2 tháng đầu năm, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ổn định và duy trì tăng trưởng

Năm 2024, kinh tế toàn cầu được dự báo tiếp tục đối mặt với những thách thức từ tăng trưởng yếu và lạm phát tăng cao; quá trình hội nhập sâu rộng, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã và đang khai thác có hiệu quả các Hiệp định FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới, tiếp tục có nhiều cơ hội và cả sức ép cạnh tranh mới...

Các nhà máy xay xát và lau bóng gạo ven kênh Xáng Lấp Vò hoạt động nhộn nhịp ngay từ đầu năm

Với nhiều chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho các DN sản xuất, kinh doanh được triển khai tích cực, đồng bộ trong năm 2023 là tiền đề quan trọng, là động lực giúp cộng đồng DN thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong năm 2024. Theo đánh giá của Sở Công Thương, trong tháng 2/2024, có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, đa số DN cho công nhân, người lao động nghỉ lễ từ 7 - 10 ngày. Tuy nhiên, trước đó hầu hết các DN đều đẩy mạnh sản xuất nhằm chuẩn bị nguồn hàng nên tính chung 2 tháng đầu năm, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN ổn định và duy trì tăng trưởng.

Chỉ số sản xuất công nghiệp 2 tháng đầu năm 2024 ước tăng 5,79% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 5,71%. Một số ngành công nghiệp chế biến chủ lực của tỉnh duy trì mức tăng trưởng từ 5 - 10% (sản xuất bánh phồng tôm, miến, hủ tiếu, bánh tráng và các loại tương tự tăng 10,3% so với cùng kỳ; sản xuất dược (thuốc viên các loại) tăng 6,59%; chế biến thủy sản tăng 5,15%). Riêng ngành chế biến lương thực (xay xát, lau bóng gạo) tăng 39,01% và sản xuất da giày tăng 81,29%. Tuy nhiên, vẫn còn một số sản phẩm có sản lượng giảm như: chế biến thức ăn chăn nuôi, thủy sản giảm 2,61% so với cùng kỳ; sản xuất các sản phẩm may mặc giảm 26,18%.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 2 tháng đầu năm ước đạt 358,5 triệu USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa (không tính tái xuất xăng dầu) ước đạt 229,61 triệu USD, tăng 67,19% so với cùng kỳ. Một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh như: xuất khẩu thủy sản tăng 34,07% so với cùng kỳ, xuất khẩu gạo tăng 63,76%, xuất khẩu của ngành thực phẩm (bánh phồng tôm) tăng 74,44% và ngành may mặc tăng 132,54%.

Tháng 2, có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán với nhiều hoạt động khai Xuân, lễ hội; thị trường hàng hóa cung ứng phục vụ nhu cầu mua sắm Tết khá sôi động với nguồn cung ổn định. Đặc biệt, tại các siêu thị, trung tâm thương mại còn có nhiều chương trình khyến mãi, kích cầu tiêu dùng tạo điều kiện mua sắm cho người dân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 2 tháng ước đạt 22.095 tỷ đồng, tăng 6,53% so với cùng kỳ năm trước.

Đồng Tháp hiện có khoảng 710 DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. DN trong lĩnh vực chế biến đóng góp hơn 95% vào tỷ trọng trong ngành công nghiệp của tỉnh. Trong đó, có 65 DN xuất khẩu với các mặt hàng gạo, thủy sản, may mặc, giày da, bánh phồng tôm, dược phẩm... Hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh là gạo và thủy sản (cá tra phille) chiếm tỷ trọng cao (khoảng 80%) trong kim ngạch xuất khẩu hàng hóa.

TN