tiến thương mại nên tìm đến các doanh nghiệp, người địa phương để ký kết hợp đồng tư vấn để có được cơ hội giải quyết hàng tồn kho, hàng lẻ.

(tổng hợp)

Vân Chi