Ý tưởng điều chỉnh hướng tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ khó khả thi

>>> Video hội thảo “Ý tưởng điều chỉnh hướng tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ (đoạn trên địa bàn TPHCM và Bình Dương)

Tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Văn Trình, chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu vùng và đô thị (nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM) cho biết, nhóm chuyên gia đề xuất nhiều phương án nắn đường sắt đoạn qua TPHCM và Bình Dương, trong đó có phương án đi hầu hết với Vành đai 3 và đi một phần.

Phương án tối ưu là kết hợp gần như hoàn toàn đường sắt TPHCM - Cần Thơ vào một phần bên trái của Vành đai 3 TPHCM để mở tuyến đường sắt vành đai vòng cung.

Hướng tuyến cũ hiện nay gặp rất nhiều trở ngại về giải phóng mặt bằng. Dọc Vành đai 2 hiện đô thị hóa rất nhanh, giá đền bù cao từ 2,5 - 3 lần so với Vành đai 3 TPHCM. Thuận lợi của hướng tuyến mới là đã giải phóng mặt bằng sẵn từ đường Vành đai 3 TPHCM, thi công nhanh, giảm chi phí đầu tư, ít di dời dân. Khu vực tuyến đường sắt đi qua phần lớn là đất nông nghiệp nên sẽ giúp đô thị hóa một cách chủ động theo hình thức TOD xung quanh nhà ga.

Quang cảnh hội thảo

Tại hội thảo, hầu hết các ý kiến cho rằng, ý tưởng đề xuất nắn chỉnh đường sắt đoạn qua TPHCM và Bình Dương tạo thành đường sắt vành đai vòng cung kết nối cảng là hay. Tuy nhiên, việc triển khai sẽ khó khả thi do liên quan việc điều chỉnh quy hoạch. Bởi hiện nay, đường Vành đai 3 TPHCM sắp khởi công, triển khai giải phóng mặt bằng chỉ một lần.

Nếu nắn đường sắt đi sát dự án Vành đai 3 TPHCM, cần phải giải tỏa đền bù thêm một lần nữa. Trong khi đó, Bình Dương đã đưa vào quy hoạch chung báo cáo cuối kỳ sẽ trình Bộ Xây dựng vào cuối tháng 4 này. Theo đó, đã có tất cả các dự án giao thông, hạ tầng đô thị dọc khu vực đường Vành đai 3, Vành đai 4 và không thể nào đưa thêm dự án nào khác vào được.

Trong khi đó, Viện Phó Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải Phạm Hoài Chung nhấn mạnh, đường sắt TPHCM - Cần Thơ rất quan trọng, kết nối đồng bằng sông Cửu Long. Đây là dự án thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia, hiện Ban Quản lý đường sắt (Bộ GTVT) đang nghiên cứu báo cáo tiền khả thi.

"Vấn đề thách thức hiện nay là các địa phương đã duyệt quy hoạch và việc điều chỉnh là bài toán khó. Nhóm nghiên cứu phải báo cáo ngay với lãnh đạo các địa phương để xin ý kiến định hướng về mặt chủ trương. Nếu cần, các cơ quan tham mưu của Bộ GTVT sẽ cùng nghiên cứu phương án nắn đường sắt TPHCM - Cần Thơ để đưa ý tưởng cụ thể hơn", ông Chung nói.

QUỐC HÙNG