Cam kết mạnh mẽ bảo đảm chất lượng lập pháp

Cẩn trọng, tận tâm, bảo đảm chất lượng cao nhất

- Kỳ họp thứ Bảy đã thành công tốt đẹp. Bà thể chia sẻ ấn tượng về kết quả kỳ họp?

- Sau 27 ngày rưỡi làm việc khẩn trương và hiệu quả, ốc hội đã hoàn thành tốt các nội dung chương trình đề ra, từ lĩnh vực lập pháp, giám sát tối cao đến quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Chương trình kỳ họp được bố trí khoa học, hợp lý, bảo đảm thời gian để hoàn thành toàn bộ các nội dung của kỳ họp; trong đó, Quốc hội nghỉ 1 tuần để Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thời gian chỉ đạo các cơ quan tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội, hoàn thiện dự thảo luật, nghị quyết trước khi trình Quốc hội biểu quyết thông qua. Việc điều chỉnh, bổ sung nội dung vào chương trình kỳ họp kịp thời, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, bảo đảm thực hiện đúng quy trình, thủ tục theo quy định, không làm kéo dài thời gian Kỳ họp, nhận được sự đồng thuận cao của Quốc hội.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Long An Lê Thị Song An

Công tác điều hành các phiên họp khoa học, linh hoạt, quyết liệt, hiệu quả, bảo đảm các đại biểu Quốc hội đăng ký đều được phát biểu, thảo luận, tranh luận, phát huy được tinh thần dân chủ và trách nhiệm cao của các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Kết thúc mỗi nội dung, Chủ tọa điều hành đều có kết luận ngắn gọn, khái quát, đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội, tạo thuận lợi cho các cơ quan tiếp thu, hoàn thiện nội dung.

Tôi đặc biệt ấn tượng với sự điều hành linh hoạt và hài hòa của Chủ tịch Quốc hội tại các phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Trong quá trình điều hành, Chủ tịch Quốc hội luôn hướng các câu hỏi và trả lời vào đúng nhóm lĩnh vực chất vấn, ngắn gọn, đúng trọng tâm và bảo đảm việc trả lời của Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng, Trưởng ngành không sót nội dung chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Bên cạnh đó, công tác phục vụ tài liệu kỳ họp cho đại biểu cơ bản đạt yêu cầu; việc cung cấp thông tin được Văn phòng Quốc hội chỉ đạo các Vụ và Thư viện Quốc hội thực hiện tốt, cung cấp kịp thời, phong phú các thông tin cần thiết khác theo yêu cầu của đại biểu Quốc hội. Việc tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp tài liệu và sử dụng tài liệu đã giúp tiết kiệm thời gian và chi phí.

Có thể khẳng định, nhờ công tác tổ chức cũng như công tác chuẩn bị cho kỳ họp được tiến hành từ sớm, từ xa, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan bảo đảm chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, đã góp phần vào thành công chung của kỳ họp, đáp ứng sự kỳ vọng, mong mỏi của cử tri và Nhân dân cả nước.

- Đây là kỳ họp có khối lượng nội dung về công tác lập pháp nhiều nhất tại một kỳ họp kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Bà đánh giá như thế nào về kết quả công tác lập pháp tại Kỳ họp?

- Kỳ họp này đã đạt được những kết quả lập pháp rất đáng kể. Quốc hội đã thông qua 11 dự án luật và 21 nghị quyết, trong đó có 3 nghị quyết quy phạm áp luật; cho ý kiến lần đầu đối với 11 dự án luật. Các dự án luật, dự thảo nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp này liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực.

Mặc dù khối lượng công việc rất lớn với khoảng 40 nội dung liên quan đến công tác lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia, Quốc hội đã thể hiện sự cẩn trọng và tận tâm trong việc bảo đảm chất lượng. Nhiều nội dung trình ra Quốc hội xem xét, thảo luận có nội dung rất phức tạp, đan xen nhiều lĩnh vực và được cử tri, Nhân dân quan tâm, theo dõi. Để đảm bảo tính thực tiễn và khả thi của các dự án luật, Quốc hội đã dành phần lớn thời gian cho các đại biểu Quốc hội tập trung nghiên cứu, phân tích và thảo luận kỹ lưỡng từng dự án luật tại hội trường và tại tổ. Điều này thể hiện cam kết mạnh mẽ của Quốc hội trong việc xây dựng một hệ thống pháp luật vững chắc và hiệu quả, phục vụ lợi ích tốt nhất cho đất nước và người dân.

Trong 11 luật được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này, tôi đặc biệt quan tâm đến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng. Việc đẩy sớm thời gian có hiệu lực của các luật nêu trên nhằm sớm đưa các điểm mới của các luật vào thực tiễn, khắc phục những tồn tại hạn chế của pháp luật hiện hành; khơi thông nguồn lực đất đai, lành mạnh hóa thị trường bất động sản, tạo động lực mới cho phát triển và thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân sớm được tiếp cận với các chính sách mới theo hướng có lợi như: chính sách nhà ở xã hội, chính sách đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, quyền lợi của người có đất bị thu hồi, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, tôi đánh giá cao Chính phủ, Ban soạn thảo và các cơ quan liên quan trong việc cố gắng chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp này, trong bối cảnh thực hiện cải cách chính sách tiền lương từ 1.7.2024, góp phần khắc phục nhiều hạn chế, bất cập về chính sách bảo hiểm xã hội thời gian qua, nhất là việc hạn chế tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, tạo cơ hội cho mọi người dân trong việc tiếp cận, tham gia, thụ hưởng chính sách, bảo đảm an sinh xã hội, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân.

Sau khi các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua, Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan liên quan nhanh chóng triển khai để đưa những quy định này vào cuộc sống. Điều cấp thiết là cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và chính quyền địa phương trong quá trình thực thi. Đồng thời, việc tăng cường công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật cũng rất quan trọng nhằm giúp người dân, tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp hiểu rõ và thực hiện đúng các quy định mới. Chỉ khi các luật được thực thi hiệu quả và được xã hội hiểu rõ, tuân thủ, chúng ta mới có thể kỳ vọng vào tác động tích cực của các văn bản pháp luật mới đối với đời sống người dân và sự phát triển chung của đất nước.

Sớm xây dựng đồng bộ các cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa đầu tư cho văn hóa

- Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa làmột trong những nội dung quan trọng được đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân quan tâm. Bà đánh giá như thế nào về sự cần thiết của Chương trình?

- Đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với lĩnh vực văn hóa. Việc Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương đầu tư Chương trình sẽ góp phần tăng cường nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa, đáp ứng yêu cầu bức thiết về phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

- Một trong những nội dung được các ĐBQH dành nhiều sự quan tâm là nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình. Bà có suy nghĩ thế nào về vấn đề này?

- Các nguồn lực được dự kiến huy động để thực hiện Chương trình là khá cao, trong đó có nguồn vốn từ ngân sách trung ương, nguồn vốn từ ngân sách địa phương và huy động từ các nguồn lực của xã hội, mặc dù Chương trình chưa xác định rõ các danh mục, dự án cụ thể để kêu gọi xã hội hóa. Đây là vấn đề được các ĐBQH đặc biệt lưu tâm và cá nhân tôi cũng mong rằng, Chính phủ sẽ sớm xây dựng đồng bộ các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, huy động được các nguồn lực xã hội tham gia vào Chương trình, để san sẻ gánh nặng với ngân sách nhà nước.

Cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành như: Luật Di sản văn hóa; Nghị định 31/2021/NĐ-CP về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư và Quyết định 1466/QĐ-TTg ngày 10.10.2008 của Thủ tướng chính phủ về danh mục thực hiện xã hội hóa… nhằm tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực văn hóa trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, tôi cũng mong rằng Chính phủ sẽ cân nhắc tỷ lệ vốn đối ứng từ ngân sách địa phương để thực hiện chương trình, cần tính đến những địa phương còn nhiều khó khăn, thu ngân sách thấp và hạn chế sự “cào bằng” trong quá trình thực hiện. Đặc biệt, tôi cũng mong muốn sẽ có sự phân định rõ các nội dung, nhiệm vụ chi, nguồn chi và lộ trình cụ thể theo từng năm, làm căn cứ cho các địa phương phân bổ vốn ngân sách nhà nước thực hiện chương trình được rõ ràng và thuận lợi hơn.

- Xin cảm ơn bà!

Nhật An thực hiện