Bảo đảm khi Nghị quyết được ban hành, địa phương phải thực hiện được ngay

Quy định cụ thể tiêu chí giao cho chủ dự án tự thực hiện mua sắm

Thảo luận tại tổ và hội trường về dự thảo Nghị quyết, đa số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều đánh giá cao cơ quan thẩm tra đã thẩm tra kỹ lưỡng, toàn diện các quy định về một số cơ chế đặc thù nhằm thể chế hóa đầy đủ các quy định, chính sách về quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 theo hướng tăng cường phân cấp, trao quyền, tạo điều kiện thuận lợi cho các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành mục tiêu từng Chương trình theo các Nghị quyết của Quốc hội.

Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, cần tiếp tục bổ sung làm rõ một số nội dung trong dự thảo Nghị quyết bảo đảm khi ban hành, các địa phương có thể thực hiện được ngay.

Đại biểu Quốc hội Lò Thị Luyến (Điện Biên) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Theo ĐBQH Lò Thị Luyến (Điện Biên), tại khoản 4, Điều 4, dự thảo Nghị quyết quy định: “Sử dụng ngân sách nhà nước trong trường hợp giao chủ dự án phát triển sản xuất tự thực hiện việc mua sắm hàng hóa cho hoạt động phát triển sản xuất”; việc giao chủ dự án phát triển sản xuất tự thực hiện việc mua sắm hàng hóa cho hoạt động phát triển sản xuất là phù hợp. Tuy nhiên, cần làm rõ trường hợp nào cơ quan quản lý nhà nước được giao cho chủ dự án phát triển sản xuất.

Đại biểu Lò Thị Luyến nêu rõ, theo Thông tư 55/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 (khoản 2, Điều 3) thì có 2 trường hợp: một là đơn vị thực hiện hoạt động hỗ trợ mua sắm, thì thực hiện đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thấu; hai là giao cho chủ dự án tự mua sắm. Tuy nhiên, trong Thông tư 55/2023/TT-BTC cũng không quy định tiêu chí để áp dụng một trong 2 trường hợp trên. Đại biểu đề nghị quy định cụ thể tiêu chí giao cho chủ dự án tự thực hiện mua sắm trên cơ sở đề xuất của chủ dự án theo đơn đề xuất, để các cơ quan thuận lợi khi tổ chức thực hiện.

Đại biểu Quốc hội Chu Thị Hồng Thái (Lạng Sơn) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Tại điểm b, khoản 4, Điều 4, dự thảo Nghị quyết có nêu: “Trường hợp chủ dự án phát triển sản xuất trực tiếp sản xuất, cung ứng giống cây trồng vật nuôi, cơ quan quản lý dự án thanh toán trực tiếp chi phí sản xuất, cung ứng giống cây trồng vật nuôi theo giá thị trường tại địa bàn thực hiện dự án, hoặc theo định mức hỗ trợ theo quy định của HĐND cấp tỉnh”. Băn khoăn về quy định này, ĐBQH Chu Thị Hồng Thái (Lạng Sơn) đề nghị, cần làm rõ khi nào thì thanh toán theo giá thị trường, khi nào theo định mức hỗ trợ của HĐND?

Tạo tính linh hoạt, chủ động cho các địa phương

Thống nhất với cơ chế phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hàng năm, ĐBQH Mai Văn Hải (Thanh Hóa) cho biết, trên thực tế, khi Chính phủ giao dự toán chi thường xuyên để thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia theo dự án thành phần, lĩnh vực sẽ bảo đảm được việc kiểm soát chi đúng mục đích theo mục tiêu đề ra. Nhưng lại nảy sinh những vướng mắc như trường hợp chi không đúng đối tượng, nội dung chi không còn phù hợp với thực tiễn của địa phương dẫn đến kết quả giải ngân vốn ngân sách thấp, đặc biệt là vốn sự nghiệp của Chương trình mục tiêu quốc gia, đơn cử năm 2023 giải ngân chỉ đạt 23%.

Đại biểu Quốc hội Mai Văn Hải (Thanh Hóa) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Để khắc phục vấn đề trên, đại biểu cho rằng Thủ tướng Chính phủ giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hàng năm theo tổng kinh phí chi thường xuyên cho từng Chương trình mục tiêu quốc gia và giao cho HĐND địa phương phân bổ chi tiết đến từng dự án thành phần là hoàn toàn phù hợp, giúp cho các địa phương chủ động hơn và phân bổ sát thực tiễn thực hiện các nội dung của các Chương trình.

Tuy nhiên, đại biểu Mai Văn Hải đề nghị cần làm rõ, khi nào cần thiết HĐND cấp tỉnh phân cấp cho HĐND cấp huyện phân bổ chi tiết đến từng dự án thành phần? Theo đó, nên xem xét giao cho HĐND cấp tỉnh phân bổ cho các huyện, thị xã, thành phố trong tổng kinh phí chi thường xuyên và giao HĐND cấp huyện phân bổ chi tiết đến từng dự án nội dung thành phần. Qua đó, tạo sự chủ động cho các huyện và sử dụng chi thường xuyên sát thực tiễn và hiệu quả. Đại biểu cho rằng, cần quy định rõ tiêu chí, nguyên tắc phân bổ để các địa phương thực hiện bảo đảm đúng mục đích, hiệu quả, thực hiện tốt các mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia đề ra, tránh tình trạng phân bổ một cách chủ quan, tập trung vào một số dự án cụ thể.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Luận (Yên Bái) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Việc HĐND cấp tỉnh quyết định phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hàng năm của từng Chương trình mục tiêu quốc gia chi tiết đến dự án thành phần là cần thiết. Khẳng định điều này, song theo ĐBQH Nguyễn Quốc Luận (Yên Bái), việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tại các địa phương cho thấy một số nội dung dự án thuộc các Chương trình đã hoàn thành, do đó không còn đối tượng để thụ hưởng hoặc đối tượng thụ hưởng chưa đủ điều kiện để hỗ trợ theo quy định. Trong khi đó, các nhiệm vụ, nội dung chi cho đầu tư cơ sở hạ tầng là rất cần thiết, nhưng nguồn lực chưa đáp ứng được nhu cầu, đặc biệt là đối với các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Do vậy, đại biểu Nguyễn Quốc Luận đề nghị Quốc hội xem xét, bổ sung quy định: “Cho phép HĐND tỉnh điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn từ chi thường xuyên của các nội dung, dự án không còn đối tượng chi hoặc không có khả năng giải ngân để chuyển sang chi đầu tư cơ sở hạ tầng, thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới”, để tạo tính linh hoạt, chủ động cho các địa phương trong cân đối, sử dụng nguồn lực phục vụ cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đến nay, Quốc hội thường xuyên thông qua các Nghị quyết về cơ chế đặc thù cho một số tỉnh, thành phố, như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... và dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội tại kỳ họp này là một số cơ chế đặc thù cho các Chương trình mục tiêu quốc gia. Khẳng định kết quả này, ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) khẳng định, các cơ chế đặc thù này thường cho phép các đối tượng thực thi được thực hiện phương thức hành động khác so với quy định của pháp luật hiện hành, giúp cho việc thực hiện nhanh hơn, bỏ qua một số khâu không cần thiết, hoặc bỏ qua một số quy định chưa phù hợp với địa phương, lĩnh vực và đối tượng... trên địa bàn. Việc sử dụng cơ chế đặc thù đều mang lại hiệu quả tốt, thời gian thực hiện nhanh hơn, hiệu quả đạt được nhanh hơn và chưa có cơ chế đặc thù nào gây ra hậu quả xấu. Điều này chứng tỏ, việc cho phép thực hiện khác hơn so với quy định hiện hành của pháp luật, phù hợp hơn với điều kiện, hoàn cảnh thực tế mang lại kết quả tốt.

Trong phát biểu kết luận phiên thảo luận tại Hội trường, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, các ĐBQH cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết; nhất trí với bố cục và nhiều nội dung của dự thảo. Nhiều vấn đề được ĐBQH xem xét, đánh giá, phân tích tương đối kỹ, đồng thời tiếp tục làm rõ thêm về tên gọi, các nội dung, cơ chế, chính sách đặc thù trong thực hiện các Chương trình. Trong đó, về phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương cần làm rõ hơn trường hợp nào là thật cần thiết; các nội dung về điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước kế hoạch đầu tư vốn hàng năm, ban hành quy trình thủ tục, tiêu chí mẫu, hồ sơ, sử dụng ngân sách trong trường hợp giao chủ dự án cần làm rõ hơn cơ chế định giá, thế nào là giá thị trường…

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu kiến nghị của Đoàn giám sát về các vướng mắc, khó khăn để ban hành theo thẩm quyền hoặc tiếp tục đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có văn bản để tháo gỡ khó khăn một cách triệt để hơn những vấn đề còn thiếu hoặc còn vướng mắc, như vốn đối ứng, đất rừng, lâm nghiệp, giáo dục mầm non, xử lý kết luận của kiểm toán...

Nhấn mạnh “nhận thức là một quá trình, giải quyết mâu thuẫn từ thực tế cũng phải liên tục mới đáp ứng được yêu cầu phát triển, các cơ chế đặc thù đều nhằm tạo sự phát triển trong các giai đoạn nhất định, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cần tiếp tục rà soát hệ thống pháp luật. "Khi Quốc hội, Chính phủ muốn làm việc gì phải đúng thẩm quyền, có những việc phải báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chứ không thể quy định một cách chung chung cho phép áp dụng thuận lợi nhất cho mình, như thế sẽ rất khó cho quá trình tổ chức thực hiện pháp luật”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Anh Thảo