Bảo đảm vĩ mô, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại phiên họp tổ. Ảnh Hồ Long

Thảo luận tại phiên họp tổ của Quốc hội sáng nay, 22.10, Tổng Thư ký Quốc hội nêu rõ: năm 2022, trong bối cảnh còn rất nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid - 19 và diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, nhưng Đảng, Nhà nước đã quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, có sự vào cuộc chủ động, quyết liệt, có trách nhiệm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nên nước ta đã đạt được những kết quả khả quan: dự kiến có 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra, 9 tháng đầu năm tăng trưởng đạt 8,83%, lạm phát chỉ có 2,73%. So với một số quốc gia trên thế giới, tăng trưởng còn thấp, lạm phát cao thì nước ta tăng trưởng cao, lạm phát thấp.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Quốc hội đã có đóng góp tích cực, đồng hành với Chính phủ trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Ngay từ đầu năm 2022, Quốc hội đã tổ chức Kỳ họp bất thường, thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đây là sáng kiến lập pháp hết sức quan trọng của Quốc hội. Hay những vấn đề liên quan đến thuế, xăng dầu, quốc kế dân sinh, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội cũng đã chủ động đề nghị Chính phủ trình và xem xét điều chỉnh. Nhiệm kỳ Khóa XV cũng là nhiệm kỳ đầu tiên có Kết luận của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình Xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV (trên cơ sở đề nghị của Đảng đoàn Quốc hội) thay vì phải “bắc nước chờ người”, chờ Chính phủ trình sang vấn đề gì giải quyết vấn đề đó, thì Quốc hội đã chủ động, tích cực đồng hành với Chính phủ giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra.

Đoàn đại biểu tỉnh Hải Dương tại tổ 4 (Lai Châu, Hải Dương, Quảng Ngãi, Bạc Liêu). Ảnh Hồ Long

Đối với 12 nhóm nhiệm vụ giải pháp năm 2023 được Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội, Tổng Thư ký cơ bản đồng tình, nhưng đề nghị cần quan tâm vấn đề giải ngân vốn đầu tư công chậm và việc triển khai Nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng rất chậm. Nghị quyết số 43 được Quốc hội thông qua từ đầu năm 2022, nhưng đến tháng 10 mới có văn bản hướng dẫn của Chính phủ, nhất là gói hỗ trợ lãi suất 2% triển khai quá chậm, mới giải ngân được hơn 13 tỷ đồng trên tổng số 16 nghìn tỷ đồng, trong khi đó, nếu không có gói hỗ trợ này doanh nghiệp rất khó khăn. Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng chia sẻ, càng về cuối năm thu ngân sách càng khó khăn, nhất là thu liên quan đến doanh nghiệp giảm. Hỗ trợ cho doanh nghiệp gặp nhiều vấn đề. Theo ghi nhận lãi suất của các ngân hàng rất cao. Một số ngân hàng huy động vốn cao và cho vay cao thì không doanh nghiệp nào trụ nổi, thậm chí có những gói vay lên đến 15%. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán cũng rất ảm đảm… "Đây là những câu chuyện chúng ta cần quan tâm để bảo đảm vĩ mô, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng", Tổng Thư ký Quốc hội nói.

Liên quan đến việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, thực tế quá trình thực hiện Nghị quyết này gặp rất nhiều khó khăn, bởi cùng thời điểm đó, TP. Hồ Chí Minh đang chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid – 19. Chính vì thế, TP. Hồ Chí Minh đã Báo cáo Chính phủ và đề nghị Quốc hội kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết đến ngày 31.12.2023. Tổng Thư ký Quốc hội cho rằng, việc kéo dài thời gian thực hiện thí điểm cũng là phù hợp, để có thêm cơ sở đánh giá, xem xét kỹ lưỡng các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh.

Hoàng Ngọc