Niềm tin tăng cao, vốn FDI vào Việt Nam sắp bứt tốc

Niềm tin của doanh nghiệp FDI tăng cao

Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) quý I/2024 của Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) do Decision Lab thực hiện đạt 52,8 điểm. Đây là mức cao nhất kể từ năm 2022, cho thấy dấu hiệu rõ ràng về niềm tin ngày càng tăng trong cộng đồng DN châu Âu của Việt Nam.

Chủ tịch EuroCham Dominik Meichle cho biết: “Xu hướng tích cực này nhấn mạnh quan điểm của cộng đồng DN châu Âu về Việt Nam là một thị trường năng động với triển vọng tăng trưởng. Chỉ số này một lần nữa tăng trên ngưỡng 50 khẳng định sức hấp dẫn ngày càng tăng của quốc gia này. Những nỗ lực liên tục nhằm nâng cao sự ổn định và khả năng dự đoán sẽ tăng cường hơn nữa khả năng cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam và phát huy hết tiềm năng của mình”.

Các DN châu Âu báo hiệu nhiều khả năng sẽ giới thiệu Việt Nam là điểm đến đầu tư hàng đầu khi 54% số DN được khảo sát cho thấy có nhiều khả năng giới thiệu đất nước này cho các DN nước ngoài khác. Điều này nhấn mạnh sức hấp dẫn ngày càng tăng của Việt Nam trong cộng đồng DN châu Âu, đồng thời cũng gợi ý tiềm năng tăng thêm vị thế của Việt Nam, sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Môi trường đầu tư Việt Nam luôn được cải thiện, hấp dẫn với nhiều ưu thế vượt trội.

Ông Takeo Nakajima, Trưởng Đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Việt Nam cho biết, môi trường kinh doanh của Việt Nam có nhiều kỳ vọng hứa hẹn về tiềm năng tăng trưởng. Việt Nam vẫn là một trong những thị trường hấp dẫn, có nhiều tiềm năng với các công ty mẹ của Nhật Bản.

Kết quả khảo sát của JETRO về môi trường kinh doanh vừa được công bố vào tháng 1/2024 cũng cho thấy, trong 1 - 2 năm tới, tỷ lệ DN Nhật Bản cho biết sẽ mở rộng kinh doanh tại Việt Nam là 56,7%. Đây là những “cửa sáng” quan trọng cho triển vọng thu hút FDI năm 2024.

Ông Ted Osius, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc USABC, nguyên Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam cũng đánh giá cao các chính sách của Việt Nam để chào đón nhà đầu tư nước ngoài cũng như các lĩnh vực ưu tiên như mục tiêu hoạt động của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, việc xây dựng Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 với mục tiêu đào tạo 50 nghìn kỹ sư đến năm 2030.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư - KH&ĐT), quý I/2024, đã có hơn 6,17 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2023. Vốn giải ngân đạt 4,63 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023. Sự tăng mạnh về số dự án cùng sự xuất hiện của dự án quy mô lớn là một trong những nhân tố chính thúc đẩy vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh.

Cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính

Cộng đồng DN nước ngoài vẫn cho rằng, môi trường đầu tư Việt Nam bên cạnh những ưu điểm như chính trị ổn định, chất lượng nguồn lao động đang dần được cải thiện vẫn bộc lộ không ít tồn tại cần được tiếp tục cải thiện trong thời gian tới, những tồn tại này thể hiện qua thủ tục hành chính rườm rà; chính sách thu hút đầu tư hay thay đổi và chuỗi cung ứng chưa hoàn thiện.

Để có thể thu hút FDI chất lượng hơn, hiệu quả hơn, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, hiện nay, Việt Nam cũng đang tập trung vào các đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, với chủ trương thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam tiếp tục được cộng đồng quốc tế đánh giá tích cực, nhiều tập đoàn đa quốc gia. Đặc biệt là các tập đoàn lớn trong lĩnh vực công nghệ, điện tử, bán dẫn đã và đang nghiên cứu, thành lập cứ điểm sản xuất tại Việt Nam.

Ở góc độ địa phương, ông Trần Tuấn Anh, Phó Trưởng ban Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội cho biết, thành phố Hà Nội xác định mục tiêu trong giai đoạn đến năm 2025 có 2 đến 5 khu công nghiệp mới được thành lập, tạo mặt bằng sạch để thu hút các dự án đầu tư. Thành phố sẽ ưu tiên thu hút đầu tư có chọn lọc; trong đó, ưu tiên tiếp nhận các dự án ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường với các sản phẩm có giá trị thương mại mang tính cạnh tranh cao nhằm tham gia vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu. Ông Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, Bắc Giang tiếp tục kiên trì với giải pháp đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư, kịp thời tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản đối với các DN, các nhà đầu tư.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, năm nay để thu hút đầu tư nước ngoài đạt hiệu quả cần giữ ổn định của môi trường đầu tư. Đồng thời, lựa chọn các nhà đầu tư tiềm năng trong các lĩnh vực trọng điểm như công nghệ cao, công nghệ thông tin, dịch vụ chất lượng cao. Để tăng thu hút đầu tư nước ngoài thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh chính sách đầu tư nước ngoài phù hợp với xu hướng đầu tư toàn cầu; trong đó, đặc biệt quan tâm đến các ngành, lĩnh vực có khả năng đóng góp cho quá trình xanh hóa nền kinh tế, chuyển đổi năng lượng, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số…

Trao đổi với PV Báo CAND ngày 9/4, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, môi trường đầu tư tốt, nhà đầu tư lạc quan cho thấy triển vọng thu hút FDI trong dài hạn vẫn rất sáng sủa. Mới đây, phái đoàn khoảng 50 DN lớn của Mỹ tới Việt Nam cho thấy các DN Mỹ tiếp tục quan tâm đến nền kinh tế nước ta. Theo ông Toàn, khi DN Mỹ, châu Âu đầu tư công nghệ cao vào Việt Nam cơ hội về thu hút đầu tư cũng sẽ tăng lên. Do vậy, để thu hút FDI hiệu quả, cần ưu tiên phát triển hạ tầng, đất sạch; giao thông, hạ tầng kỹ thuật, nguồn nhân lực và thể chế. Đặc biệt, ưu tiên hàng đầu vẫn là hoàn thiện thể chế, luật pháp. Đi kèm với đó là thực thi thể chế, chính sách, gắn liền với phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu.

Lưu Hiệp