Cách thức chi trả trợ cấp đối với người có công như thế nào?

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trao quà tới người có công với cách mạng tại xã Trịnh Tường, Lào Cai (Ảnh: Tống Giáp)

Bộ LĐ-TB&XH nhận được đơn kiến nghị về cách thức chi trả trợ cấp đối với người có công của ông Tạ Công Tào (địa chỉ: Khu Việt Phú, xã Địch Quả, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ), Bộ LĐ-TB&XH có ý kiến như sau:

Thực hiện Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025;

Và thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 23/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt là cụ thể hóa chủ trương của Đảng trong thực hiện chính sách an sinh xã hội, nhằm chi trả trợ cấp đến các đối tượng đúng, đủ, kịp thời nhất, trước mắt thực hiện đối với các đối tượng hưởng trợ cấp hàng tháng, lâu dài thực hiện đối với các nhóm đối tượng hưởng trợ cấp đột xuất do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh.

Về việc này, Bộ LĐ-TB&XH đã có các văn bản hướng dẫn địa phương thực hiện Quyết định và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Thực tế quá trình triển khai chi trả trợ cấp an sinh xã hội (trong đó có đối tượng người có công với cách mạng) đến các đối tượng hưởng chính sách bằng phương thức không dùng tiền mặt đã đạt được những kết quả tích cực đối với xã hội.

Bên cạnh đó còn một số khó khăn: nhiều đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội khó tiếp cận công nghệ và các phương tiện hiện đại, nhiều đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội là người cao tuổi, ốm đau, bệnh tật... đồng thời nhiều địa phương có địa bàn rộng, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Những nội dung này Bộ LĐ-TB&XH đã báo cáo, kiến nghị với Tổ Công tác đề án 06 của Chính phủ họp định kỳ hàng tháng.

Để thực hiện chủ trương của Đảng, của Chính phủ trong công tác chi trả trợ cấp an sinh xã hội đến các đối tượng hưởng chính sách được kịp thời, đúng, đủ, Bộ LĐ-TB&XH đã có các văn bản hướng dẫn các địa phương triển khai chi trả không dùng tiền mặt đến các đối tượng an sinh xã hội.

Căn cứ điều kiện cụ thể, địa phương tập trung thực hiện chi trả không dùng tiền mặt đến các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội có nhu cầu, đủ điều kiện tiếp cận công nghệ, hoặc đã có tài khoản ngân hàng.

Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội tự nguyện mở tài khoản ngân hàng phục vụ công tác nhận trợ cấp an sinh xã hội, đặc biệt là phát huy vai trò nòng cốt của cán bộ cơ sở, lực lượng công an cấp xã trong việc hỗ trợ, phối hợp với ngành LĐ-TB&XH thực hiện nhiệm vụ này.

Trường hợp đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội không đủ điều kiện mở tài khoản theo quy định và không có người ủy quyền nhận thay thì thực hiện chi trả trực tiếp qua tổ chức dịch vụ chi trả hoặc phương thức khác theo quy định.

Bộ LĐ-TB&XH xin ghi nhận ý kiến đóng góp của ông, tiếp tục báo cáo và tham mưu với Chính phủ trong hoàn thiện chính sách và hướng dẫn các địa phương triển khai chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt đến các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội.

. Thanh Nhung