Nâng cao nhận thức pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số

Thạc sĩ Đinh Thị Thu Trang, Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh phổ biến các quy định về bình đẳng giới cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố Long Khánh. Ảnh: An Nhơn

Chọn nội dung tuyên truyền ngắn gọn, dễ hiểu

Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với Phòng Dân tộc thành phố Long Khánh vừa tổ chức buổi tuyên truyền, PBGDPL về bình đẳng giới cho đồng bào dân tộc Hoa tại phường Bàu Sen.

Tại đây, Thạc sĩ Đinh Thị Thu Trang, Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, áp luật của Nhà nước liên quan đến bình đẳng giới; triển khai các hướng dẫn có liên quan đến bình đẳng giới; Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022; Luật Trẻ em năm 2016; lồng ghép các nội dung về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS. Báo cáo viên đã chọn những nội dung cốt lõi, phù hợp, gần gũi với cuộc sống để tuyên truyền, phổ biến nhằm giúp bà con dễ tiếp nhận, dễ hiểu.

Bí thư Chi bộ khu phố Tân Thủy (phường Bàu Sen) Hồ Xám Hội cho biết, khu phố Tân Thủy có hơn 90% đồng bào dân tộc Hoa và chiếm hơn 40% dân số toàn phường. Đồng bào dân tộc Hoa ở đây chủ yếu làm nông nghiệp và trình độ dân trí trước đây còn có những hạn chế nhất định. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, nhờ các cấp, các ngành quan tâm tổ chức những buổi tuyên truyền pháp luật thiết thực nên bà con dần nâng cao kiến thức về phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới cũng như kỹ năng bảo vệ, phòng ngừa bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em.

Phó Trưởng phòng Dân tộc thành phố Long Khánh PHAN VĂN PHÚC cho biết, thời gian qua, quá trình thực hiện PBGDPL đã bộc lộ những nội dung chồng chéo, chưa phù hợp với thực tế. Đơn vị đã kiến nghị, đề xuất các cấp điều chỉnh, bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật. Từ đó, công tác PBGDPL đã có những bước phát triển mới, góp phần nâng cao sự hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của người dân.

Phó Trưởng phòng Dân tộc thành phố Long Khánh Phan Văn Phúc cho hay, hiện trên địa bàn Long Khánh có 12 DTTS sinh sống, với 3.330 hộ/16.175 nhân khẩu (chiếm 11% dân số thành phố). Trong đó, dân tộc Chơro và dân tộc Hoa chiếm tỷ lệ lớn.

Thời gian qua, công tác tuyên truyền, PBGDPL luôn được quan tâm và tích cực triển khai thực hiện với nhiều hình thức phong phú. Nội dung tuyên truyền được chuyển tải đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ để bà con tiếp cận một cách dễ dàng. Trong đó, tập trung tuyên truyền các vấn đề bà con quan tâm; phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc đang triển khai trên địa bàn vùng DTTS; tuyên truyền an toàn giao thông; xây dựng nếp sống văn minh trong cưới, đám tang, lễ hội; vận động đồng bào xóa bỏ các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan...

Bên cạnh đó, Phòng Dân tộc thành phố Long Khánh đã đưa 21 vị già làng, người có uy tín trong đồng bào DTTS tham gia các lớp tập huấn về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước (do Ban Dân tộc tỉnh tổ chức); đi trao đổi, học tập kinh nghiệm tại tỉnh Bình Thuận... Những kiến thức học tập được đã giúp cho các già làng, người có uy tín thực hiện tốt công tác tuyên truyền, PBGDPL đến với bà con đồng bào DTTS trên địa bàn.

Ngoài ra, thành phố Long Khánh còn phối hợp với Hội Luật gia tỉnh thành lập Điểm tư vấn pháp luật miễn phí cho đồng bào DTTS và duy trì ổn định đến nay được 2 năm. Qua đó, đã tư vấn và trợ giúp pháp lý miễn phí cho nhiều trường hợp liên quan đến những vấn đề tranh chấp phát sinh ở khu dân cư, các vướng mắc trong quan hệ dân sự...

“Sự nỗ lực, cố gắng của Phòng Dân tộc và các ban ngành, đoàn thể từ thành phố đến các xã, phường đã giúp công tác PBGDPL có nhiều chuyển biến tích cực, các nội dung pháp luật đã kịp thời chuyển tải đến với bà con, góp phần xây dựng ý thức sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật của đồng bào DTTS” - ông Phúc chia sẻ.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào tuyên truyền

Thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh luôn xác định trách nhiệm quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật cho cán bộ, công chức làm công tác dân tộc và đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Hàng năm, đơn vị đều xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch tuyên truyền, PBGDPL cho hàng ngàn lượt đồng bào DTTS và học sinh tại các trường dân tộc nội trú. Nội dung và hình thức tuyên truyền, PBGDPL rất đa dạng, phong phú. Thông qua các kênh tuyên truyền, PBGDPL đã giúp cán bộ, công chức và đồng bào DTTS hiểu rõ các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc.

Phó giám đốc Sở Tư pháp Phan Quang Tuấn cho biết, thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh đã chủ động phối hợp với các cơ quan thực hiện tuyên truyền, PBGDPL cho hàng ngàn lượt người đồng bào DTTS trên địa bàn các ấp, xã, phường, thị trấn thuộc các huyện, thành phố với nhiều chuyên đề thiết thực. Sở Tư pháp cũng tổ chức các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho gần 200 người có uy tín có đủ kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS; tạo điều kiện cho đội ngũ báo cáo viên tham gia đầy đủ các hội nghị tập huấn hàng quý do Sở Tư pháp tổ chức.

Bên cạnh đó, các mô hình PBGDPL cho đồng bào thông qua đội ngũ người có uy tín trong đồng bào DTTS đang ngày càng phát huy hiệu quả, là cầu nối đưa những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào các DTTS. Đặc biệt, Ban Dân tộc tỉnh đã chủ động nghiên cứu các chính sách pháp luật mới có liên quan trực tiếp đến đồng bào DTTS, kịp thời tham mưu UBND tỉnh trong công tác quản lý nhà nước về dân tộc, tuyên truyền, phổ biến kịp thời nội dung các chính sách đến đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, Ban Dân tộc tỉnh cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội trong PBGDPL cho đồng bào DTTS để hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật ngày càng nâng cao hiệu quả trong thời gian tới.

An Nhơn - Minh Anh