Bài 4: 'Xông đất' tại công trình

Cầu Mỹ Thuận 2 bắc qua sông Tiền nối liền 2 tỉnh Vĩnh Long – Tiền Giang.

3 lần thị sát hiện trường

Hiện nay, khi công trình đã gần kề ngày khánh thành, ông Trịnh Trường Hải, Giám đốc điều hành dự án cầu Mỹ Thuận 2, Ban Quản lý dự án 7 vẫn không giấu được xúc động: “Công trình hoàn thành khẩn trương, các kỹ sư, công nhân làm việc xuyên đêm để không phụ lòng Thủ tướng kiểm tra công trình và động viên công nhân hoàn thành đúng tiền độ”. Ngày 16/3/2020, dự án cầu Mỹ Thuận 2 dài 6,6km được khởi công nhằm kết nối tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương – Mỹ Thuận với cao tốc Mỹ Thuận – ần Thơ với tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng. Không bao lâu, dịch Covid-19 bùng phát. Thời gian phong tỏa, dự án giậm chân tại chỗ. Khi khống chế được dịch, Thủ tướng liền thị sát hiện trường vì “cơ sở hạ tầng giao thông đang là điểm nghẽn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Công trình cầu Mỹ Thuận 2 hoàn thành kết nối đường cao tốc sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế. Ngày lễ, ngày Tết không còn cảnh kẹt xe trên cầu Mỹ Thuận”, những buổi làm việc với lãnh đạo địa phương Thủ tướng Phạm Minh Chính tâm sự.

Dịch Covid-19 được khống chế, tháng 2/2022, dịp xuân Nhâm Dần, Thủ tướng thị sát hiện trường cầu Mỹ Thuận 2. Tháng 11/2022, Thủ tướng thị sát lần thứ 2. Đến ngày 30/1/2023 (nhằm mùng 9 Tết Quý Mão), cán bộ, công nhân nhận được tin báo, có vị khách đặc biệt đến “xông đất” công trình. Ông Trần Anh Tài (54 tuổi), người gắn liền với cầu Mỹ Thuận 2 từ lúc khởi công cho đến nay không giấu được xúc động: “Lúc đó, mấy anh em cứ nghĩ, lãnh đạo địa phương đến thăm bởi Thủ tướng đến thị sát, nhắc nhở 2 lần rồi. Nào ngờ, khi xe khách vừa đến, Thủ tướng cùng đoàn cán bộ cấp cao, lãnh đạo địa phương đến động viên, tặng quà, anh em ai cũng xúc động. 3 năm gắn bó với công trình, tôi cũng tự hào góp một phần cho quê hương, thực hiện đúng lòng tin của Thủ tướng”.

Tham gia Đoàn công tác có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng; lãnh đạo một số địa phương vùng ĐBSCL. Sau khi nghe đơn vị thi công báo cáo tiến độ, Thủ tướng một lần nữa lưu ý việc triển khai các dự án cao tốc cần đi theo hướng tuyến thẳng nhất, ngắn nhất có thể, không bám theo đường cũ hay khu dân cư, “qua sông bắc cầu, qua đồng đổ đất, qua núi khoét núi”. Qua đó, giảm được khâu giải phóng mặt bằng, hạn chế ảnh hưởng tới đời sống người dân, giảm chi phí, thời gian và tạo ra không gian phát triển mới. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, con đường nào cũng làm tốt”.

Thủ tướng thăm và tặng quà cho công nhân thi công cầu Mỹ Thuận 2 mùng 9 Tết năm Quý Mão.

Thủ tướng nêu rõ, ĐBSCL đã được quy hoạch 3 tuyến cao tốc trục dọc và 3 tuyến cao tốc trục ngang, nhiều dự án đang được triển khai khẩn trương, quyết liệt, đồng bộ; các địa phương cần chủ động xây dựng các tuyến kết nối. Thủ tướng yêu cầu xây dựng các nút giao phù hợp để khai thác tốt nhất quỹ đất và không gian phát triển mới do các tuyến cao tốc tạo ra. Dịp này, Thủ tướng tặng quà, động viên công nhân trên công trường cầu Mỹ Thuận 2. Thủ tướng biểu dương: “Các nhà thầu đã tập trung nhân lực, phương tiện, tăng ca, kíp, tổ chức thi công khoa học để bảo đảm tiến độ, phấn đấu rút ngắn tiến độ 3 tháng, bảo đảm chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn lao động, vệ sinh môi trường, không đội vốn, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Đồng thời quan tâm đời sống công nhân, không ngừng cải tiến kỹ thuật, nâng cao trình độ để làm thêm các công trình quan trọng khác cho đất nước”.

Tháo gỡ nút thắt về hạ tầng

Chia tay với kỹ sư, công nhân cầu Mỹ Thuận 2, Thủ tướng cùng Đoàn công tác di chuyển về huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, kiểm tra dự án Cần Thơ - Hậu Giang thuộc dự án Cần Thơ – Cà Mau (tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025) và chúc mừng năm mới cán bộ, công nhân tham gia dự án. Đây là dự án Cần Thơ – Cà Mau dài gần 111km, tổng mức đầu tư hơn 27.500 tỷ đồng. Quy mô đầu tư giai đoạn hoàn chỉnh là đường cao tốc có vận tốc thiết kế 100 km/h, giai đoạn phân kỳ đầu tư với quy mô 04 làn xe, tiến hành giải phóng mặt bằng 1 lần với quy mô 04 làn xe theo quy hoạch. Tuyến đi qua địa phận 05 tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau. Bộ Giao thông vận tải giao Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận làm chủ đầu tư dự án.

Thủ tướng mừng tuổi động viên kỹ sư, công nhân trên công trường cầu Mỹ Thuận 2.

Thủ tướng cho rằng, ĐBSCL có hai “nút thắt” về hạ tầng và nhân lực, nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện hạ tầng giao thông vận tải (đường bộ, đường thủy nội địa, đường biển, đường không, đường sắt) tại khu vực này, lựa chọn công việc trọng tâm, trọng điểm để làm dứt điểm. Cùng với đó, phải đẩy mạnh đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; các tỉnh, thành phải ưu tiên, khuyến khích con em đi học, làm việc theo tinh thần “ly nông bất ly hương”. Do hạn chế về hạ tầng, chi phí logistics cho hàng hóa, nông sản khu vực ĐBSCL tăng cao.

Tại trụ sở điều hành khang trang của dự án Cần Thơ - Hậu Giang, Thủ tướng đã chúc mừng năm mới Binh đoàn 12 (Tổng Công ty Trường Sơn) và các lực lượng thi công dự án, nghe các điểm cầu tại các đơn vị thuộc Binh đoàn 12 trên cả nước báo cáo về tình hình tổ chức cho công nhân đón Tết và thực hiện nhiệm vụ. Thủ tướng nêu rõ, Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng là “đội quân công tác, đội quân chiến đấu, đội quân lao động sản xuất”, với truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, vì nhân dân mà phục vụ”, “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Thủ tướng biểu dương đội ngũ cán bộ, công nhân đã làm việc “xuyên Tết, hoan nghênh việc khẩn trương xây dựng trụ sở điều hành – “sở chỉ huy tiền phương” của dự án.

Thủ tướng động viên Binh đoàn 12 dịp xuân Quý Mão.

Thủ tướng nhắc lại truyền thống hào hùng, vẻ vang của Binh đoàn Trường Sơn (đoàn 559) – tiền thân của Binh đoàn 12, cũng như của các doanh nghiệp thuộc Quân đội trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; thực hiện tốt đường lối quân sự - quốc phòng rất sáng suốt, đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta, trong đó có chủ trương về kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, an ninh. Đặc biệt, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương sự đóng góp của các doanh nghiệp quân đội, trong đó có Binh đoàn 12, trong việc thực hiện chủ trương tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về xây dựng 5.000km cao tốc tới năm 2030.

Thủ tướng đề nghị Binh đoàn 12 “đã hứa phải làm, đã cam kết phải thực hiện”, ra sản phẩm cụ thể, đạt kết quả "cân đong đo đếm" được, thi công dự án bảo đảm chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn lao động, vệ sinh môi trường, không đội vốn, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; đồng thời quan tâm đời sống cán bộ, chiến sĩ, củng cố mối quan hệ “quân với dân như cá với nước”. Thủ tướng mong Binh đoàn tiếp tục phát huy truyền thống “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng, con đường nào cũng làm tốt”, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển hạ tầng giao thông, thực hiện hiệu quả 2 nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đã đến lúc “sòng phẳng trả nợ Đồng bằng sông Cửu Long” Tại diễn đàn “Triển vọng đầu tư xây dựng hạ tầng - phát triển kinh tế ĐBSCL” do Báo Xây dựng phối hợp với UBND thành phố Cần thơ tổ chức tại thành phố Cần Thơ, PGS.TS, chuyên gia kinh tế, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên đặt câu hỏi: “Sứ mệnh quốc gia của ĐBSCL rất lớn, nhưng tại sao đến bây giờ dân vùng này vẫn nghèo tiền rất xa so với bình quân cả nước?”. Ông Trần Đình Thiên phân tích: Nếu như năm 1990, GRDP của Thành phố Hồ Chí Minh chỉ bằng 2/3 so với của vùng ĐBSCL, thì bây giờ con số đã đảo ngược hoàn toàn, tức GRDP của ĐBSCL chỉ bằng 2/3 so với Thành phố Hồ Chí Minh. Chúng ta thấy một sự lùi lại khủng khiếp, vị thế của đồng bằng này theo cái tỷ trọng kinh tế là giảm sút, chuyển dịch của ĐBSCL chậm, di dân ra khỏi vùng ĐBSCL lại cao. Theo ông Thiên, có mấy lý do cơ bản, bao gồm vốn đầu tư cho vùng này luôn ở trạng thái “thấp bé nhẹ cân” hơn so với các vùng khác; đầu tư tư nhân và chi ngân sách cho vùng ĐBSCL cũng ở mức khiêm tốn hơn về mặt tỷ lệ so với các vùng khác Tuy nhiên, có một điều rất may mắn, theo vị chuyên gia kinh tế này, dù trình độ chưa cao, nguồn lực chưa mạnh, nhưng nỗ lực của riêng ĐBSCL những năm qua là rất lớn khi Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) vượt lên Top 5, 10 của cả nước. “Nhưng nỗ lực của địa phương, của lãnh đạo là chưa đủ khi lực lượng doanh nghiệp của ĐBSCL yếu”, ông nói và cho rằng, có nhiều lý do, bao gồm cả sự ưu tiên, hỗ trợ, cơ chế chính sách và nguồn lực từ Trung ương chưa đủ… Từ thực trạng nêu trên, ông Thiên cho rằng, cả nước đang nợ đồng bào ĐBSCL và bây giờ bắt đầu trả nợ. “Đất nước đang tích cực trả nợ cho ĐBSCL, nhưng vấn đề là trả nợ như thế nào? Việc khánh thành những công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhất là cây cầu Mỹ Thuận 2 được khánh thành là một câu trả lời thuyết phục nhất của Đảng, Chính phủ và toàn bộ hệ thống chính trị và nhân dân, từng bước trả sòng phẳng “món nợ” và xây dựng Đồng bằng sông Cửu Long đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, phát triển hơn. Người dân chúc Thủ tướng mạnh khỏe, xây thêm nhiều con đường mới Trong đợt thị sát các công trình mùng 9 Tết Quý Mão, Thủ tướng tới thăm, tặng quà, chúc mừng năm mới người dân khu tái định cư dự án Cần Thơ - Cà Mau phường Tân Phú, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ. Thủ tướng đề nghị địa phương quan tâm sinh kế người dân, hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa, cây xanh... và nhân cơ hội này tiến hành tái cơ cấu các khu dân cư ngày càng khang trang. Thủ tướng cảm ơn bà con đã nhường đất cho dự án và mong bà con tiếp tục vận động những người khác ủng hộ dự án, sớm bàn giao mặt bằng. Khẳng định với Thủ tướng là nơi tái định cư tốt hơn nơi ở cũ, bà con chúc Thủ tướng luôn mạnh khỏe, xây thêm nhiều con đường mới.

Khánh Bình – Nhi Nhi