Xung đột tại Trung Đông leo thang phủ bóng kinh tế toàn cầu

Giá dầu thế giới tiếp tục tăng khi căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông leo thang. Ảnh: AFP/TTXVN

Xung đột giữa Iran và Israel leo thang sau khi Iran phóng một loạt máy bay không người lái và tên lửa vũ trang, gây nguy cơ một cuộc chiến mở giữa hai nước với khả năng có sự tham gia của Mỹ. Theo ờ Financial Times, sự leo thang xung đột là nguy cơ lớn đối với nền kinh tế thế giới.Mặc dù mức tiêu thụ dầu của thế giới đã giảm hơn một nửa trong 50 năm qua, nhưng mặt hàng năng lượng này vẫn là nguồn thiết yếu. Sự gián đoạn nghiêm trọng về nguồn cung sẽ tác động tiêu cực đến kinh tế thế giới.Hơn nữa, vùng Vịnh là nguồn cung năng lượng quan trọng nhất thế giới. Theo thống kê, khu vực này chiếm 48% trữ lượng toàn cầu và sản xuất 33% lượng dầu của thế giới trong năm 2022. Còn theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, 20% lượng dầu của thế giới đi qua eo biển Hormuz trong năm 2018. Đây là điểm nghẽn nguồn cung năng lượng toàn cầu. Một cuộc chiến giữa Iran và Israel, và có thể có sự tham gia của Mỹ, sẽ có sức tàn phá khủng khiếp.Các nhà hoạch định chính sách kinh tế tại cuộc họp mùa Xuân của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) trong tuần này chỉ có thể hy vọng những khuyến nghị khôn ngoan sẽ thắng thế ở Trung Đông. Nếu thảm họa thực sự tránh được, nền kinh tế thế giới sẽ ra sao? Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (WEO) của IMF đưa ra cái nhìn tổng quan một cách có hệ thống về tình hình kinh tế hiện tại của thế giới.Nhà kinh tế trưởng tại IMF, Pierre-Olivier Gourinchas, cho biết thành tích gần đây của kinh tế thế giới tốt hơn nhiều so với lo ngại, dù có những cú sốc về sản lượng và lạm phát do đại dịch gây ra, cuộc xung đột Nga-Ukraine, giá cả hàng hóa tăng mạnh và chính sách tiền tệ thắt chặt. Ông nhấn mạnh, dù nhiều dự báo ảm đạm, kinh tế thế giới đã tránh được suy thoái, phần lớn hệ thống ngân hàng đã chứng tỏ khả năng chống chịu, các thị trường mới nổi cũng như các nền kinh tế đang phát triển không bị dừng đột ngột về tài chính.Đáng chú ý, lạm phát gia tăng không gây nên vòng xoáy giá lương ngoài tầm kiểm soát. Nhìn chung, nền kinh tế thế giới cho thấy sự linh hoạt và lạm phát ổn định hơn nhiều người đã nhận định. Đây đều là tin tốt.Thật vậy, tăng trưởng sản lượng tích lũy trong năm 2022 và 2023 đã vượt dự báo hồi tháng 10/2022 của IMF về kinh tế toàn cầu và các nhóm nền kinh tế quan trọng, ngoại trừ các nước đang phát triển có thu nhập thấp (LIDC). Điều này cũng đúng đối với tăng trưởng việc làm, ngoại trừ LIDC và Trung Quốc. Nền kinh tế Mỹ đặc biệt khởi sắc, mặc dù Khu vực đồng euro (Eurozone) kém hơn nhiều.Việc thắt chặt tiền tệ cũng không ảnh hưởng nhiều tới sản lượng một phần nhờ chính sách tài khóa mang tính hỗ trợ, đặc biệt là ở Mỹ. Một lý do khác là lãi suất thực giảm thay vì tăng do lạm phát tăng quá cao. Và điều này giờ đây đang thay đổi. Một lý do nữa là lượng vay thế chấp có lãi suất cố định chiếm tỷ lệ cao, đặc biệt là ở Anh. Hơn nữa, mức tiết kiệm tăng cao trong thời kỳ đại dịch đã hỗ trợ chi tiêu. Tuy nhiên, điều này giờ đây đã kết thúc. Chính sách tiền tệ thắt chặt vẫn có thể có tác động lớn.

Trong khi thành tích ngắn hạn của nền kinh tế thế giới tốt một cách đáng ngạc nhiên, về dài hạn lại ngược lại. Tốc độ tăng trưởng GDP thực tế bình quân đầu người suy giảm đáng kể trên khắp thế giới kể từ những năm đầu của thế kỷ. Mức độ suy giảm tốc độ tăng trưởng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) - thước đo tốt nhất về đổi mới - đặc biệt nghiêm trọng. Tại các nước LIDC, tốc độ tăng trưởng TFP thậm chí chuyển sang mức âm trong thời kỳ 2020-2023.Suy giảm tăng trưởng TFP chiếm hơn một nửa mức giảm chung của tăng trưởng. Theo WEO, việc phân bổ sai nguồn vốn và lao động trong các doanh nghiệp ở mọi ngành giải thích phần lớn sự suy giảm này. Có thể thay đổi những vấn đề như vậy, nhưng không dễ. Một lý do dẫn đến sự suy giảm này có thể là do thương mại thế giới, vốn luôn là nguồn gốc của cạnh tranh, đã mất đi tính năng động.Nhìn chung, kinh tế thế giới đạt thành tích tăng trưởng ngắn hạn đáng ngạc nhiên, trừ các nước LIDC, song có sự suy giảm rõ rệt trong tăng trưởng dài hạn, phần lớn do tốc độ tăng năng suất trên toàn nền kinh tế chậm lại, đồng thời cũng có những bất ổn lớn.Về mặt tích cực, có thể thấy sự nới lỏng chính sách tài chính đang gia tăng trong ngắn hạn nhờ các cuộc bầu cử. Những dấu hiệu tích cực, đặc biệt là về nguồn cung lao động, có thể đẩy nhanh hơn nữa tốc độ giảm lạm phát. Trí tuệ nhân tạo có thể mang đến một cú sốc bất ngờ tích cực cho tăng trưởng năng suất hiện vẫn đang thấp. Cải cách thành công cũng có thể đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng sản lượng.Tuy nhiên, tăng trưởng của Trung Quốc có thể giảm mạnh. Ngoài ra cũng có những rủi ro quá rõ ràng đối với sự ổn định tài chính, tài khóa, chính trị và địa chính trị toàn cầu. Chủ nghĩa bảo hộ có thể ảnh hưởng tới thương mại thế giới. Xung đột giữa Israel, Mỹ và Iran có thể tàn phá Đông, gây tác động to lớn về giá năng lượng và hàng hóa. Kinh tế thế giới có thể đã xử lý các cú sốc tốt hơn mong đợi, song cũng cần đặc biệt thận trọng.

Minh Hợp (P/v TTXVN tại London)