Căng thẳng Trung Quốc với Mỹ, Australia: Đất hiếm, độc quyền và 'vũ khí' lợi hại của Bắc Kinh

Trong bài viết đăng ngày 19/7 trên ABC, tác giả Daniel Mercer nhận định, nguồn cung đất hiếm - thứ tài nguyên quan trọng để phát triển nền kinh tế và đối phó với biến đổi khí hậu có thể bị cắt đứt đối với Mỹ, Australia và các đồng minh khi căng thẳng với Trung Quốc leo thang hơn nữa.

Mỏ đất hiếm Mt Weld ở Tây Australia đã hoạt động từ năm 2007. (Nguồn: Lynas Corporation)

Trong bối cảnh quan hệ căng thẳng giữa Bắc Kinh với Washington và Canberra, người ta đã cảnh báo về việc Trung Quốc đang độc quyền trong việc buôn bán đất hiếm và coi nguồn nguyên liệu này như một "vũ khí" để chống lại các đối thủ.

Ông Jeffrey Wilson, Giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Perth USAsia tại Đại học Tây Australia, cho biết, sự thống trị của Trung Quốc về nguồn đất hiếm đã tạo đòn bẩy cho các quốc gia khác trong việc giảm lượng khí thải hoặc thậm chí là tăng cường trang bị cho lực lượng quốc phòng.

Chỉ vài ngày sau khi nhận vị trí Tổng lãnh sự Mỹ tại Perth 2 năm trước, ông David Gainer đã đến thăm một mỏ đất hiếm gần Laverton, một vùng hẻo lánh ở phía Tây Australia.

Ông Jeffrey Wilson, Giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Perth USAsia. (Nguồn: ABC)

Việc nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ ở Tây Australia thực hiện chuyến công tác đầu tiên của mình trên địa bàn sở tại bằng việc bay đến vùng sa mạc xa xôi đã nói lên nhiều điều về tầm quan trọng ngày càng tăng của các loại khoáng sản hiếm đối với nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Chuyến công tác cũng nói lên tầm quan trọng của đất hiếm đối với nền kinh tế toàn cầu trong thế kỷ XXI. Đồng thời khẳng định rằng, trong cuộc chạy đua công nghệ hiện nay giữa Washington và Bắc Kinh, Mỹ rất cần kiểm soát thứ tài nguyên quý giá này.

Đất hiếm được coi là đóng vai trò quan trọng trong việc đối phó với biến đổi khí hậu, điện khí hóa giao thông vận tải và thậm chí trang bị cho lực lượng quốc phòng trên toàn thế giới.

Vậy đất hiếm là gì, và tại sao nó lại là đối tượng cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa một bên là Mỹ và các đồng minh và một bên là Trung Quốc?

Trung Quốc chiếm vị thế độc quyền

Tiến sĩ Wilson cho biết tên gọi đất hiếm thực ra là một cách viết nhầm và rằng loại tài nguyên thiên nhiên này không phải quá hiếm hoi trên thế giới.

Tuy nhiên ông nói, điều khiến loại đất này trở nên quý và hiếm chính là trữ lượng ở các mỏ mà con người có thể khai thác ở quy mô thương mại.

Ông Wilson cho hay, có khoảng 15 khoáng chất tạo nên sự ổn định của đất hiếm và chúng được sử dụng cho các ngành công nghệ, từ tuabin gió, ô tô điện đến điện thoại thông minh và khí tài quân sự.

Vị chuyên gia này khẳng định, Trung Quốc hiện đang thống trị nguồn cung của thế giới, chiếm từ 70 đến 80% trữ lượng đất hiếm toàn cầu.

Cũng theo Giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Perth USAsia: “Sự độc quyền của Trung Quốc về loại khoáng sản quan trọng đối với các ngành công nghệ trên đã mang lại cho nước này một vũ khí kinh tế thực sự mạnh mẽ”.

Năm 2010, Bắc Kinh đã cắt nguồn cung đất hiếm cho Nhật Bản. Và nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới cũng đã đe dọa có thể cắt nguồn cung cấp đất hiếm cho Mỹ trong tương lai.

Chuyên gia Wilson nhận định: "Vì vậy, khi mối quan hệ của Trung Quốc với một số quốc gia như Australia, Nhật Bản, Mỹ và châu Âu ngày càng trở nên tồi tệ hơn trong 12 tháng qua, hiện có mối đe dọa rằng Bắc Kinh có thể sử dụng thế độc quyền của mình để triển khai 'vũ khí đất hiếm' nhằm trừng phạt các nước khác nếu có những bất đồng ngoại giao".

'Rất phức tạp, rất tốn kém'

Theo Tiến sĩ Wilson, thế mạnh của Trung Quốc về đất hiếm một phần là nhờ sự trợ cấp của nhà nước đối với các công ty khai thác và chế biến loại tài nguyên này.

Trên hết, ông khẳng định, các tiêu chuẩn về môi trường ở Trung Quốc thấp hơn nhiều so với các nước phát triển, điều đó giúp chi phí sản xuất, xử lý môi trường ở đây thấp hơn nhiều so với tại những nơi khác.

Ông nói: “Rất khó để sản xuất các khoáng chất đất hiếm và nó không giống như các ngành công nghiệp khai thác truyền thống mà chúng ta đã quen thuộc ở Australia".

Sản xuất đất hiếm đòi hỏi quy trình rất phức tạp và tốn kém. (Nguồn: Lynas Corporation)

Khai thác và xử lý đất hiếm đòi hỏi quá trình xử lý hóa học rất mạnh trong một quy trình được gọi là luyện kim thủy lực để tạo ra các khoáng chất cần thiết cho ngành công nghiệp tuabin gió, xe điện hoặc thiết bị điện tử.

Tiến sĩ Wilson nhận định, "điều này có nghĩa là công nghệ cần thiết để thiết lập một dự án khai thác đất hiếm thực sự rất phức tạp và rất tốn kém".

Cần sự hỗ trợ của chính phủ

Bà Amanda Lacaze, Giám đốc điều hành của công ty Lynas tại Australia, mô tả sân chơi giữa các nhà sản xuất đất hiếm Trung Quốc và phần còn lại của thế giới là mất cân bằng nghiêm trọng.

Lynas, công ty sở hữu mỏ đất hiếm Mount Weld gần Laverton ở Tây Australia, là nhà cung cấp đất hiếm lớn duy nhất bên ngoài Trung Quốc. Gần đây, công ty này đã trúng gói thầu trị giá 30,4 triệu USD của Bộ Quốc phòng Mỹ để xây dựng một nhà máy chế biến thử nghiệm ở Texas.

Giám đốc Lacaze cho biết, Australia có tiềm năng trở thành đối thủ lớn của Trung Quốc nhờ trữ lượng đất hiếm lớn và trình độ chuyên môn với tư cách là quốc gia dẫn đầu thế giới về khai thác tài nguyên thiên nhiên.

Nhưng nữ doanh nhân này cũng nhận định rằng thế mạnh đó có nguy cơ không được phát huy trừ khi các chính phủ ở cấp cao nhất sẵn sàng giúp các công ty cạnh tranh với các doanh nghiệp Trung Quốc về chi phí.

Bà Lacaze nói: “Tôi cho rằng việc tăng trưởng đối với ngành công nghiệp này có một số thách thức.

Vấn đề bóp méo thị trường do Trung Quốc có vị trí thống trị như vậy đã được nhận ra từ lâu và các nhà chức trách vẫn chưa làm gì đủ mạnh để khắc phục.

Việc tìm kiếm những cách thức để chúng tôi có thể thành công ở Australia có lẽ sẽ cần sự can thiệp hoặc hỗ trợ từ chính phủ".

Hiện công ty Lynas đang có kế hoạch phát triển một nhà máy khai thác và sản xuất tại trung tâm khai thác Kalgoorlie, cách Perth khoảng 600km về phía Đông, khi tìm cách hồi hương một số hoạt động tại Malaysia.

Tìm kiếm các nguồn cung thay thế

Cùng thời điểm này, công ty khai thác cát khoáng sản Iluka được niêm yết trên sàn chứng khoán ASX cũng đã đề xuất xây dựng một nhà máy tinh chế đất hiếm ước tính trị giá 1,2 tỷ USD tại Eneabba, phía Bắc Perth.

Trong khi đó, một số công ty nhỏ hơn đang cố gắng tận dụng nguồn dự trữ ở những địa phương khác trên khắp xứ sở kangaroo.

Tổng lãnh sự Mỹ tại Perth David Gainer lưu ý rằng thị trường đất hiếm hiện tại tương đối nhỏ nhưng dự đoán sẽ tăng trưởng đáng kể khi nhu cầu bùng nổ trong tương lai.

Ông cho biết, trong khi Mỹ không muốn can thiệp vào thị trường, "chúng tôi đã làm việc với Australia và các đối tác đồng minh trong vài năm qua để tìm cách giải quyết các vấn đề về chuỗi cung ứng đất hiếm".

Nhà ngoại giao này khẳng định: “Chúng tôi nghĩ rằng thật là rủi ro nếu để tất cả trứng vào một giỏ. Đó là lý do tại sao điều quan trọng là phải có một chuỗi cung ứng đa dạng, linh hoạt và có trách nhiệm đối với đất hiếm.

"Bạn cần biết đất hiếm mình sử dụng đến từ đâu, môi trường mà chúng đang được khai thác và xử lý như thế nào. Và bạn cũng cần biết rằng mình có khả năng phục hồi nguồn cung đó".

(theo ABC)