Bước ngoặt với doanh nghiệp ngành thép

Kinh tế dần hồi phục mang lại kỳ vọng bức tranh tài chính của các doanh nghiệp ngành thép sẽ sáng hơn. Ảnh: N.K

Doanh nghiệp ngành thép phân hóa

Kết thúc năm 2023 với nhiều khó khăn, một số chuyên gia và tổ chức dự báo ngành thép có thể hồi phục tích cực trong năm 2024, qua đó giúp các doanh nghiệp trong ngành cải thiện biên lợi nhuận.

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) dự báo hoạt động sản xuất thép của Việt Nam có thể tăng 10% trong năm 2024 và 8% vào năm 2025, trong bối cảnh nhu cầu sử dụng thép của các ngành kinh tế trong nước phục hồi nhờ hoạt động giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông.

Còn tại báo cáo triển vọng ngành thép 2024, SSI Research cũng kỳ vọng tổng sản lượng tiêu thụ thép năm 2024 sẽ tăng hơn 6% so với năm 2023, trong đó tiêu thụ nội địa đạt mức tăng trưởng gần 7%. Mức tiêu thụ thép trong năm 2024 sẽ được hỗ trợ từ sự phục hồi của nền kinh tế vĩ mô, thị trường bất động sản, tương tự như năm 2013.

Tuy nhiên, sự phục hồi không xuất hiện đồng đều ở tất cả các doanh nghiệp trong ngành.

Tại đại hội cổ đông thường niên của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT, cho biết giá thép năm 2024 có khả năng thấp hơn đáy của năm 2023. Do đó, thay vì đặt kế hoạch lợi nhuận ở mức 700 tỉ đồng trong niên độ tài chính 2023 – 2024 như dự tính ban đầu, doanh nghiệp đặt kế hoạch lợi nhuận trong khoảng 400-500 tỉ đồng để phòng ngừa kịch bản xấu.

Với kịch bản thứ nhất, sản lượng tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp đạt hơn 1,6 triệu tấn, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế dự kiến ở mức 34.000 tỉ đồng và 400 tỉ đồng. Với kịch bản thứ hai, sản lượng tiêu thụ sản phẩm đạt hơn 1,7 triệu tấn, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế dự kiến ở mức 36.000 tỉ đồng và 500 tỉ đồng.

Tương tự, òa Phát dự kiến ghi nhận 31.000 tỉ đồng doanh thu và hơn 2.800 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế quí 1-2024 – cao hơn bảy lần so với cùng kỳ năm 2023, nhưng ông Nguyễn Việt Thắng – Tổng giám đốc, vẫn dự báo kết quả kinh doanh năm 2024 của doanh nghiệp chưa thể tăng trưởng đột biến, dù năm 2022-2023 là đáy. Điều này xuất phát từ bối cảnh kinh tế vĩ mô vẫn khó khăn, lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là tại Trung Quốc vẫn chưa “ấm lên”. Còn ở Mỹ, Fed vẫn đang duy trì chính sách tiền tệ cứng rắn do lạm phát vẫn ở mức cao.

Trái ngược với hai doanh nghiệp trên, một số doanh nghiệp thép có quy mô nhỏ và vừa rơi vào tình trạng kinh doanh sa sút, cổ phiếu bị đưa vào diện kiểm soát, thậm chí bị hủy niêm yết.

Cụ thể, cổ phiếu của Công ty cổ phần đầu tư thương mại SMC bị đưa vào diện cảnh báo và kiểm soát từ ngày 10-4-2024, do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất trong hai năm gần nhất là số âm. Cổ phiếu POM của Công ty cổ phần thép Pomina đã có quyết định hủy niêm yết từ ngày 10-5-2024 do doanh nghiệp chậm nộp báo cáo tài chính năm trong ba năm liên tiếp.

Về tình hình kinh doanh, Pomina ghi nhận lợi nhuận âm lần lượt 1.079 tỉ đồng và hơn 958 tỉ đồng trong năm 2022 và 2023. Kết quả này khiến lỗ lũy kế của doanh nghiệp lên mức 1.271 tỉ đồng tính đến cuối năm 2023, bằng 45,4% vốn chủ sở hữu.

Lý giải nguyên nhân, SMC cho biết tình hình kinh doanh của doanh ngiệp tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề do thị trường thép trầm lắng, sụt giảm kéo dài cả về giá và lượng.

Thị trường bất động sản cũng gần như đóng băng kể từ giữa năm 2022 đến nay, với tiến độ các dự án địa ốc chậm lại do vấn đề thanh khoản, nguồn vốn và pháp lý của chủ đầu tư, trong khi kênh tiêu thụ dân dụng cũng bị ảnh hưởng bởi sự suy giảm của kinh tế nói chung.

Ngoài ra, thị trường xuất khẩu gặp khó khăn do suy thoái kinh tế toàn cầu.

Tình trạng khó khăn, đình trệ của thị trường bất động sản xây dựng dẫn tới công nợ của các khách hàng lớn trong mảng này chậm luân chuyển, khiến SMC phải gia tăng trích lập dự phòng trong năm 2023.

Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất cho vay dần hạ nhiệt, nhưng vẫn là áp lực lớn khi vay vốn, trong khi nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thép giảm.

Để giải quyết khó khăn, ban lãnh đạo SMC đã thông qua việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuê, vật dụng, kiến trúc trên đất tại chi nhánh SMC Bình Dương với diện tích 6.197 mét vuông, giá trị bán dự kiến 49 tỉ đồng. Doanh nghiệp này cũng bán toàn bộ 13,1 triệu cổ phiếu – tương đương 4,98% vốn điều lệ Công ty cổ phần thép Nam Kim trong giai đoạn từ ngày 5-2 đến 4-3, số tiền thu về ước khoảng 307,8-320,9 tỉ đồng.

Với Pomina, doanh nghiệp này quyết định tái cấu trúc bằng việc góp vốn thành lập pháp nhân mới là Công ty cổ phần Pomina Phú Mỹ, vốn điều lệ dự kiến khoảng 2.700-2.800 tỉ đồng. Cụ thể, Pomina sẽ góp vốn bằng hiện vật là toàn bộ đất đai, nhà xưởng, dây chuyền thiết bị tại nhà máy Pomina 1 và Pomina 3, để sở hữu 35% vốn điều lệ. Còn các cổ đông khác sẽ góp vốn bằng tiền mặt để sở hữu 65% vốn điều lệ.

Trước đó, Công ty kiểm toán & Savills định giá hai nhà máy Pomina 1 và Pomina 3 có tổng giá trị 6.694 tỉ đồng. Căn cứ vào giá định giá của đơn vị kiểm toán, Thép Pomina ước tính giá trị hai nhà máy trong khoảng 6.000-6.800 tỉ đồng. Như vậy, góp vốn thành lập pháp nhân mới của Pomina về bản chất là bán một phần tài sản để trả nợ. Cụ thể, doanh nghiệp sẽ góp khoảng 900-1.000 tỉ đồng để sở hữu 35% vốn điều lệ. Số tiền còn lại khoảng 5.100-5.800 tỉ đồng được sử dụng để thanh toán các khoản vay ngắn – dài hạn tại ngân hàng và thanh toán các khoản phải trả các nhà cung cấp.

Cẩn trọng trước thép giá rẻ từ Trung Quốc và hàng tồn kho

Kỳ vọng ngành thép sẽ phục hồi với sự dẫn dắt của thị trường nội địa, nhất là trong nửa cuối năm 2024. Tuy vậy, các chuyên gia của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vẫn lưu các doanh nghiệp cần cẩn trọng với áp lực từ thép giá rẻ của Trung Quốc.

Theo đó, các sản phẩm thép Trung Quốc không chỉ cạnh tranh về bán hàng với các sản phẩm thép nội địa, mà còn ảnh hưởng đến giá thép Việt Nam do sự tương quan cao giữa hai thị trường. Sản phẩm dự kiến chịu nhiều ảnh hưởng nhất là thép xây dựng.

Nhận định này được đưa ra trong bối cảnh giá thép thế giới có diễn biến giảm và áp lực thép giá rẻ ở Trung Quốc đưa sang Việt Nam gia tăng.

Doanh nghiệp ngành thép đang đối diện với lượng hàng tồn kho lớn. Ảnh minh họa: DNCC

Cụ thể, giá thép thế giới đã giảm 12,4%, từ mức 4.019 xuống mức 3.521 Nhân dân tệ mỗi tấn trong giai đoạn từ ngày 21-11-2023 đến 26-3-2024, tức về lại vùng đáy được xác lập vào tháng 5-2023. Giá thép cuộn cán nóng (HRC) thế giới cũng giảm 23,9%, từ mức 1.137 xuống mức 865 đô la Mỹ mỗi tấn trong giai đoạn từ ngày 26-12-2023 đến ngày 25-3-2024

Trong khi đó, xuất khẩu thép của Trung Quốc đạt 15,9 triệu tấn trong hai tháng đầu năm 2024, tăng 32,6% so với cùng giai đoạn năm 2023. Trước đó, năm 2023 ghi nhận sản lượng thép xuất khẩu từ Trung Quốc ở mức cao nhất trong giai đoạn 2017-2023, về lại mức trên 80 triệu tấn mỗi năm, tương ứng với giai đoạn 2014-2015 – thời điểm Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu thép sang các nước do thừa cung.

Các chuyên gia của VDSC cho biết hiệu suất hoạt động của các lò cao tại Đường Sơn – trung tâm sản xuất thép của Trung Quốc – duy trì ở mức 70%, cùng với triển vọng cắt giảm sản lượng trong năm 2024 chưa rõ ràng. Đây là hai yếu tố cho thấy lượng thép Trung Quốc xuất khẩu sang các các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam, vẫn sẽ duy trì ở mức cao trong bối cảnh mức tiêu thụ của thị trường nội địa nước này còn thấp.

Thực tế này cũng được ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát thừa nhận tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên diễn ra tuần trước.

Cụ thể, sản lượng thép sản xuất trong nước chỉ đạt hơn 2 triệu tấn trong quí 1-2024, trong sản lượng thép nhập khẩu đã vượt mức 3 triệu tấn, riêng sản lượng nhập khẩu từ Trung Quốc là hơn 2,3 triệu tấn. Con số này, theo ông Long là quá lớn, tạo nguy cơ đè bẹp sản xuất trong nước. Do đó, Hòa Phát đã gửi kiến nghị điều tra chống bán phá giá tới Cục quản lý cạnh tranh của Bô Công Thương.

“Giá thép trên thị trường trung bình khoảng 550 đô la Mỹ mỗi tấn thì có doanh nghiệp Trung Quốc bán giá 510, thậm chí 490 đô la”, ông Long nói.

Bên cạnh nỗi lo thép nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc, phần lớn doanh nghiệp ngành thép sẽ phải đối mặt với áp lực quản trị hàng tồn kho. Theo đó, với đặc thù của doanh nghiệp thuộc nhóm sản xuất và thương mại, phần lớn doanh nghiệp đều duy trì lượng tồn kho nhất định liên quan tới nguyên liệu và thành phẩm thép.

Ngoại trừ SMC và Pomina sở hữu lượng tồn kho thép thấp do đang trong quá trình tái cơ cấu, bán bớt tài sản và thu hẹp kinh doanh để ổn định dòng tiền, hầu hết doanh nghiệp trong ngành có tỷ trọng tồn kho tương đối lớn.

Tính tới cuối năm 2023, Thép Tiến Lên có giá trị tồn kho 2.413,4 tỉ đồng, chiếm 58,5% tổng tài sản; Thép Nam Kim tồn kho 5.718,7 tỉ đồng, chiếm 46,7% tổng tài sản; Hoa Sen tồn kho 8.025,4 tỉ đồng, chiếm 42,7% tổng tài sản.

Với thời gian lưu kho khoảng 3-5 tháng, tức doanh nghiệp thép phải mất chừng đó thời gian để giải phóng hàng tồn kho, cũng như nhập hàng mới với giá thấp hơn thì việc giá thép bắt đầu giảm từ cuối tháng 11-2023 tới nay. Điều này đồng nghĩa với áp lực tồn kho giá cao có thể kéo dài sang quí 2-2024.

Về lý thuyết, tồn kho của doanh nghiệp thép là cấu thành chính của giá vốn hàng bán. Việc tích trữ tồn kho lớn trong môi trường giá bán tăng sẽ giúp doanh nghiệp cải thiện biên lợi nhuận gộp, đồng thời tăng lãi. Ngược lại, việc trích trữ tồn kho lớn trong môi trường giá giảm sẽ trở thành gánh nặng với doanh nghiệp, vì phải thực hiện bán dưới giá vốn.

Điển hình là trường của Thép Tiến Lên, đơn vị này từng phải bán hàng dưới giá vốn vào quí 4-2022, dẫn tới lợi nhuận gộp âm 51,2 tỉ đồng, góp phần dẫn tới số lỗ kỷ lục 114,2 tỉ đồng. Trong đó, nguyên nhân chính cũng tới từ việc tích trữ tồn kho trong bối cảnh giá thép bất ngờ lao dốc và giảm nhanh, lượng hàng tiêu thụ chậm, dẫn tới giá thành cao.

Vân Phong